Nga thông báo ngừng giao dịch ngoại hối đến ngày 9/9

09/03/2022 07:34 Hà Định

Ngân hàng trung ương Nga ngày 9/3 thông báo nước này sẽ ngừng giao dịch ngoại hối đến ngày 9/9, trong bối cảnh Moskva đang phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế lớn của phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

Thông báo cho biết, từ ngày 9/3 đến 9/9, các ngân hàng tại Nga sẽ không được phép bán ngoại tệ cho người dân, tuy nhiên, người Nga vẫn có thể đổi từ ngoại tệ sang đồng ruble nội tệ trong cùng giai đoạn.

Bên cạnh đó, việc rút tiền mặt từ các tài khoản ngoại khối ở ngân hàng Nga sẽ bị giới hạn ở mức 10.000 USD đến ngày 9/9.

Đồng ruble nội tệ của Nga hôm 7/3 đã giao dịch ở mức thấp nhất trong lịch sử sau khi ngân hàng trung ương và các thể chế tài chính lớn của nước này đã phải hứng chịu một loạt biện pháp trừng phạt chưa từng có của phương Tây.

Trong khi đó, tiếp bước nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của phương Tây, chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh McDonald's, chuỗi cửa hàng càphê Starbucks, các tập đoàn nước giải khát Coca-Cola và Pepsi Cola ngày 8/3 đã thông báo quyết định tạm dừng hoạt động tại Nga.

Ngoài ra, EU sẽ áp các biện pháp trừng phạt mới chống Belarus, nước đồng minh Nga, bị khối coi là “đồng phạm" của Moscow trong chiến dịch tập kích nhằm vào Ukraine.

EU dự kiến sẽ cấm xuất khẩu nhiều mặt hàng của Belarus, từ các nhiên liệu khoáng sản tới thuốc lá, gỗ, xi măng và sắt thép.

Đây là những đòn trừng phạt bổ sung ngoài các biện pháp đã công bố trước đây chống Nga, gồm cả lệnh cấm nhập cảnh đối với các quan chức ở xứ sở bạch dương, đóng băng tài sản của Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Lavrov ở châu Âu, tấn công lĩnh vực năng lượng của Nga cũng như loại trừ một số ngân hàng nước này khỏi hệ thống SWIFT đang thống trị các hoạt động thanh toán toàn cầu.

Sau khi công bố các biện pháp trừng mới với Nga và Belarus, nữ chủ tịch Ủy ban châu Âu tái nhắc quan điểm của EU về việc duy trì liên lạc với chính phủ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hỗ trợ người tị nạn Ukraine và huy động các nguồn lực để trợ giúp những nước thành viên của khối tại Đông Âu trong hoạt động này.

Phát biểu trước một cuộc họp với các ngoại trưởng EU, Cao ủy EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell mô tả việc liên minh lần đầu tiên chính thức cung cấp vũ khí cho một quốc gia trong chiến tranh là “việc phá vỡ một điều cấm kỵ khác".