Đồng nhân dân tệ trở thành “thiên đường xuyên biên giới” trong khủng hoảng Ukraine

05/03/2022 08:16 toquoc.vn

Đồng nhân dân tệ đã tăng giá lên mức chưa từng thấy trong gần 4 năm qua. Điều này có được là nhờ Trung Quốc xuất khẩu mạnh mẽ và dòng tiền đổ vào thị trường vốn của nước này.

Một số chuyên gia dự đoán rằng đồng tiền này sẽ có nhiều người dùng hơn trong bối cảnh Mỹ và phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Trong ngày 2/3, đồng nhân dân tệ được giao dịch ở mức hơn 6,30 nhân dân tệ đổi 1 USD, mức cao kỷ lục kể từ tháng 4/2018.

Một nhà kinh doanh ngoại hối ở Hồng Kông cho rằng việc Mỹ tăng lãi suất có thể khiến đồng nhân dân tệ suy yếu sau Tết Nguyên Đán.

Nhưng ngay cả trong cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng nhân dân tệ vẫn chưa bị bán và vẫn có sự cấp bách trong việc mua đồng nhân dân tệ do nhu cầu thực tế.

Iris Pang, nhà kinh tế trưởng của ING Bank khu vực Trung Quốc cho biết: "Sức mạnh của đồng nhân dân tệ là kết quả của dòng vốn đổ vào thị trường chứng khoán và trái phiếu trong nước sau khi tài sản của Trung Quốc được đưa vào chỉ số đầu tư toàn cầu".

Năm 2021, nhà cung cấp chỉ số của Anh FTSE Russell đã bổ sung trái phiếu chính phủ Trung Quốc vào bộ chỉ số trái phiếu chính phủ thế giới của mình.

Lượng trái phiếu chính phủ Trung Quốc mà các nhà đầu tư quốc tế nắm giữ đã tăng 80% về giá trị so với 2 năm trước.

Xuất khẩu cũng là bệ đỡ cho đồng nhân dân tệ. Trung Quốc đã đạt thặng dư thương mại kỷ lục trong cả năm 2021 và phá kỷ lúc hàng tháng vào tháng 12.

Các nhà xuất khẩu có nhu cầu đổi đồng đô la đã chấp nhận chuyển sang nhân dân tệ.

Chiến sự tại Ukraine không dẫn đến tình trạng đồng nhân dân tệ bị bán tháo. Bất cứ khi nào xung đột bùng nổ, các nhà giao dịch thường bán phá giá tiền tệ của các quốc gia mới nổi và chuyển sang các lựa chọn thay thế an toàn hơn như đô la Mỹ hoặc đồng franc Thụy Sĩ. Đồng rúp của Nga đã giảm mạnh sau khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây được áp đặt.

Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ vẫn tiếp tục tăng giá trong giai đoạn đầy rủi ro này. Ông Pang cho biết tình hình Ukraine hiện nay cho thấy đồng nhân dân tệ đang ngày càng được coi là một "đồng tiền trú ẩn" ở châu Á.

Việc các ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT đã làm nảy sinh khả năng thu hút nhiều người dùng đồng nhân dân tệ hơn.

Điều này cũng tiếp thêm làn gió mới cho tham vọng phát triển một hệ thống thanh toán quốc tế độc lập do nhân dân tệ thống lĩnh.

Zhou Hao, nhà kinh tế cấp cao của Commerzbank cho biết: "Nga đã giảm tài sản nắm giữ bằng đô la Mỹ một cách khá mạnh mẽ và tăng cường nắm giữ bằng đồng euro, nhân dân tệ của Trung Quốc và vàng". Nhà kinh tế học cũng cho rằng khối lượng giao dịch giữa Trung Quốc và Nga sẽ tăng lên.

David Chao, chiến lược gia thị trường toàn cầu cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương, tin rằng các lệnh trừng phạt chống lại Nga sẽ mang lại lợi ích cho đồng nhân dân tệ.

Theo dữ liệu của SWIFT, đồng nhân dân tệ chiếm 3,2% các khoản thanh toán quốc tế trong tháng 1, phá vỡ kỷ lục được thiết lập vào tháng 8 năm 2015.

Tỷ lệ này vẫn còn kém đồng đô la và đồng euro (40%). Nhưng đồng nhân dân tệ đã vượt xa đồng yên trong 2 tháng liên tiếp.

Ông Zhou cho biết vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận rằng đồng nhân dân tệ là một đồng tiền trú ẩn an toàn.

Chính phủ Trung Quốc vẫn duy trì các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt, đặt ra các giới hạn đối với giao dịch tiền mặt bằng đồng nhân dân tệ qua biên giới.

Những hạn chế như vậy tạo ra sự khác biệt so với đồng đô la, vốn được chấp nhận như một đồng tiền pháp định quốc tế.

Các nhà chức trách Trung Quốc đang bắt đầu bày tỏ mối nghi ngại về sức mạnh của đồng nhân dân tệ. Điều này có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với xuất khẩu của Trung Quốc.

Oxford Economics, một công ty phân tích khác của Anh, dự đoán đồng tiền Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 6,42 CNY/USD vào cuối năm nay.

Theo nhóm nghiên cứu, các yếu tố như chính sách tiền tệ khác nhau giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ làm gia tăng áp lực giảm giá đối với đồng nhân dân tệ trong nửa cuối năm 2022.