Ai ở Bộ Giáo dục đã bao che cho Đại học Đông Đô cấp bằng giả?

25/11/2020 10:43 daidoanket.vn

Các bị can Dương Văn Hòa (trái), Trần Ngọc Quang  và Phạm Vân Thùy. Ảnh: Bộ Công an

Các bị can Dương Văn Hòa (trái), Trần Ngọc Quang  và Phạm Vân Thùy. Ảnh: Bộ Công an

Ngày 23/11, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa thông báo kết luận điều tra vụ án "Giả mạo trong công tác” tại trường Đại học Đông Đô, đồng thời đã đề nghị Viện KSND tối cao truy tố các bị can nguyên cán bộ của trường này gồm: Dương Văn Hòa (nguyên hiệu trưởng), Trần Kim Oanh (nguyên Phó Hiệu trưởng kiêm Phó Viện trưởng Viện đào tạo liên tục), Lê Ngọc Hà (Phó Hiệu trưởng), Trần Ngọc Quang (nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo và quản lý sinh viên) cùng 6 bị can khác.

Theo kết luận điều tra, Đại học Đông Đô chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có văn bằng 2 ngành ngôn ngữ tiếng Anh. Tuy nhiên, giai đoạn 2015-2017, các bị can đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh và được Bộ GD&ĐT thông báo chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy.

Theo đó, lợi dụng sơ hở, thiếu sót của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác quản lý việc tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng đối với hệ văn bằng 2, bị can Trần Khắc Hùng (chủ tịch HĐQT trường Đại học Đông Đô, hiện đang bỏ trốn) và đồng phạm đã tuyển sinh và cấp bằng cho hàng trăm trường hợp mà không cần phải học.

Căn cứ tài liệu thu giữ được, Cơ quan điều tra xác định Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh cho 626 trường hợp nhưng chỉ có 216 trường hợp có thông tin để xác minh.

Trong đó, có tới 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng. Có 23 người tham gia học tập tại các cơ sở nhưng do Đại học Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo văn bằng 2 nên số bằng đã cấp cho những người này không có giá trị. Toàn bộ bằng giả do bị can Dương Văn Hòa ký theo chỉ đạo của Trần Khắc Hùng (cựu Chủ tịch HĐQT nhà trường), cơ quan điều tra đã thu lại được 177 bằng.

Đối với 193 người được trường Đại học Đông Đô cấp bằng giả, có 60 trường hợp đã sử dụng bằng. Đáng chú ý có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi tuyển công chức, 2 trường hợp kê khai vào hồ sơ cán bộ.

Cơ quan An ninh điều tra đã có văn bản kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý cán bộ vi phạm theo quy định đối với 58 trường hợp sử dụng bằng giả của Đại học Đông Đô.

Đối với các trường hợp chưa sử dụng bằng, Cơ quan điều tra đã có văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định hủy bỏ, thu hồi các bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh hệ văn bằng 2 chính quy đã cấp cho các cá nhân không đúng quy định và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Tiếng Anh do Đại học Đông Đô cấp không có giá trị.

Đối với trách nhiệm của các cá nhân và đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT liên quan vụ án, cơ quan điều tra xác định trường Đại học Đông Đô chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2. Tuy nhiên từ năm 2015, trường này đã được Bộ GD&ĐT thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và cho đăng đề án tuyển sinh lên cổng thông tin điện tử của bộ, trong đó có cả chỉ tiêu hệ văn bằng 2.

Cơ quan điều tra đánh giá một số cá nhân công tác tại Vụ Kế hoạch - Tài chính và Vụ Giáo dục đại học của Bộ GD&ĐT liên quan việc đăng tải đề án nói trên có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật. Vì vậy, theo kết luận điều tra, Bộ Giáo dục cần làm rõ trách nhiệm liên quan để xử lý theo quy định.

Về các dấu hiệu sai phạm thuộc Bộ Giáo dục, cơ quan điều tra cũng đã tách ra để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.