Chuyên gia hiến kế dẹp loạn các sàn giao dịch tiền ảo BO, Forex

23/09/2021 07:03 Vũ Ninh

Lừa đảo đội lốt đa cấp tài chính mọc lên như nấm sau mưa

Thời gian qua, hàng loạt sàn đầu tư tiền ảo trái phép như Raidenbo.com, Bitono.io, GardenBO.com, Coolcat, Busstrade,… bị người dùng tố cáo về hành vi lừa đảo, cùng với đó là không ít cảnh báo từ các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng về dấu hiệu tổ chức huy động vốn, lôi kéo người tham gia đầu tư, tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy, chưa kể, hàng loạt vụ việc đã bị triệt phá.

Thế nhưng, thay vì cảnh giác, không ít nhà đầu tư đi tìm “siêu lợi nhuận” vẫn vô tư đưa mình vào bẫy.

Thủ đoạn chung của các sàn đầu tư tiền ảo thường tiếp cận “con mồi” với những mời chào hấp dẫn bởi lợi nhuận cao bất thường, chỉ cần ngồi một chỗ với vài ba thao tác nhanh gọn, nhà đầu tư có thể kiểm tới hàng nghìn đô một tháng…

Chẳng hạn các sàn đầu tư 3WIN.NET, DK Trade, BitFex… được giới thiệu là sàn giao dịch quyền chọn nhị phân, một cách đặt cược dự đoán giá tiền ảo, cổ phiếu tăng/giảm.

Nhà đầu tư bỏ vốn theo tỷ giá quy đổi 24.500 đồng = 1USDT (USD điện tử), và được hướng dẫn sử dụng chức năng copytrade (tự động sao chép) của sàn để giao dịch theo tài khoản chuyên gia (gọi là “thầy”).

Nếu đoán đúng, người chơi nhận lãi, ngược lại, đoán sai cũng không mất gì (với những trường hợp tham gia gói bảo hiểm, phí 2%/tuần).

Ngoài ra, người chơi bắt buộc để dư 1% vốn để phòng trường hợp “thầy” đi nhầm lệnh.

Hay như một số sàn tên miền .io (Vương Quốc Anh), để lôi kéo người chơi, nhóm đứng đầu sàn lập nhiều nhóm “phím hàng bao ăn” trên các ứng dụng Zalo, Telegram,… công khai nhận tiền, chuyển tiền, hướng dẫn mua USD.

Nhóm đứng đầu khiến nhà đầu tư hoa mắt với cuộc sống sang chảnh, cam kết đào tạo đội nhóm, du lịch 5 sao.

Người chơi không cần kiến thức về tài chính, chỉ cần 15 - 20 phút/ ngày gặp “thầy” qua ứng dụng gọi video trực tuyến, nhấn chuột theo hướng dẫn để kiếm lời.

Các đầu mối người chơi có thể liên hệ, tự xưng đứng đầu hoàn toàn là người Việt. Chính sách bảo hiểm vốn đều giống như nhau nhưng người chơi thường không được giải quyết khi có khiếu nại mà các sàn BO thường khóa tài khoản của nhà đầu tư rồi ôm tiền biến mất.

100% các sàn Forex, BO tại Việt Nam đang hoạt động trái phép

Hấp dẫn là vậy, thế nhưng, khi người chơi dồn tiền của tích cóp, thậm chí đi vay lãi đổ dồn vào đó, bỗng dung một ngày đẹp trời, bao tài sản tự dưng “bốc hơi” không dấu vết.

Chị Vũ Thị Lan (Hà Nội), được một đồng nghiệp tỉ tê về dự án tiền ảo ROBOMINE.

Nghe theo lời giới thiệu của bạn, chị Hương đầu tư 2000 USD thì được rút lãi 20 USD. Thấy lợi nhuận có thật, nên chị tiếp tục đầu tư 8.000 USD rồi lại 15.000 USD.

“Tuy nhiên bắt đầu từ tháng 6/2021, dự án này biến mất không dầu vết. Hệ thống trang web cũng như ứng dụng ROBOMINE không cánh mà bay. Toàn bộ số tiền 15.000 USD tiền gốc của tôi mất trắng.

Đến nay tôi vẫn hàng tháng ngấm ngầm trả tiền lãi cho ngân hàng vì đầu tư cái này gia đình không biết”, chị Hương chia sẻ.

Tình trạng của chị Hương cũng là hoàn cảnh éo le của hàng ngàn nhà đầu tư đang tham gia các sàn BO, Forex. Chỉ đến khi tiền mất, tật mang họ mới vỡ mộng về giấc mơ làm giàu nhanh chóng, trở thành tỷ phú sau một đêm.

Chuyên gia hiến kế dẹp loạn sàn BO, Forex

Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có khung pháp luật rõ ràng, đầy đủ, điều chỉnh đối với tiền ảo và còn nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến tiền ảo được đặt ra.

Đây thực sự là một thách thức đối với các nhà làm luật, những người áp dụng pháp luật ở Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Trần Văn Biên, Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), đối chiếu với quy định của pháp luật dân sự hiện hành thì tiền ảo không được coi là tài sản hay hàng hoá.

Bởi lẽ, Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.

Với quy định trên, tiền ảo không được coi là tài sản vì nó không thuộc bất kỳ loại nào trong các loại nêu trên.

Tiến sĩ Trần Văn Biên cho rằng việc chưa có quy định nào của pháp luật dân sự khẳng định tiền ảo là một loại tài sản dẫn đến những hệ quả tiếp theo là các quan hệ dân sự như sở hữu, thừa kế, hợp đồng hay bồi thường thiệt hại liên quan đến tiền ảo đều không có cơ chế để giải quyết một cách phù hợp.

Ví dụ, khi ví điện tử của một chủ thể bị xâm nhập và bị ăn trộm một số lượng tiền ảo nhất định thì có đòi lại được không? Khi các bên mua bán tiền ảo không thực hiện nghĩa vụ giao tài sản thì áp dụng trách nhiệm dân sự gì? Các cá nhân chuyển tiền cho nhau thì làm sao để phát hiện đâu là giao dịch hợp pháp, đâu là giao dịch bất hợp pháp?

“Việt Nam cần có một định nghĩa rõ ràng, cụ thể về tiền ảo để xác định phạm vi đối tượng tiền ảo được điều chỉnh theo pháp luật Việt Nam, từ đó, làm cơ sở cho việc xây dựng các quy định pháp luật khác có liên quan.

Bên cạnh đó, cũng cần ghi nhận tiền ảo là một loại tài sản mới trong Bộ luật Dân sự. Khái niệm về tài sản tại Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 cần có sự sửa đổi theo hướng bổ sung thêm các loại tài sản khác do pháp luật quy định.

Khung pháp lý hợp lý, toàn diện dựa trên nền tảng xác định tiền ảo là một loại tài sản sẽ giúp các cơ quan có thẩm quyền quản lý tốt hơn, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi trái pháp luật trong sử dụng tiền ảo.

Việc xác định được tình trạng pháp lý của tiền ảo sẽ là cơ sở vững chắc, tạo nền móng cho quá trình xây dựng các quy định về các vấn đề khác có liên quan, như quản lý hoạt động ICO (phương thức huy động tiền điện tử), sàn giao dịch, thuế đối với tiền ảo...”, Tiến sĩ Trần Văn Biên chia sẻ.

Đã đến lúc cơ quan chức năng cần mạnh tay vào cuộc, xử lý nghiêm các sàn giao dịch trái phép, lừa đảo

Trên thực tế, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh tiền ảo đã có được những khoản lợi nhuận khổng lồ, tuy nhiên, chúng ta lại không hề thu được khoản thuế nào bởi Việt Nam chưa có khung pháp luật về tiền ảo.

Chính vì vậy, TS. Trần Văn Biên đề xuất pháp luật về thuế của Việt Nam cũng cần có sự điều chỉnh, quy định cụ thể về sắc thuế và cách tính thuế đối với loại tài sản mới này.

Luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty TNHH Luật Hà Việt cho biết, xét về mặt thực tiễn việc kiểm soát và triệt phá các sàn giao dịch vàng, tiền ảo theo dạng “đầu tư online” hoàn toàn khả thi và minh chứng rõ nhất là khi muốn làm, cơ quan quản lý, cơ quan chức năng đều đánh phá được như vụ bắt và khởi tố các vụ đánh bạc online đình đám, đặc biệt là vụ việc bắt, khởi tố hàng loạt đối tượng liên quan đến đường dây đánh bạch nghìn tỷ, trong đó có cả những cán bộ cao cấp.

Theo Luật sư Luân, các hệ thống trang web, ứng dụng đều có địa chỉ IP, thông tin thuê tên miền, hệ thống máy chủ, trong khi quy định của pháp luật nêu rõ, trường hợp cần thiết theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng, các bên cung cấp dịch vụ sẽ cung cấp đầy đủ thông tin khách hàng, kể cả đó là các nhà cung cấp quốc tế.

“Xét về mặt kỹ thuật, xét về mặt thẩm quyền chức năng, “dẹp loạn” các sàn giao dịch vàng, tiền ảo theo dạng “đầu tư online” là không khó, tuy nhiên vì đâu các hoạt động này vẫn có “cửa sống”?

 Dư luận không khỏi đặt ra nhiều nghi vấn về tính trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước, bởi hơn lúc nào hết, người dân đang cần sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị liên quan, để những hệ lụy, thiệt hại về kinh tế không còn trở thành nỗi ám ánh trong thực tiễn cuộc sống”, Luật sư Luân giải thích.