'Xanh hóa' để xuất khẩu nông sản

12/03/2023 06:00 daidoanket.vn

2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản giảm nhưng vẫn có nhiều mặt hàng có mức tăng trưởng ấn tượng. Để có kết quả này nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng phát triển dòng sản phẩm xanh, từ đó thúc đẩy xuất khẩu.

Sản xuất xanh, sản xuất hữu cơ là xu hướng để nông sản Việt xuất khẩu ổn định và bền vững. Ảnh: Quang Vinh.

Sản xuất xanh, sản xuất hữu cơ là xu hướng để nông sản Việt xuất khẩu ổn định và bền vững. Ảnh: Quang Vinh.

Từ vài hộ nông dân ban đầu, đến nay Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu Quế hồi Việt Nam (Vinasamex) đã ký trực tiếp với 3.000 hộ nông dân hợp đồng bao tiêu trực tiếp trong chuỗi giá trị hữu cơ. Vinasamex hiện có 4 vùng nguyên liệu chính ở Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai với diện tích hơn 1.000ha.

Tác động lan tỏa của mô hình nông nghiệp hữu cơ

Vùng nguyên liệu quế, hồi của Vinasamex tuân thủ nhiều tiêu chuẩn như không sử dụng phân bón hóa học hay chất kích thích tăng trưởng gây hại cho đất, cho cây, không sử dụng thuốc triệt cỏ trong quá trình canh tác. Vinasamex đã xuất khẩu tới 20 quốc gia trên thế giới, đối tác uy tín của các khách hàng tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Doanh thu tăng trưởng đều hàng năm trên 20%, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 100 lao động thường xuyên và trên 200 lao động thời vụ, đã liên kết với hơn 3.000 hộ nông dân, bao tiêu sản phẩm đầu ra và giúp họ gia tăng thu nhập và ổn định cuộc sống

Nhận định về tác động lan tỏa của mô hình chuỗi sản xuất quế hồi hữu cơ của Vinasamex tới bà con vùng Tây Bắc, ông Nguyễn Lê Bình - Phó Chánh Văn phòng quốc gia giảm nghèo (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, Vinasamex đã có nhiều đóng góp giúp bà con vùng sâu vùng xa, đặc biệt là bà con nghèo tận dụng được các sản phẩm đặc trưng của vùng đất của mình để giảm nghèo bền vững.

Những mô hình đem lại hiệu quả cao nhờ sản xuất hữu cơ giờ không còn là chuyện hiếm. Ông Trần Ngọc Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (VOAA) cho biết, sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau 3 năm triển khai Đề án Nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đạt trên 335 triệu USD/năm và đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó châu Âu là thị trường nhập khẩu chính các sản phẩm hữu cơ của Việt Nam. Với xu thế phát triển, tiêu dùng sản phẩm hữu cơ kết hợp lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), tiềm năng và cơ hội cho nông sản hữu cơ Việt Nam ngày càng được mở rộng.

Đề cập đến cơ hội về xuất khẩu sản phẩm hữu cơ, đại diện Thương vụ Việt Nam tại CHLB Đức, bà Đỗ Việt Hà cho biết, người tiêu dùng châu Âu, đặc biệt là người Đức rất chú trọng đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe, xu hướng tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ ngày càng tăng. Doanh thu thực phẩm hữu cơ ở Đức đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua, từ 6,64 tỷ euro năm 2011 lên gần 15,9 tỷ euro vào năm 2021. Tại Đức, 50% các sản phẩm hữu cơ được bán trong các siêu thị bán lẻ, 32% được bán tại các siêu thị chuyên về sản phẩm hữu cơ và 18% được tiêu thụ thông qua các kênh bán lẻ khác. Do đó, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần tận dụng tối đa các cơ hội mang lại, nắm bắt kịp thời xu thế tiêu dùng, các quy định về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu, các yêu cầu về chứng nhận tiêu dùng hữu cơ quốc tế để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm hữu cơ Việt Nam.

Tương tự, đại diện các Thương vụ Việt Nam tại Algeria, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… đều khẳng định tiềm năng, cơ hội đối với các sản phẩm thực phẩm chế biến của Việt Nam là rất lớn, song, đi cùng với đó là các yêu cầu phải tuân thủ được chính sách, quy định của thị trường đã có nhiều thay đổi trong thời gian gần đây, trong đó, phải đặc biệt chú trọng các yếu tố “xanh”, thân thiện với môi trường.

Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã chinh phục thị trường thế giới. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã chinh phục thị trường thế giới. Ảnh: Quang Vinh.

Xây dựng thương hiệu cho nông sản

Lạm phát gia tăng, nhu cầu suy yếu khiến cho kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm sút trong 2 tháng đầu năm 2023. Đứng trước bối cảnh khó khăn, ngoài các sản phẩm chủ lực, Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao đã đẩy mạnh khai thác thị trường ngách cùng với đó là đa dạng hóa sản phẩm.

Theo ông Đinh Gia Nghĩa - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao, với cơ cấu 50 sản phẩm nông sản đã qua chế biến vì vậy, sự sụt giảm đơn hàng của các sản phẩm cao cấp như xoài, dâu tây… lại được bù đắp bởi sức tăng của những sản phẩm có giá bình dân hơn. Đơn cử như ngô ngọt vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tới 40% so với cùng kỳ năm 2022. Chính việc đa dạng hóa sản phẩm để tiếp cận nhiều hơn tới khách hàng của mình, DN có thể đảm bảo tốc độ tăng trưởng các mặt hàng xuất khẩu.

Đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng chế biến, sản phẩm hữu cơ được xem là giải pháp quan trọng trong thời gian tới để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này không dễ. Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), nhiều thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc đang gặp khó khăn.

Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam vẫn đang phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực ASEAN, châu Á.

“Các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ điều hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… ngày càng gia tăng yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm bao gồm các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Đây rõ ràng là thách thức nhưng cũng nên nhìn nhận như cơ hội cho các DN xuất khẩu thực phẩm chế biến của Việt Nam nắm bắt và phát triển” - ông Hải cho biết.

Giới chuyên gia nông nghiệp nhìn nhận, hiện nay đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ sản xuất, tiêu dùng sản phẩm thông thường sang sản phẩm sạch, hữu cơ, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, đây là sản phẩm có phân khúc đặc thù về nhu cầu thị trường, định vị thương hiệu. Bởi vậy, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường xuất khẩu đặc biệt ở khía cạnh truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa, số hóa sản phẩm hữu cơ, tiến tới thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, cần tiến hành đồng bộ giải pháp, có sự hợp lực, chung tay từ nhiều phía, cả cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng DN cũng như người nông dân.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Liên, Đại diện Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, khó khăn mà các DN thực phẩm Việt Nam hiện đang gặp phải là thiếu vùng nguyên liệu và yếu về năng lực chế biến. Bởi để lựa chọn nguyên liệu sạch đưa vào sản xuất, chỉ có mã số vùng trồng là chưa đủ, phải có các chứng nhận như VietGab… Nhưng vùng nguyên liệu của Việt Nam chưa nhiều, buộc DN phải mua gom từ nhiều vùng miền. Điều này làm tăng giá sản xuất, nhất là trong bối cảnh chi phí vận chuyển tăng cao. Bên cạnh đó, DN muốn gia tăng doanh thu, thị phần xuất khẩu nhưng khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng quốc tế. Từ thực tế này, bà Liên cho rằng cần tạo điều kiện cho các DN nhỏ và vừa sản xuất thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ tham gia các hội chợ, giới thiệu sản phẩm, quảng bá rộng rãi hơn sản phẩm và thương hiệu nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam.

Đặc biệt, theo bà Liên, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam cần phải được chú ý hơn nữa khi làm xúc tiến thương mại cũng như về truyền thông xây dựng thương hiệu. Theo đó cần chú ý đến những sản phẩm mang tính chất đặc trưng riêng của Việt Nam. Những đặc sản vùng miền hoặc những sản phẩm nó có thế mạnh cho Việt Nam, đặc biệt là những sản phẩm hữu cơ của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, để quảng bá thương hiệu, sản phẩm hiệu quả thì DN, hiệp hội cần bắt tay chặt chẽ hơn với các cơ quan xúc tiến thương mại và thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, DN nên coi khoản chi phí cho hoạt động xúc tiến là khoản đầu tư chứ không phải chi phí.

'Xanh hóa' để xuất khẩu nông sản - Ảnh 1

TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới:

Vẫn thiếu quy hoạch vùng nguyên liệu hữu cơ

Dù có thế mạnh về nông sản, song chúng ta chưa có quy hoạch về sản xuất hữu cơ, chưa có các cơ chế chính sách riêng hỗ trợ cho sản xuất hữu cơ mà lồng ghép thực hiện trong các chương trình, dự án khác như chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản; sản xuất nông nghiệp hữu cơ không còn là vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề chính sách.

Do vậy, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần sớm ban hành các chính sách cụ thể, khả thi để hỗ trợ nông nghiệp hữu cơ phát triển. Cụ thể, cần quy hoạch và bảo vệ khu vực đất đai, nguồn nước chưa hoặc ít bị ô nhiễm và còn phù hợp cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng hàng hóa. Đồng thời cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; phải minh bạch và hài hòa các quyền lợi cho những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia trong chuỗi.