Vụ 'siêu lừa' Hà Thành: Khách VIP nói mất tiền vì tin ngân hàng

14/03/2023 06:00 daidoanket.vn

Ngày 13/3, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét hỏi vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" và "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng" xảy ra tại Ngân hàng Đại chúng (PVCombank), Ngân hàng Quốc dân (NCB) và Ngân hàng Việt Á (VAB).

Vụ 'siêu lừa' Hà Thành: Khách VIP nói mất tiền vì tin ngân hàng

Tại tòa, các luật sư đặt câu hỏi với đại diện VAB về việc khách hàng ký hợp đồng, gửi tiền tiết kiệm với ngân hàng nhưng nay không thể rút ra. Các luật sư phân tích, khách hàng ký hợp đồng gửi tiền hợp pháp với ngân hàng; còn việc Nguyễn Thị Hà Thành cấu kết cùng nhân viên ngân hàng, giả chữ ký của chủ sổ tiết kiệm để "rút tiền" là khác nhau.

Do khách hàng không thế chấp, không cùng Hà Thành phạm tội nên ngân hàng phải trả tiền cho họ; không thể lấy tiền của khách bù vào việc Hà Thành "lừa" ngân hàng.

Một bị hại trong vụ án, ông Triệu Hùng Cường đang thiệt hại 29 tỷ đồng. Ông còn có 3 sổ tiết kiệm liên quan vụ án, tổng 95 tỷ đồng đều đã bị VietABank "giam", chưa thanh toán. Vị này có đề nghị VietABank trả lại số tiền này.

Các "đại gia" khác gửi tiền cũng đang bị ngân hàng "giam" sổ tiết kiệm gồm bà Triệu Thị Tuyết Trinh, ông Đặng Nghĩa Toàn. Trong đó, bà Trinh cho hay đang "chôn" ở VBA 3 sổ tiết kiệm trị giá 75 tỷ đồng.

Ông Toàn có một sổ tiết kiệm 20 tỷ đồng ở VAB; 4 sổ trị giá 50 tỷ đồng ở NCB và 4 sổ trị giá 52 tỷ đồng tại PVcombank.

Tại tòa, ông Toàn trình bày: "Tôi bị kẹt tổng cộng 122 tỷ đồng ở ba ngân hàng nên cuộc sống gia đình, kinh doanh bị xáo trộn. Tôi bị mang tiếng là kẻ lừa đảo ngân hàng, trong khi tiền của mình đang bị ngân hàng đóng băng".

Những người này được tòa triệu tập đến trong vai trò người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Họ cho hay đều "mất tiền" do tin tưởng nhân viên các ngân hàng nên đề nghị NCB, VAB và PVcombank trả lại toàn bộ tiền trong các sổ tiết kiệm. Tuy nhiên trong quá trình truy tố, các ngân hàng chưa đồng ý trả lại tiền.

Cũng tại tòa, các luật sư đặt một loạt câu hỏi với đại diện VAB nhưng không được trả lời. "Cái gì VAB cũng nói không biết, luật sư chúng tôi cũng không biết hỏi gì nữa", một người nói.

Theo cáo trạng, Nguyễn Thị Hà Thành do kinh doanh thua lỗ đã nợ khoảng 80 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2018, cô ta dùng chiêu vay tiền với lãi suất cao, lấy của người sau trả cho người trước để tạo lòng tin và cũng trở thành khách VIP của các ngân hàng.

Thành còn câu kết với 17 bị cáo là cán bộ ngân hàng để lập các sổ tiết kiệm đồng sở hữu giữa mình với các "đại gia", hứa hẹn trả lãi ngoài cao. Sau đó, bị cáo giả mạo chữ ký của các đồng sở hữu để cầm cố sổ tiết kiệm và được các ngân hàng giải ngân.

Các cựu cán bộ ngân hàng bị cáo buộc bỏ qua nhiều bước xác minh như không gặp trực tiếp chủ tài sản đảm bảo; lập tờ trình cấp tín dụng dù hồ sơ giả mạo; chưa qua thẩm định... giúp Hà Thành vay tiền bằng tài sản của người khác.

Tổng cộng, "siêu lừa" Hà Thành đã chiếm đoạt của NCB 47,5 tỷ đồng, của PVcombank 49,4 tỷ đồng, của VAB hơn 273 tỷ đồng và của 4 cá nhân khác 63 tỷ đồng.

Danh sách các bị cáo:

Nhóm bị truy tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản":

Nguyễn Thị Hà Thành

Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công ty Jeongho Landmark)

Nguyễn Thị Thu Hương (Ngân hàng TMCP Việt Á)

Quản Trọng Đức (Giám đốc chi nhánh VietABank)

Nguyễn Mai Phương (Kiểm soát viên Phòng giao dịch Đông Đô Việt Á Bank)

Trịnh Trung Kiên (Giám đốc công ty xây dựng)

Nguyễn Thanh Bình (kế toán công ty xây dựng)

Nhóm bị truy tố các tôi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng":

Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng khách hàng cá nhân, phòng giao dịch Đông Đô, ngân hàng Việt Á),

Nguyễn Hồng Trung (nhân viên NCB)

Bị truy tố tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng":

Trần Thị Hoa (Giám đốc chi nhánh Hà Nội)

Đặng Thị Thu Hoà và Phạm Thị Ngọc Lan (đều là nhân viên NCB)

Đỗ Minh Đức (kiểm soát viên VietABank)

Bùi Văn Tuấn (cán bộ PVcombank)

Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trịnh Phương Ngân, Phạm Thu Hiền, Lê Thị Hiên (đều là giao dịch viên VietABank)

Đỗ Thị Liên và Bùi Thị Na (đều là thủ quỹ VietABank)

Nhóm bị truy tố tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự":

Triệu Đình Hoan (Chủ tịch HĐQT Công ty Hải Linh)

Nguyễn Thị Là và Triệu Thị Hạnh (đều là nhân viên công ty Hải Linh)

Phạm Thế Tuấn (giao dịch viên NCB)

Nguyễn Thị Hồng Hạnh và Nguyễn Giang Hoà (lao động tự do)