Vốn cho bất động sản không thiếu

10/06/2022 06:00 daidoanket.vn

Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, nhu cầu bất động sản giai đoạn 2021 – 2030 dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng dự vào nền tảng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, xu hướng đầu tư tăng mà còn dựa trên nhu cần thực tế của người dân.

Theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045, diện tích bình quân nhà ở đầu người cả nước đến năm 2025 phải đạt 27m2/người, đến năm 2030 đạt 30m2/người. Như vậy bình quân mỗi năm phải xây dựng mới khoảng 60 triệu m2 nhà ở các loại.

Bên cạnh dự báo nhu cầu bất động sản tăng, ông Nguyễn Văn Khôi – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định dòng vốn cho thị trường bất động sản tiếp tục tăng và phát triển ổn định.

Do thiếu nguồn cung nên giá nhà ở đang tăng cao.
Do thiếu nguồn cung nên giá nhà ở đang tăng cao.

Ông Nguyễn Văn Khôi cho biết, nguồn vốn tín dụng dự báo tiếp tục tăng trưởng khoảng 10 – 12%/năm để đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng nền kinh tế trong khoảng 6,8 – 7,3%. Nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp bất động sản tiếp tục tăng và sẽ phát triển ổn định hơn.

Đối với nguồn vốn FDI, trong năm 2021 – 2030 tăng trưởng bình quân khoảng 5 – 7%. Quy mô nguồn vốn FDI đăng ký sẽ đạt khoảng 175.000 tỷ đồng (khoảng 7,5 tỷ USD) vào năm 2030 và chiếm tỷ trọng khoảng 15% tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam.

Song song đó, kiều hối cũng là một trong những nguồn vốn quan trọng đối với sự phát triển của thị trường bất động sản khu Việt Nam luôn nằm trong top 10 nước có nguồn kiều hối lớn nhất thế giới.

Nhiều nguồn vốn vẫn đang đổ vào thị trường bất động sản.
Nhiều nguồn vốn vẫn đang đổ vào thị trường bất động sản.

Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2020 đạt 17,2 tỷ USD, năm 2021 đạt 18,1 tỷ USD. Năm 2022 kiều hối sẽ phục hồi và duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 8%/năm. Dự kiến đạt 34,2 tỷ USD vào năm 2030.

Lượng vốn lớn nằm trong dân vẫn được coi là kênh đầu tư quen thuộc trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, giá vàng biến động mạnh, thị trường chứng khoán còn nhiều rủi ro. Đây được xem là nguồn vốn tiềm năng nhất trong giai đoạn 2020 – 2030, nếu có những chính sách thu hút.