VN-Index cuối năm 2022 sẽ tăng lên ngưỡng 1.900 điểm: Liệu có quá sức?

10/07/2022 06:00 congluan.vn

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn 2020 – 2021 về cả chất và lượng. Đã có thời điểm, chỉ số VN-Index thiết lập ngưỡng kỷ lục trên 1.500 điểm. Điều đặc biệt, xu hướng tăng trưởng vẫn còn được tiếp diễn đến hết quý I/2022.

Tuy nhiên, từ quý II/2022, thị trường chứng khoán đảo chiều, với việc sụt giảm mạnh của các chỉ tiêu như chỉ số, vốn hoá, thanh khoản.

Theo các kịch bản của Công ty chứng khoán ACBS, chỉ số VN-Index sẽ dao động trong khoảng từ 1.450 – 1.900 điểm khi kết thúc năm 2022

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ThS. Phạm Tiến Đạt, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng, nguyên nhân khiến thị trường đảo chiều do tác động từ quốc tế, như lạm phát tăng kỷ lục ở nhiều nước, Mỹ, EU hoặc Anh, khiến các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất, khiến dòng tiền rút khỏi thị trường Việt Nam.

Đó là chưa kể các yếu tố khác như Trung Quốc thắt chặt phương án phòng chống dịch bệnh, hay cuộc xung đột vũ trang giữa Nga - Ukraine.

Trong khi đó, trong nước, sau khi thị trường chứng khoán chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 năm qua, với nhiều nhóm cổ phiếu ghi nhận mức tăng gấp nhiều lần, đã khiến thị trường phải điều chỉnh lại.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn từ đầu tháng 4/2022, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát và xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trên thị trường cũng gây tâm lý bất ổn nhất định đối với các nhà đầu tư.

Theo ông Đạt, việc các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn, như vay margin tại các công ty chứng khoán cũng là nguyên nhân quan trọng khiến thị trường sụt giảm mạnh.

Bởi việc thực hiện các hoạt động bán giải chấp diễn ra trên diện rộng và mức độ lớn ngay với các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường khiến thị trường mất đi “trụ đỡ”.

Trong khi, các nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối trên thị trường với hơn 99% khối lượng và 70- 80% về thanh khoản. Đây là đối tượng thiếu kinh nghiệm và kiến thức thị trường, đồng thời dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý, dễ bị tác động bởi các hội nhóm. Do vậy, hiện tượng này dễ dẫn đến hành vi bán tháo khi thị trường giảm.

Trong phiên giao dịch cuối cùng của quý II/2022 (30/6), chỉ số VN-Index đạt 1.197,6 điểm, giảm 20,07% so với cuối năm 2021. Tương tự, HNX-Index đạt 277,68 điểm, giảm 4,42%, Upcom-Index đạt 88,88 điểm, giảm 21,12%. 

Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.250 nghìn tỉ đồng, giảm khoảng 66 tỉ USD, tương đương với giảm 19,53% so với cuối năm 2021. Giá trị giao dịch bình quân tháng 6 đạt 17.553,26 tỉ đồng/phiên, giảm 33,96% so với bình quân năm 2021.

Thị trường sẽ trở lại mức 1.900 điểm?

Các tổ chức thị trường đã đưa ra các đánh giá tích cực về sự phát triển của thị trường chứng khoán giai đoạn cuối năm.

Cụ thể, công ty quản lý quỹ Vinacapital cho rằng với những yếu tố hỗ trợ như làn sóng bán tháo do các lệnh ký quỹ đã kết thúc, các chương trình hỗ trợ của Chính phủ được triển khai tích cực. Đặc biệt, tâm lý bi quan trên thị trường đã giảm bớt, nhờ đó thị trường có thể đạt mức tăng trưởng 20% trong năm nay. 

Trong khi đó, theo các kịch bản của Công ty chứng khoán ACBS, chỉ số VN-index sẽ dao động trong khoảng từ 1.450 – 1.900 điểm khi kết thúc năm 2022. 

Với kịch bản trung tính, ước tính chỉ số này sẽ kết thúc năm ở mức gần 1.660. Trong kịch bản bi quan, chỉ số giao dịch quanh mức 1.450 điểm. 

Với kịch bản lạc quan dựa trên việc nối lại các chuyến bay quốc tế trên toàn thế giới kết hợp với tác động tích cực từ gói tài khóa và tiền tệ của Chính phủ Việt Nam và khi đó thu nhập doanh nghiệp sẽ vượt quá kỳ vọng chỉ số sẽ đạt mức 1.800-1.900 điểm.

Trong khi đó, công ty chứng khoán VNDirect đưa ra dự báo với 2 kịch bản, ở kịch bản cơ sở chỉ số VN-index sẽ đạt mức 1.330 điểm, trong khi kịch bản tích cực là 1.500 điểm vào thời điểm cuối năm 2022. 

ThS. Phạm Tiến Đạt cho rằng, thị trường chứng khoán vẫn có dư địa tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm 2022, nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế vĩ mô. 

Làn sóng bán tháo chứng khoán do các lệnh dừng ký quỹ gần đây đã kết thúc. Theo đó, ở thời điểm hiện tại, dư nợ cho vay ký quỹ tại các công ty chứng khoán đã giảm khoảng 30% so với thời điểm cao điểm cuối quý I/2022.

Dư nợ ký quỹ giảm, khiến áp lực bán giải chấp trên thị trường theo đó cũng giảm đi, các mã chứng khoán có nền tảng tốt được giữ lại, hiện tượng báo giải chấp quy mô lớn trên thị trường sẽ không xảy ra. 

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết ghi nhận hiệu quả tích cực. Lợi nhuận lũy kế 2021 của các doanh nghiệp niêm yết trên 3 sàn tăng mạnh với 42,4% so với cùng kỳ.

Cùng đó, việc khối ngoại đã có xu hướng mua ròng trong 6 tháng đầu năm được xem là một tín hiệu tích cực đối với thị trường. 

“Điều này phần nào củng cố thêm nhận định chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sớm bước qua giai đoạn biến động và sẽ ổn định, phục hồi và phát triển bền vững hơn trong thời gian tới”, ông Đạt nói.