Tuần 18-22/10: Khối ngoại bán ròng tuần thứ 11 liên tiếp, tâm điểm bán ròng hơn nghìn tỷ cổ phiếu HPG

24/10/2021 08:11 toquoc.vn

Thị trường có một tuần giao dịch với tâm lý giằng co khi VN-Index vẫn đang gặp khó trước ngưỡng cản 1.400 điểm. Mặc dù có thời điểm chỉ số đã bứt phá thành công tuy nhiên áp lực cung gia tăng mạnh lập tức khiến VN-Index quay đầu giảm điểm mạnh.

Thậm chí trong phiên thứ 4 ngày 20/10, chỉ số đã mất gần 20 điểm trước khi hồi phục trở lại chỉ giảm nhẹ hơn 1 điểm trước lúc đóng cửa phiên giao dịch cùng ngày.

Phiên kế tiếp là phiên đáo hạn phái sinh tháng 10 tiếp tục ghi nhận VN-Index giảm hơn 9 điểm và sau đó là tăng 4 điểm để kết thúc lại một tuần giao dịch nhiều biến động.

Thanh khoản bình quân toàn thị trường giảm nhẹ so với tuần trước, đạt 26.484 tỷ đồng/phiên tương ứng giảm 0,4% so với tuần trước đó.

Trong khi hai cổ phiếu ngân hàng là VCB và CTG đóng góp tiêu cực nhất với hơn 3 điểm giảm cho chỉ số thì các cổ phiếu PDR, DIG và NLG trở thành trụ đỡ khi đóng góp hơn 2 điểm tăng.

Dòng tiền lại có xu hướng tìm về nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, giúp chỉ số sàn HNX và UPCoM có 1 tuần giao dịch giữ vững xu thế tăng điểm.

Đà tăng tốt đến từ các cổ phiếu nhóm thủy sản với sức hút có thể đến từ kết quả kinh doanh trong Báo cáo tài chính quý 3 tích cực như VHC, CMX; hay nhóm cổ phiếu xây dựng cũng có chung xu hướng tăng điểm.

Ngược lại, cổ phiếu cao su ghi nhận áp lực bán thắng thế, nhiều cổ phiếu giảm điểm khi dòng tiền tại các mã trở nên ảm đạm.

Đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index đạt 1,389.24 điểm, tương ứng giảm 3,46 điểm (0,25%) so với đầu tuần.

Ngược lại, HNX-Index tăng 1,66% lên mức 391,21 điểm và UPCoM-Index tăng 0,97% lên 100,36 điểm.

Về giao dịch khối ngoại, giá trị giao dịch bình quân trong tuần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 7.5% xuống mức 3.343 tỷ đồng, chiếm 6,3% tỷ trọng toàn thị trường.

Điểm trừ lớn là vẫm là việc họ tiếp tục chuỗi bán ròng trên toàn thị trường với giá trị bán ròng cả tuần ghi nhận 3.635 tỷ đồng, tương ứng khối lượng ròng xấp xỉ 71 triệu cổ phiếu trong tuần vừa qua.

Theo đó, khối ngoại trở lại mua ròng nhẹ qua kênh thỏa thuận, còn bán ròng toàn bộ trong cả tuần trên kênh khớp lệnh.

Trong đó có phiên ghi nhận tới 7 cổ phiếu trên sàn HoSE đồng loạt bị bán ròng trên 100 tỷ đồng.

Cụ thể hơn, tuần qua trên kênh khớp lệnh, khối ngoại bán ròng -3.811 tỷ đồng trên cả 3 sàn; trong khi chỉ mua ròng nhẹ 176 tỷ đồng trên kênh thỏa thuận, thu hẹp phần nào đà bán ròng trên toàn thị trường.

Tuần 18-22/10: Khối ngoại bán ròng tuần thứ 11 liên tiếp, tâm điểm bán ròng hơn nghìn tỷ cổ phiếu HPG - Ảnh 1.
 

Xét riêng theo từng mã cổ phiếu, lực bán của khối ngoại tiếp tục dồn mạnh vào nhóm vốn hóa lớn hay cổ phiếu có sự bứt phá về điểm số như HPG, NLG, SSI, VHM,.

Ngược lại, phía mua ròng tập trung tại các cổ phiếu TPB, DHC, GAS, VHM, DCM, HAH....

Tuần 18-22/10: Khối ngoại bán ròng tuần thứ 11 liên tiếp, tâm điểm bán ròng hơn nghìn tỷ cổ phiếu HPG - Ảnh 2.
 

Trên sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục duy trì mạch bán ròng, tổng giá trị ròng tăng mạnh so với tuần trước lên mức 3.437 tỷ đồng.

Cụ thể, nhà đầu tư ngoại bán ròng 3.644 tỷ đồng thông qua khớp lệnh trên sàn, ngược lại họ tiếp tục mua ròng nhẹ 206 tỷ đồng thông qua giao dịch thỏa thuận.

Nối tiếp mạch bị bán ròng, cổ phiếu HPG trong tuần này tiếp tục ghi nhận giá trị bán ròng mạnh nhất thị trường với 1.017 tỷ đồng bất chấp những thông tin tích cực về Kết quả kinh doanh quý 3/2021.

Cụ thể, doanh thu quý 3 đạt 38.900 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ 2020, qua đó HPG báo lãi sau thuế cao kỷ lục 10.350 tỷ đồng - ghi nhận lần đầu tiên lợi nhuận của HPF vượt mốc 10.000 tỷ trong một quý.

Còn về diễn biến trên thị trường, giá cổ phiếu HPG đang có dấu hiệu đi ngang sau khi phá đỉnh lịch sử tuần trước đó, thị giá kết phiên giảm nhẹ 1% so với tuần trước xuống mức 56.700 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu xếp bên dưới còn có NLG bị bán ròng 528 tỷ đồng, SSI cũng bị áp lực bán ra của nhà đầu tư ngoại, giá trị bán ròng ghi nhận 301tỷ đồng.

Các cổ phiếu khác bị bán ròng trên 200 tỷ đồng trong tuần còn có VHM (295 tỷ đồng), NVL ( 253 tỷ đồng), VIC (246 tỷ đồng), VCB (242 tỷ đồng), KBC (236 tỷ đồng).

Tại chiều mua, tâm điểm giao dịch trong tuần này là cổ phiếu VNM với giá trị mua ròng nhiều nhất 344 tỷ đồng.

Ngoài ra, danh sách mua ròng trong tuần đáo hạn phái sinh còn có các chứng chỉ quỹ hư FUESSVFL (163 tỷ đồng), FUEVFVND ( 60 tỷ đồng), E1VFVN30 (60 tỷ đồng); và các cổ phiếu như VHC, PDR, TNH, DCM.

Tuần 18-22/10: Khối ngoại bán ròng tuần thứ 11 liên tiếp, tâm điểm bán ròng hơn nghìn tỷ cổ phiếu HPG - Ảnh 3.
 

Trên sàn HNX, khối ngoại cũng tiếp tục xu hướng bán ròng với quy mô 89 tỷ đồng, 59 tỷ đồng đến từ kênh khớp lệnh và 30 tỷ đồng đến từ kênh thỏa thận.

Giao dịch chiều bán tại HNX ghi nhận cổ phiếu TNG bị bán mạnh nhất với gần 42 tỷ đồng, theo sau là NRC với giá trị bán ròng 30 tỷ đồng.

Danh sách bán ròng còn có SHS (6 tỷ đồng), VNR (5 tỷ đồng), SD9 (4 tỷ đồng), IDJ (3 tỷ đồng), PVS (3 tỷ đồng)...

Ngược lại, khối ngoại mua ròng trên sàn HNX mạnh nhất tại mã PVI với 19 tỷ đồng, các cổ phiếu được mua ròng trong tuần qua còn có NDN, CEO, PSD, NBC...

Tuần 18-22/10: Khối ngoại bán ròng tuần thứ 11 liên tiếp, tâm điểm bán ròng hơn nghìn tỷ cổ phiếu HPG - Ảnh 4.
 

Trên sàn UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận bán ròng 109 tỷ đồng và toàn bộ đều đến từ kênh khớp lệnh.

Cổ phiếu VTP dẫn đầu danh sách bán ròng khi bị khối ngoại bán ròng 49 tỷ đồng và toàn bộ đều trên kênh khớp lệnh.

Bên cạnh đó, VEA và QNS tiếp tục bị bán ròng lần lượt 35 tỷ đồng và 14 tỷ đồng, một số cổ phiếu bị bán ròng từ nhà đầu tư ngoại tuần qua trên UPCoM còn có NTC, ABI, SIP, VRG.

Tại phía mua vào, cổ phiếu công nghệ - viễn thông CTR tuần này được nhà đầu tư ngoại rót ròng hơn 5 tỷ đồng.

Ngoài ra, dòng vốn ngoại cũng tìm đến cổ phiếu TVN, VGG, TCI, và ACV với giá trị mua ròng mỗi cổ phiếu khoảng 3 tỷ đồng.

Tuần 18-22/10: Khối ngoại bán ròng tuần thứ 11 liên tiếp, tâm điểm bán ròng hơn nghìn tỷ cổ phiếu HPG - Ảnh 5.