Thị trường thêm bất an vì nguy cơ đến từ một công ty quản lý nợ Trung Quốc

14/04/2021 13:52 toquoc.vn

Giá 300 triệu USD trái phiếu lãi suất 3,375% đáo hạn tháng 5/2022 của China Huarong Asset Management lao dốc 13,1 cent xuống còn 76,1 cent/USD (tức chỉ cần trả 76,1 cent cho mỗi USD trái phiếu). Giá trái phiếu lãi suất 5% đáo hạn năm 2025 giảm 9,9 cent xuống 79,5 cent/USD, theo số liệu từ Bloomberg.

Trong bài bình luận ngày 12/4, Ling Huawei, biên tập viên tại Caixin Media và Caixin Weekly, đề cập khả năng China Huarong phá sản.

China Huarong là một trong 4 tổ chức thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc, thành lập năm 1999 để hỗ trợ “dọn dẹp” hệ thống ngân hàng tràn ngập nợ xấu. China Huarong niêm yết trên sàn Hong Kong từ năm 2015 bằng đợt IPO huy động 2,5 tỷ USD.

China Huarong và các chi nhánh đang lưu hành khoảng 42 tỷ USD trái phiếu nước ngoài và nội địa, 41% trong số này dự kiến đáo hạn cuối năm 2022. Tổng giá trị trái phiếu bằng USD đang lưu hành là khoảng 22 tỷ USD.

Thị trường thêm bất an vì nguy cơ đến từ một công ty quản lý nợ Trung Quốc - Ảnh 1.

Diễn biến giá trái phiếu USD lãi suất 4,625% đáo hạn năm 2026, trái phiếu vĩnh viễn lãi suất 4,5% và trái phiếu lãi suất 3,375% đáo hạn năm 2022 của China Huarong.

China Huarong bắt đầu cắt giảm các tài sản không quan trọng trong bối cảnh chịu áp lực từ nhà chức trách, yêu cầu công ty quay về đúng nhiệm vụ. Lợi nhuận ròng của công ty giảm 92% trong nửa đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái khi giá trị một số tài sản giảm sâu vì đại dịch Covid-19. Vốn hóa thị trường của công ty lao dốc từ 15 tỷ USD khi niêm yết về 5 tỷ USD.

Xu hướng bán tháo lan sang các trái phiếu lợi suất cao mệnh giá USD của Trung Quốc, một số trái phiếu lĩnh vực bất động sản giảm kỷ lục. Biên lãi của trái phiếu USD điểm đầu tư (investment grade) châu Á có lúc nới rộng đến 3 điểm cơ bản trong khi một thước đo rủi ro tín dụng châu Á tăng ngày thứ 7 liên tiếp, trên đà có đợt tăng dài nhất kể từ năm 2018.

“China Huarong là một cú ‘uốn cong’ 22 tỷ USD và là tình huống hiểm nghèo vượt mọi thứ chúng tôi từng chứng kiến trên thị trường tín dụng châu Á trước đây”, Owen Gallimore, giám đốc chiến lược giao dịch tại Australia & New Zealand Banking Group, nói. “Đây là sự kiện tai họa với một số phòng kinh doanh và quỹ nhỏ”.

Các trái phiếu có liên quan đến China Huarong mất giá trong tháng 4 sau khi công ty không thể công bố kết quả hoạt động sơ bộ trước hạn chót 31/3. Caixin cho rằng sự chậm trễ một phần là do một kế hoạch tái cấu trúc tài chính công ty.

Cổ phiếu của Huarong bị tạm dừng giao dịch tại sàn Hong Kong từ ngày 1/4. Công ty có hạn chót mới để nộp báo cáo kết quả kinh doanh là cuối tháng 4. Cổ đông lớn nhất của Huarong là Bộ Tài chính Trung Quốc.

“Thị trường đồn đoán về một đợt tái cấu trúc với điều chỉnh giảm giá trị đối với người nắm giữ trái phiếu Huarong International gây ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư”, Chang Wei Liang, chiến lược gia vĩ mô tại DBS Bank, Singapore, nói.

“Nhà chức trách Trung Quốc càng im lặng về tình trạng khó khăn về một tổ chức chiến lược thuộc sở hữu nhà nước lớn như Huarong cũng là điều đáng ngại, bởi nhà đầu tư kỳ vọng ít nhất cũng có một lời trấn an nào đó”.

Biên lãi trái phiếu USD điểm đầu tư Trung Quốc nới rộng thêm 8 điểm cơ bản trong khi giá trái phiếu lợi suất cao của Trung Quốc giảm tới 3 cent, theo các nhà giao dịch tín dụng. Chỉ số CSI 300 của thị trường chứng khoán Trung Quốc hôm nay giảm 0,2%, giá nhân dân tệ giữ ổn định.

China Huarong ít được chú ý từ sau khi chủ tịch Lai Xiaomin của công ty bị điều tra năm 2018. Dưới thời Lai, công ty mở rộng hoạt động sang những lĩnh vực như mua bán cổ phiếu, tín thác và các đầu tư khác, đi ngược lại so với nhiệm vụ ban đầu là xử lý nợ xấu. Lai lĩnh án tử hình hồi đầu năm vì tham nhũng – án nặng bất thường với tội danh này.