Thanh toán phi tiền mặt: Thời cơ vàng

02/09/2021 07:21 daidoanket.vn

 

Thanh toán phi tiền mặt: Thời cơ vàng
Ngày càng nhiều người chọn giao dịch online và thanh toán trực tuyến. Ảnh: Quang Vinh.

Từng bước thay đổi thói quen “xài” tiền mặt

Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, việc ứng dụng hình thức thanh toán điện tử an toàn, thuận tiện sẽ được quan tâm.

Các phương thức thanh toán không tiền mặt như thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, ví điện tử, thanh toán qua tổ chức trung gian thanh toán (ví địện tử), mã QR code ngày càng sử dụng nhiều hơn.

Nếu như thời điểm trước dịch bệnh, người dùng thường chỉ có xu hướng thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ mua sắm, giải trí, du lịch, trả tiền hóa đơn (điện, nước, viễn thông…) thì nay thanh toán trực tuyến mở rộng ra cả những khoản chi tiêu sinh hoạt hàng ngày.

Chị Hoàng Diệu Thuý (ngõ 68, Ngọc Thuỵ, Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, khi chị được lãnh đạo công ty điều động làm việc tăng cường ở tại nhà máy 6 ngày/tuần, chị đã nghĩ đến việc đặt hàng online, nhờ hàng xóm đi chợ hộ để đảm bảo cuộc sống cho chồng và  con trai ở nhà.

Thanh toán phi tiền mặt: Thời cơ vàng - Ảnh 1

Với những mặt hàng như sữa, cá hồi, pho mai … chị đặt hàng trực tuyến và thanh toán online.

Còn với những đồ ăn thiết yếu đi chợ hàng ngày, chị Thúy lên danh sách nhờ hàng xóm mua hộ, sau đó chị chuyển tiền qua tài khoản.

“Việc này vừa giúp phòng tránh dịch vừa giúp cho việc kiểm soát chi tiêu tốt hơn” – Chị Diệu Thuý nói.

Trên thực tế, dịch bệnh Covid-19 bùng phát cũng trở thành “chất xúc tác” để nhiều người dân buộc phải chuyển từ tiêu dùng tiền mặt sang thanh toán phi tiền mặt, nhằm giữ an toàn, hạn chế sự lây lan virus.

Bà Hoàng Lan Anh (chung cư Vina Hud ngõ 535 đường Minh Khai, Hà Nội) cũng thừa nhận, trước đây, bà cũng như nhiều người tiêu dùng Việt Nam đều có thói quen sử dụng tiền mặt.

Dù công ty trả lương qua tài khoản bà cũng rút tiền mặt về để chi tiêu, mua bán mọi thứ. 

“Đi chợ hay mua sắm gì cũng vậy, cứ có tiền mặt trong ví mới thấy yên tâm.

Nhưng 2 tháng trở lại đây, dịch bệnh hoành hành, lên mạng đọc thấy cảnh báo, virus tồn tại khắp nơi có cả ở tiền mặt nên tôi thấy thanh toán phi tiền mặt sẽ an toàn hơn nhiều” – bà Lan Anh cho hay.

Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo về nguy cơ lây nhiễm virus từ tiền mặt, nếu có thể, mọi người hãy chuyển sang dạng thức thanh toán phi tiền mặt.

WHO cũng đã phát đi thông điệp khuyến cáo mọi người cần phải rửa tay sạch thường xuyên hơn và nếu có thể thì nên ngừng giao dịch bằng tiền mặt vì tiền có thể là một nguồn lây nhiễm virus  chủng mới.

Tại Việt Nam, từ thời điểm đầu tháng 5, dịch bùng phát tại các tỉnh, thành phía Nam, thói quen dùng tiền mặt đang dần được loại bỏ, thay vào đó là thanh toán trực tuyến.

Một khảo sát của Tổ chức thanh toán thẻ Visa đưa ra kết quả, đại dịch đã thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi sang các hình thức thanh toán không tiền mặt cho các khoản chi tiêu nhỏ lẻ.

Chủ một cửa hàng bán đồ sơ sinh trên phố Nguyễn Sơn (Long Biên – Hà Nội) cũng đã cho biết, thời gian hơn 1 năm trở lại đây nhiều người đến mua hàng thanh toán bằng thẻ tín dụng, việc này vừa giúp người bán nhàn hơn, vừa giảm nguy cơ lây nhiễm.

Thanh toán không dùng tiền mặt được nhìn nhận sẽ trở thành nhu cầu tất yếu. Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Thanh toán không dùng tiền mặt được nhìn nhận sẽ trở thành nhu cầu tất yếu. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Doanh nghiệp tăng tốc

Bà Phạm Châu Loan, Phó trưởng phòng kênh số đối tác ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) cho rằng, thanh toán không dùng tiền mặt đang được đánh giá là một trong những giải pháp thúc đẩy nền kinh tế được trở lại trạng thái bình thường.

Dịch bệnh chính là “phép thử” hiệu quả để khách hàng chấp nhận và sử dụng rộng rãi các phương tiện thanh toán trực tuyến.

Dịch bệnh cũng là cơ hội để các đơn vị cung cấp điều chỉnh khả năng cung ứng dịch vụ phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng.

Nếu trước kia, thanh toán online được mặc định chỉ dành cho giới trẻ thì trong  giai đoạn nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội, lượng giao dịch online được ghi nhận có sự tăng vọt ở nhiều nhóm khách hàng. Số liệu công bố từ các ngân hàng cũng cho biết lượng giao dịch online tăng mạnh trong bối cảnh dịch Covid -19 bùng phát.

Chẳng hạn tại ngân hàng VPBank đến ngày 30/6/2021, số lượng giao dịch online tăng 200% so với cùng kỳ năm 2020.

Tại Ngân hàng OCB, tỷ lệ giao dịch thanh toán online tăng hơn 30% trong 6 tháng đầu năm. 

Đặc biệt, giá trị thanh toán qua điện thoại di động và qua kênh QR Code có tốc độ tăng trưởng 100 - 200%.

Thay đổi thói quen trong thanh toán từ tiền mặt sang không dùng tiền mặt là một quá trình khó khăn khi tiền mặt đang phổ biến trong các giao dịch mua - bán hiện nay.

Song theo các chuyên gia kinh tế, dịch Covid-19 đang đặt ra thách thức lớn nhưng cũng chính là “cơ hội vàng” cho việc phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Điều này có ý nghĩa to lớn về mặt phát triển kinh tế - xã hội.