Thanh khoản ngân hàng trên đà hạ nhiệt

28/04/2022 11:44 Bảo Linh

Ghi nhận trong báo cáo thị trường tiền tệ trái phiếu tuần 18-22/4, Trung tâm phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research cho biết trong tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm ròng gần 500 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm.

Cụ thể, lượng tín phiếu được bơm mới trong tuần đạt 1.700 tỷ đồng, trong khi tổng đáo hạn ghi nhận ở mức 1.200 tỷ. Chênh lệch này đã giúp giá trị tín phiếu đang lưu hành tăng lên 2.700 tỷ đồng.

Đây cũng là tuần thứ 13 liên tiếp, cơ quan quản lý tiền tệ duy trì trạng thái bơm ròng tiền đồng vào hệ thống các ngân hàng thương mại.

Với động thái bơm ròng liên tục từ cơ quan quản lý tiền tệ, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đã được duy trì tương đối tốt, bất chấp động thái bán USD kỳ hạn của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh yếu tố mùa vụ từ các công ty FDI chuyển lợi nhuận về nước vào cuối năm tài chính.

Nhờ vậy, lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng đã giảm mạnh tuần qua, kết tuần ở mức 1,9%/năm với kỳ hạn qua đêm, giảm 0,33 điểm % so với tuần trước. Tương tự, lãi suất cho vay kỳ hạn 1 tuần cũng giảm 0,38 điểm %, đóng cửa ở 2,02%/năm.

Đây là tuần đầu tiên kể từ tháng 2, mặt bằng lãi suất cho vay liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm mới giảm xuống dưới 2%/năm. Lần gần nhất biểu lãi suất này giảm xuống dưới mức 2%/năm đã diễn ra từ tuần 17-21/1, trước khi thị trường bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022. Khi đó, lãi suất cho vay liên ngân hàng phổ biến ở mức 1,12%/năm với kỳ hạn qua đêm và 1,7%/năm với kỳ hạn 1 tuần.

Bên cạnh xu hướng bơm tiền từ Ngân hàng Nhà nước thanh khoản ngân hàng cũng được cải thiện sau khi các nhà băng tăng biểu lãi suất huy động liên tục trong 4 tháng đầu năm nay.

Mới đây, hàng loạt ngân hàng lớn như VPBank, MBBank, Techcombank, OCB, SCB, LienVietPostBank, HDBank, ACB… đã công bố biểu lãi suất mới áp dụng từ tháng 3-4, với xu hướng tăng lãi suất ở hầu hết kỳ hạn gửi.

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước tính đến hết tháng 2, tổng tiền gửi tại các ngân hàng đã tăng 1,4% so với cuối năm 2021, đạt trên 11,1 triệu tỷ đồng.

Trong đó, mức tăng đến chủ yếu nhờ tiền gửi của khách hàng dân cư với mức tăng 3%, cao hơn so với mức tăng 2,4% cùng kỳ năm 2021.

Nếu tính theo số tuyệt đối, tổng số tiền người dân mang đi gửi ngân hàng 2 tháng đầu năm nay đã tăng 159.000 tỷ đồng, cao hơn mức tăng 158.000 tỷ của cả năm 2021.

Cũng theo số liệu SSI Research ghi nhận, lãi suất huy động đối với khách hàng cá nhân tại các nhà băng đã tăng 0,3-0,7 điểm % từ đầu năm tại các ngân hàng thương mại tư nhân.

Hiện, lãi suất huy động phổ biến dao động quanh mức 3,3-4,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; 4,2-5,7%/năm với kỳ hạn 6-12 tháng và 5,3-6,5%/năm với kỳ hạn trên 12 tháng.

Ngoài ra, theo các chuyên gia phân tích, thanh khoản các ngân hàng bớt căng thẳng còn đến từ việc tín dụng tăng trưởng chậm lại.

Dù Ngân hàng Nhà nước chưa công bố số liệu tăng trưởng tín dụng trong tháng 4, nhưng theo SSI Reseach, tín dụng dường như đã phần nào chậm lại trong bối cảnh Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có những động thái cứng rắn đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.

Trước đó, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến hết quý I năm nay, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt 5,04%, cao hơn 1 điểm % (từ mức 4,03%) chỉ trong 10 ngày cuối tháng 3.

Điều này đồng nghĩa với việc trong 3 tháng đầu năm, các ngân hàng đã bơm ròng gần 526.400 tỷ đồng ra nền kinh tế thông qua kênh cho vay, tương đương mức bơm ròng bình quân 5.850 tỷ/ngày. Mức tăng 5,04% này cũng mức tăng mạnh nhất trong một thập niên trở lại đây của chỉ tiêu tín dụng.