Techcombank và triển vọng tăng trưởng tín dụng ở phân khúc bán lẻ

10/03/2023 06:00 daidoanket.vn

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa có báo cáo phân tích Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) với nhận định Techcombank có triển vọng tăng trưởng tín dụng ở phân khúc bán lẻ.

Techcombank và triển vọng tăng trưởng tín dụng ở phân khúc bán lẻ

Theo VCBS, Techcombank có triển vọng tăng trưởng tín dụng ở phân khúc bán lẻ. Ảnh: Báo Thanh niên.

Triển vọng tăng trưởng tín dụng ở phân khúc bán lẻ

Techcombank giữ mức tín nhiệm ở mức BB-/B với triển vọng ổn định, theo xếp hạng tín nhiệm các ngân hàng Việt Nam của Tổ chức Standard & Poor’s (S&P).

Theo tổ chức này, Techcombank sở hữu mạng lưới hoạt động rộng khắp với 311 chi nhánh và điểm giao dịch, hơn 1.000 máy ATM.

Cơ cấu tín dụng của Techcombank có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ ở phân khúc cho vay cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong khi giảm tỷ trọng cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn.

Cụ thể, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 40,1% so với năm 2021 và chiếm 49,1% danh mục; dư nợ cho vay SME tăng 7,3% so với cùng kỳ, đạt 69,4 nghìn tỷ đồng và chiếm 15%.

Trong khi tổng dư nợ tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu) giảm 9,9%, đạt 165,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,9% dư nợ tín dụng, giảm mạnh so với mức 44,8% của cuối năm 2021.

Xu hướng chuyển dịch cơ cấu cho vay sang bán lẻ và SME hiện đang là xu thế chung của nhiều ngân hàng, sự thay đổi này cũng kỳ vọng giúp Techcombank duy trì được NIM từ việc chủ động lựa chọn cho vay các phân khúc có lãi suất cho vay cao và đồng thời giảm rủi ro tập trung so với việc cho vay chủ yếu các doanh nghiệp lớn như trước đây.

Techcombank tiếp tục thu hút được số lượng lớn khách hàng mới qua kênh online nhờ vào đẩy mạnh nền tảng ngân hàng số. Techcombank kết thúc năm 2022 với 10,8 triệu khách hàng, thu hút thêm 373.000 khách hàng mới trong quý 4 và 1,2 triệu khách hàng mới trong năm 2022. Số lượng khách hàng cá nhân mới qua kênh online chiếm 57%, tăng 40% so với năm 2021. Việc đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ giúp ngân hàng duy trì được chỉ số CIR thấp hơn trung bình ngành, hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế.

Với xu hướng lãi suất huy động tăng mạnh từ cuối quý 3/2022, ảnh hưởng đến chi phí vốn sẽ thể hiện rõ ràng hơn trong hai quý đầu năm 2023. Với dự báo lãi suất sẽ tiếp tục neo ở mức cao trong năm nay đồng thời tạo áp lực giảm lên số dư CASA, càng tạo áp lực tăng lên chi phí vốn và giảm biên lãi thuần NIM, ảnh hưởng đến tăng trưởng từ lãi của Techcombank.

Chiếm 9% tổng danh mục tín dụng

Đối với danh mục TPDN đang nắm giữ, Techcombank đang nắm giữ 41.015 tỷ đồng TPDN, chiếm 9% tổng danh mục tín dụng, trong đó có nhiều trái phiếu của các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Techcombank có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro nếu các công ty này gặp vấn đề về thanh khoản, đặc biệt là với những lô trái phiếu đáo hạn trong năm 2023 từ đó làm tăng áp lực dự phòng tài chính cho ngân hàng.

Nguồn thu từ phí tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu của Techcombank trong năm 2022 giảm mạnh do các sự chậm lại của thị trường trái phiếu với nhiều sự kiện vĩ mô bất lợi trong năm.

Về xu hướng thị trường năm 2023, Chứng khoán VCBS dự báo, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục thu hẹp do lượng trái phiếu đáo hạn lớn, trong khi khả năng phát hành mới, phát hành tái cơ cấu bị hạn chế đáng kể với Nghị định 65. Đồng thời, chi phí phát hành mới duy trì ở ngưỡng cao. Lượng trái phiếu mua lại trước hạn cũng sẽ tiếp tục làm giảm quy mô chung của thị trường.

Vì vậy, VCBS đánh giá việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu từ các hoạt động trái phiếu của Techcombank trong ngắn hạn.