Sách giáo khoa tăng phi mã: Có nên áp dụng chính sách trợ giá?

10/06/2022 19:00 congluan.vn

Một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội thời gian qua quan tâm đó là giá sách giáo khoa tăng cao, cao hơn giá sách giáo khoa cũ gấp từ 2 đến 3 lần.

Một trong những nguyên nhân được cho rằng đẩy sách giáo khoa tăng cao ngoài vấn đề chất lượng giấy, in ấn đẹp thì có nguyên nhân là xã hội hóa sách giáo khoa.

Hiện nay, sách giáo khoa thuộc về xã hội hóa, trở thành một mặt hàng đặc biệt nên giá sách cứ thế tăng một cách khó hiểu.

Xung quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng nếu không thể giảm được giá sách thì nhà nước cần phải trợ giá.

Anh Nguyễn Văn Trung ở Hà Tĩnh cho rằng, chủ trương nước ta là phổ cập đến năm lớp 9. Vì thế, mọi trẻ em phải được chăm lo học tập.

Sách giáo khoa vì thế không thể thiếu cho nên các em cần được hỗ trợ về sách giáo khoa.

“Nếu không được hỗ trợ 100% tiền sách thì cần phải trợ giá sách. Để sách giáo khoa trở thành mặt hàng mà ai cũng có thể mua một cách dễ dàng” -  ông Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, bà Bùi Thị An cho rằng, cần thiết phải trợ giá sách giáo khoa.

Vì đây là mặt hàng đặt biệt mà đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai.

Trước hết theo bà An, điều cần làm là phải tính giá sách giáo khoa sao cho phù hợp.

Không thể để nhà xuất bản đưa ra giá như thế nào thì phải mua theo như vậy. Ngoài ra, bà Bùi Thị An đề nghị Chính phủ trợ giá sách giáo khoa.

“Đặc biệt đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ khó khăn cần có chính sách hỗ trợ để con em họ được đến trường với đầy đủ sách giáo khoa.

Chính sách của ta là lấy dân làm trung tâm, khi dân đang khó khăn mà trẻ em đi học không thể thiếu sách giáo khoa, trẻ em phải có sách để học” – bà An nhấn mạnh.

Vị này cũng cho rằng nếu nhà nước không trợ giá cho tất cả mọi người được thì hãy hỗ trợ tiền cho gia đình nghèo khó có thể mua được sách cho con em họ đi học.

Cũng liên quan đến giá sách, trên nghị trường Quốc hội đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Hải Dương) khẳng định giá sách giáo khoa do Bộ Tài chính quy định chứ không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đại biểu này đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc nêu rõ về những giải pháp để giải quyết về vấn đề liên quan tới giá sách giáo khoa mà nhân dân cả nước đang rất quan tâm trong thời gian qua?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đây không phải mặt hàng nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá nên quyền định giá thuộc nhà xuất bản.

Về quan điểm đưa sách giáo khoa vào danh mục mặt hàng nhà nước định giá, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, thẩm quyền quyết định việc này là của Quốc hội.

Hiện Luật Giá cũng đang trong quá trình sửa đổi và qua nghiên cứu, các cơ quan thống nhất báo cáo Thủ tướng chính phủ đề xuất đưa sách giáo khoa vào Luật Giá sửa thời gian tới, để Quốc hội xem xét quyết định.

Giải trình trước Quốc hội về vấn đề giá sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời gian sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện các thủ tục cần thiết để trình Chính phủ, Quốc hội giải pháp ổn định và lâu dài về vấn đề giá sách giáo khoa.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết thêm Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực soạn thông tư mới về quy cách, quy chuẩn của sách cho phù hợp hơn với tình hình hiện nay, quy định này cũng sẽ góp phần tác động vào giá sách.

Trong việc yêu cầu doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm khâu trung gian, chi phí phát hành cạnh tranh lành mạnh, Bộ đã và đang làm, sẽ tiếp tục thực hiện với Nhà xuất bản Giáo dục.