Điều gì làm nên sức quyến rũ, lay gọi, khiến dù cổ truyền đến đâu, Tết vẫn mang theo những điều mởi mẻ, để đa số chúng ta, thấy một điều: Dù trí tuệ nhân tạo phát triển, dù đang sống trong thời 4.0, thì Tết Nguyên đán vẫn là một giá trị không gì có thể thay thế.
Ai đó nêu ý kiến nên gộp Tết Nguyên đán vào Tết Dương lịch, tôi nghe và thấy thật ngớ ngẩn! Một truyền thống văn hóa tốt đẹp và ý nghĩa như vậy cố gắng gìn giữ mới phải. Đây là văn hóa, là hồn cốt dân tộc, không thể đặt vấn đề kinh tế để đo đếm.
Với người Việt, ngày Tết thật thiêng liêng. Đây là dịp đoàn viên của mọi gia đình. Cho dù có đi đâu hoặc làm ăn xa, dịp Tết người ta vẫn cố gắng trở về để đoàn tụ. Mọi người vui mừng gặp gỡ, cầu chúc những điều tốt đẹp, cùng ngồi quây quần bên mâm cơm, thật ấm cúng và hạnh phúc! Đây cũng là dịp để người ta tưởng nhớ đến tổ tiên.
Dù thiếu thốn đến đâu, từ xa xưa, người ta cũng sắm mâm cỗ, hoa quả đặt lên ban thờ, thắp nén nhang thơm với lòng thành kính dâng cúng tổ tiên. Đây là nét văn hóa truyền thống hết sức tốt đẹp và độc đáo. Cho nên đến giờ, dù Tết có nhiều biến đổi, nhưng trong tâm hồn mỗi người vẫn chờ khoảnh khắc Tết đến xuân về là vì vậy.
“
Họa sĩ Đặng Tiến sinh năm 1963 tại Hải Phòng.
Ông đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm tranh cá nhân trong nước và hơn 30 triển lãm nhóm ở trong nước và quốc tế. Hiện là Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hải Phòng.
Tết là dịp kết thúc một năm làm việc, bước vào năm mới với những hy vọng tốt đẹp phía trước. Mọi chuyện không vui, hoặc kém may mắn của năm trước, người ta đều gạt bỏ lại phía sau. Những mâu thuẫn cũng có dịp được hòa giải.
Ngoài những ý nghĩa tốt đẹp nêu trên, ngày Tết làm tăng sự gắn kết của mọi thành viên trong gia đình, dòng họ... Những ai vì hoàn cảnh không thể về ăn Tết cùng gia đình, sẽ là dịp hướng về với sự nhớ nhung và cầu mong những điều tốt đẹp cho người thân. Những ký ức tốt đẹp cũng ùa về dịp này khiến người ta càng thấy yêu quý những khoảnh khắc gia đình đoàn tụ, hạnh phúc, để phấn đấu sống đẹp hơn, có ý nghĩa hơn...
Có thể nói, ngày Tết có một giá trị thật đặc biệt! Đầu năm mới, tôi đều giữ tục lệ khai bút. Tôi không chọn thời điểm mà phụ thuộc lúc cảm xúc dâng trào. Tôi thích vẽ tĩnh vật hoa, nên trước Tết, tôi đã chuẩn bị mấy bình hoa, vừa để chơi Tết đồng thời cũng tạo cảm xúc để vẽ khai bút. Lúc thì bình hoa mùi già, khi thì hoa cúc hoặc violet, hải đường...
Nhà văn Trần Chiến có một thời gian dài sống ở khu phố cổ Hà Nội. Ký ức của ông về “phố Hàng” nhiều, đủ để ông viết vào truyện ngắn, tiểu thuyết và tản văn. Dù bây giờ ông đã không còn sống ở phố Lãn Ông, mà chuyển ra vùng ngoại vi, nhưng một “Hà Nội cũ” trong ông vẫn còn vang vọng.
Trần Chiến bảo, mỗi khi Tết đến, ông thường nhớ đến… những bữa ăn. “Thời chiến tranh thiếu thốn, Tết phải “ăn” cho vui và lặc lè, có lẽ đơn giản nhưng gửi gắm nhiều ý nghĩa hơn giờ”, ông mủm mỉm cười, kể. “Tôi cũng còn nhớ đến một ký ức khác. Nhà không có nước, phải bắc vòi xin hàng xóm, để thùng phuy nên lạnh kinh khủng, rửa lá dong “chết” tay, tắm tất niên cũng nước ấy. Bé nhất nhà nên tôi được cử xếp hàng phân phối, người lớn đem tem phiếu ra sau mua đỗ xanh, nếp, thịt thà…”.
“
Nhà văn Trần Chiến sinh năm 1951.
Ông là tác giả của nhiều nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn: “Con bụi”, “Đường đua”, “Đèn vàng”, “Tỏ giăng tỏ đèn”...
Tết với người Hà Nội xưa có nhiều tập tục, thú chơi cầu kỳ. Nhà văn Trần Chiến bảo rằng, ông nhớ tới hương nhang, thức xào nấu bốc khói, và cả những tiếng pháo.
“Ngắm chợ hoa thích lắm, vác cành đào từ phố Hàng Lược về phố Hàng Buồm (Hà Nội) phải trả lời nhiều người với cùng câu hỏi giá bao nhiêu?”, nhà văn Trần Chiến cười. Ông nhớ tới hình ảnh những ngày áp Tết phụ nữ tới hiệu Miwaco ở phố Hàng Trống làm đầu “chạy sóng”. Sáng mồng Một các bà mặc áo dài, trên là áo nhung đen khuy tết lễ chùa. Các bà ở phố Hàng Bạc, Hàng Trống nền nã hơn ở Hàng Đào, Hàng Ngang nhiều dân mới.
Phố Hàng Buồm của tôi nhiều Hoa kiều, họ biếu nhau gói lạp xưởng, thuốc lá Đại Tiền Môn, làm lễ ở Hội quán Quảng Đông, Phúc Kiến, đình Quan Đế.
“Phố cổ thì phải chen chúc thôi, nhưng chi chít tập tục, phổ biến nhất là lễ chùa, chúc Tết”, Trần Chiến nói, và nhớ lại: Cậu tôi kể áp Tết nào cũng sang đình Bạch Mã đánh đồ đồng, dọn dẹp. Con gái thì trổ tài nữ công gia chánh khi tỉa hoa thủy tiên, làm mứt, bánh trái, xào ô mai, cô nào đã có nơi “chấm” cả nhà được ăn sêu.
Đại gia đình tập hợp, các ông thông ông phán, tức đã phương trưởng hoặc theo Tây học cả, đều áo the khăn xếp chúc bố mẹ, rồi sắp mâm khề khà Mai Quế Lộ hay vang. Bậc đáng trọng nhất trong nhà tặng phong bao cho cháu chắt, hình như khá khẽ, tượng trưng thôi chứ chả ú hụ như bây giờ. Giao thừa đám trẻ nghịch đến cửa nhà ai hát “Xúc xắc xúc xẻ, nhà nào còn đèn còn lửa, mở cửa cho tôi vào nhà” thì người ấy lại ra cho quà.
Đấy là tôi được nghe kể lại từ họ ngoại, bốn anh em ông ngoại tôi đều có nhà ở các phố Hàng Đường, Hàng Ngang. Chứ hồi tôi lớn lên ở Hàng Buồm đang kham khổ, Tết đơn giản là dịp được ăn. Sau tôi chuyển về phố Lãn Ông, có giao thừa tôi được chúc khi đi gánh nước ở vòi nước công cộng.
Phố cổ tụ hội tinh hoa nghề tứ phương, đều có nơi thờ tổ nghề, thì người nhuộm đều làm lễ ở phố Hàng Đào, người làm da đến Hàng Hành. Nhưng giờ con cháu những người ấy chắc không thế, hoặc “chuyển giao” cho người họ khác phố - làng khác. Cỗ bàn bốn bát, bốn đĩa “chuẩn” càng ít. Quanh năm thịt cá chả thiếu, và người nấu, người thưởng thức gốc gác mới nhiều lắm.
Nhà văn Trần Chiến cho rằng, điều quyến rũ nhất của Tết với ông là sao năm nào nhịp thời gian cũng nhắc lại, mà sau một đêm mưa bụi, đất trời, nhất là cành lá thay đổi nhiều đến thế. Đếm thêm bao nhiêu nụ đào, hoặc được đứng hẳn giữa rừng hoa mận, cái mạnh mẽ của thiên nhiên nó đẩy ngòi bút đi tự nhiên hẳn. Vậy đâu là bí mật của Tết?
“Bí mật thì là của riêng rồi. Nhưng chắc ai cũng tổng kết những gì trải qua, mong mỏi tốt lành cho chu kỳ thời gian tới. Thêm tuổi, từng trải hơn thì hy vọng cũng thực tế hơn. Lạ, là tuổi này, tôi hay văng vẳng trong đầu “Hòa bình đà về ta rồi, hòa bình đà về với ta, la lá la…”, câu hát rất đơn giản hơn sáu chục năm trước”, Trần Chiến hóm hỉnh.
Ông nói thêm: Lớp trẻ gần văn hóa Âu Mỹ, muốn bỏ Tết ta để tưng bừng Giáng sinh - rất gần Tết tây, Valentine... có khi còn tốn kém hơn. Mà xã hội hay gia đình đều có nhiều thế hệ, người càng già càng sống theo ký ức, tục lệ, Tết Âm lịch ít nhất phải cúng đủ chiều Ba mươi, Giao thừa, sáng mồng Một. Thế nên từng “tế bào xã hội” phải thu xếp riêng thôi, có nhà con cái sáng mồng Hai mới đi chơi, nhà khác trốn hẳn Tết đi du lịch tỉnh khác, nước khác. Phong tục cũng có diễn biến chứ không cứng nhắc, không thể “đùng” cái áp đặt.
Nhà văn Di Li thường đón Tết Nguyên đán như thế nào?
DI LI: Cũng như các gia đình khác, tôi dọn dẹp trang hoàng nhà cửa. Mua đồ cúng ông Công ông Táo và “ông Ba mươi”.
Chuẩn bị những đĩa nhạc hay. Đi du xuân và chờ khách đến. Tôi có được cảm giác thời gian như dài ra thêm vì một năm mới dài rộng ở phía trước. Năm mới mang đến một khoảng thời gian mà có thể nói rằng mình được sống chậm lại.
Giờ mỗi khi Tết đến, chị có còn háo hức nữa không?
- Có chứ, tôi vẫn đón chờ Tết một cách nồng nhiệt y như tuổi thơ và thanh xuân tươi đẹp của mình. Đặc biệt là với nghề giáo, Tết được nghỉ rất dài nên càng háo hức, phấn khởi hơn hẳn những nghề khác. (Cười)
Hẳn Di Li vẫn nhớ ký ức Tết thời thơ bé?
- Tuổi thơ tôi chìm trong không khí bao cấp, cái gì cũng thiếu nên Tết đến là vui lắm. Vì cái căn hộ thường ngày sẽ được cha tôi trang hoàng “lộng lẫy” hẳn lên. Ông có một cái chăn dạ hoa mỏng, cứ Tết đến thì phủ lên giường làm ga. Rồi ông đặt các tấm bưu thiếp lên cây đào. Mẹ tôi sẽ cắm một bình hoa thược dược, violet nữa. Xong bày biện mâm ngũ quả bàn thờ.
Có thế thôi mà cũng náo nức. Sau cha tôi có một tiệm ảnh ngoài công viên Thống Nhất. Hồi ấy nhiều gia đình phải kiếm thêm bằng các nghề khác nhau nên cũng chỉ đến Tết cha mẹ tôi mới mở tiệm ngoài công viên. “Tiệm” là một khung ảnh màu làm mẫu. Toàn ảnh những cô gái xinh đẹp, ngắm mãi không biết chán.
Tôi lang thang ở đó cả chục ngày Tết, tận hưởng tất cả các trò giải trí trong công viên, từ nặn tò he, phim đèn chiếu, xe kẹo kéo, gánh xiếc rong cho đến màn trình diễn mô tô bay, rồi các quầy đồ chơi nữa. Trẻ con ngày Tết được cha mẹ cho đi chơi công viên một buổi, còn tôi chơi từ sáng chí tối ngoài công viên. Có lẽ ký ức tuổi thơ không có gì hấp dẫn, huy hoàng, rực rỡ bằng công viên ngày Tết cả.
Nếu cần giải mã bí mật của Tết, chị sẽ nói thế nào?
“
Nhà văn Di Li (tên thật Nguyễn Diệu Linh) sinh năm 1978, tại Hà Nội.
Chị đồng thời là nhà văn, dịch giả, nhà giáo. Các tác phẩm đã xuất bản: “Tầng thứ nhất”, “Đảo thiên đường”, “Trại Hoa Đỏ”, “Cocktail thị thành” “San hô đỏ”, “Tật xấu người Việt”…
- Tết trước hết là một kỳ nghỉ. Người lao động đi làm cả năm, có một kỳ nghỉ dài như vậy đã thật là đáng quý. Tết vì vậy cũng là thời gian để tận hưởng, du xuân, gặp gỡ.
Nhiều người có băng đĩa nhạc, bộ phim, cuốn sách hay đều để dành đến Tết để nằm thư giãn nghe, xem, đọc. Có những thực phẩm hay công thức nấu ăn nào ngon nhất cũng để dành cho Tết.
Tết cũng là dịp để mua sắm, mà mua sắm rõ ràng là thú vui bất tận của nam phụ lão ấu. Các thành viên gia đình ở xa hoặc cả năm bận rộn lấy Tết để làm cơ hội đoàn viên. Bạn bè cũng được gặp gỡ nhau.
Có quần áo đẹp người ta cũng dành cho Tết. Giờ không thiếu quần áo nữa, nhưng Tết vẫn không thể không “xúng xính”. Trước Tết người ta ngợp với hoa và trong Tết đường phố vắng tanh. Cả hai đều tạo thành không khí Tết độc nhất vô nhị mà không một ngày lễ nào khác trong năm so sánh được.
Đấy là phần hữu hình. Còn phần vô hình thì Tết mang lại một cảm thức ấm cúng. Đặc biệt là ngày cuối năm, có chút gì đó bồi hồi, bâng khuâng của một năm cũ đã qua, một năm mới sắp đến. Cả năm bận rộn người ta ít nghĩ, Tết tự dưng ta lắng lại và nghĩ về mọi điều. Tết là thời điểm mà người ta sẽ tha thứ, bỏ qua cho nhau những hiềm khích cũ để hướng về tương lai.
Tết người ta hy vọng về những dự định mới, dự án mới và luôn nghĩ năm nay sẽ tốt hơn năm qua. Tết là một cột mốc để hoạch địch, để kỳ vọng, để mơ ước, để hội ngộ, để lắng lại và để hồi ức, hoài niệm.
Chính vì thế, tôi luôn phản đối ý tưởng gộp Tết Nguyên đán với Tết Dương lịch. Tất cả những cảm thức về Tết sẽ thành hoàn hảo khi kết hợp với tiết xuân lành lạnh mưa phùn và sắc mai, đào nở rộ. Tôi không hiểu người ta tiếc rẻ nỗi gì mà nỡ cắt đi vài ngày Tết âm để gộp với Tết Dương lịch.
Năm vừa qua, chị ra mắt cuốn “Tật xấu người Việt” khá xôn xao. Vậy Di Li có thể lý giải, Tết Nguyên đán của Việt Nam có những giá trị gì? Và đâu là điều cần căn chỉnh, ở thời điểm này?
- Tết Nguyên đán có giá trị sâu sắc về văn hóa. Ngày Tết khiến cho người ta thư giãn hơn, tử tế hơn, bao dung hơn. Nhưng bây giờ “phú quý sinh lễ nghĩa”, một số người thấy khổ vì Tết nên mới đòi bỏ Tết đi. Ấy là vì Tết họ phải đi lễ lạt, quà cáp.
Cái nông nỗi phải dồn tiền và thời gian cho quà biếu khiến người đi biếu cảm thấy thống khổ, mà không làm không được. Rồi cái tập tục lì xì cho trẻ con đâm cũng thành gánh nặng với nhiều người. Phong bao cho trẻ hay quà cho sếp mà mang tính tình cảm tượng trưng thì người nhận e không vui. Tết cũng là gánh nặng nếu các gia đình bày vẽ cúng bái, cơm nước quá nhiều...
Cầu cúng ở nhà chưa đủ, nhiều gia chủ mong tài, ước lộc mang sính lễ lên các đình chùa miếu mạo khiến nhiều nơi vỡ trận vì người ta cầu cúng nhiều quá, gây ra đủ chuyện bi hài. Tôi nghĩ rằng Tết hãy nên giữ đúng vai trò của nó để làm nên một sự ấm cúng, thư giãn, vui vẻ.
Xin cảm ơn nhà văn Di Li!
bình luận (0)