Ngân hàng bán bảo hiểm: Dễ tin, khách hàng chịu thiệt thòi

27/02/2023 01:00 daidoanket.vn

Dư luận xã hội đang nóng lên câu chuyện ngân hàng “bắt tay” với các công ty bảo hiểm tư vấn cho khách tới gửi, vay tiền phải mua bảo hiểm để thu lợi. Nhiều khách hàng phản ánh, nhân viên ngân hàng tìm mọi cách dụ dỗ, ép buộc, thậm chí thiếu trung thực để khách mua bảo hiểm.

Mua bảo hiểm nhân thọ không phải là yêu cầu bắt buộc khi vay vốn ngân hàng.  

Mua bảo hiểm nhân thọ không phải là yêu cầu bắt buộc khi vay vốn ngân hàng.  

Nhìn lại khoản lợi nhuận lớn của nhiều ngân hàng trong năm 2022, với báo lãi cao và trong đó phần lớn đến từ dịch vụ bảo hiểm. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) có lãi trước thuế là 18.155 tỉ đồng, tăng hơn 37% so với năm 2021. Riêng doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm đạt 10.185 tỉ đồng, cao hơn gần 1.800 tỉ đồng so với số thu 8.386 tỉ đồng của năm 2021. Điều này có thể nhờ ngân hàng sở hữu hai công ty con là Tổng công ty CP Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MB Ageas. Tiếp đó là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) có lợi nhuận sau thuế là 16.923 tỉ đồng, tăng hơn 47% so với năm 2021. Ở mảng kinh doanh bảo hiểm, năm vừa qua, VPBank thu về gần 3.354 tỉ đồng, tăng 42% so với năm 2021. Từ tháng 3/2022, VPBank và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam đã tái ký thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng thời hạn 15 năm… Cùng với đó, hàng loạt ngân hàng không công bố chi tiết doanh thu từ bảo hiểm mà đưa vào nguồn thu dịch vụ khác nói chung. Từ năm 2019 - 2021, hàng loạt thương vụ bắt tay giữa các công ty bảo hiểm và ngân hàng  được công bố như: Ngân hàng Á Châu ký độc quyền với Sun Life, Ngân hàng Hàng hải bắt tay với Prudential, Ngân hàng Sài Gòn bắt tay với Manulife…

Trở lại câu chuyện nhiều cá nhân, doanh nghiệp là đối tượng bị ép mua bảo hiểm đang làm nóng dư luận những ngày qua. Chị Đ.N.H. (Hà Nội) cho hay tháng 6/2021 chị biết tới sản phẩm "Tâm An đầu tư" khi đến chi nhánh của Ngân hàng Sài Gòn tại Hà Nội đáo hạn sổ tiết kiệm. Sau đó được nhân viên SCB gợi ý chuyển sang hình thức tiết kiệm đầu tư linh hoạt kỳ hạn 6 năm, được rút trước hạn và hưởng lãi suất cao hơn. Lúc đó chị đã nghi ngờ, nhân viên SCB vẫn giải thích "sản phẩm này không phải là bảo hiểm nhân thọ mà là tiết kiệm kết hợp đầu tư". Tới khi nhận thông báo từ hãng bảo hiểm Manulife yêu cầu đóng thêm khoản phí 50 triệu đồng để duy trì hợp đồng bảo hiểm, chị mới hay "không có khoản tiết kiệm nào ở đây". 110 triệu đồng này đã được bỏ vào sản phẩm bảo hiểm kết hợp đầu tư của Manulife, trong đó 50 triệu đồng là khoản phí bảo hiểm cơ bản đóng hàng năm, 60 triệu đồng còn lại phân bổ vào quỹ liên kết đầu tư. Theo chị H., nhân viên ngân hàng cam kết mức lãi 9,5% một năm là sai. "Thực tế tôi phải chấp nhận toàn bộ rủi ro khi đầu tư, thậm chí khoản tiền đầu tư này có lúc lỗ mấy chục phần trăm" - chị H. nói. Hiện chị H. chỉ là một trong nhiều khách hàng của SCB ở khắp các tỉnh thành đang làm đơn khiếu nại vì “tiết kiệm đầu tư biến thành bảo hiểm". Trong đó, nhiều khách hàng là người cao tuổi.

Còn trường hợp của anh N.S. (TPHCM) cũng bị dụ dỗ mua bảo hiểm nhân thọ khi làm thủ tục vay vốn. Thời điểm đó đang rất cần tiền để làm ăn nên anh S. đồng ý mua, đóng phí năm đầu 40 triệu đồng và sau khi ngân hàng giải ngân số tiền vay, anh cũng bỏ không đóng phí bảo hiểm. Điều này đồng nghĩa anh đã mất đi 40 triệu đồng để vay được tiền. 

Trước sự việc trên, có ý kiến cho rằng, lỗi của khách hàng là đặt niềm tin tuyệt đối vào nhân viên ngân hàng mà không tự kiểm chứng lại thông tin. Họ bị nhân viên lợi dụng vì thiếu hiểu biết và vô tình rơi vào thế yếu khi muốn khiếu nại huỷ hợp đồng, nếu không có bằng chứng đủ mạnh.

Ở góc nhìn luật pháp, Thiếu tướng Trần Minh Chất - nguyên Phó giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân cho rằng: Đây là thỏa thuận dân sự, khi mua bảo hiểm khách hàng phải đồng ý thì nhân viên ngân hàng mới bán được. Nếu đòi lại quyền lợi thì có thể khởi kiện, nhưng không dễ vì đã có sự đồng ý của người mua. Ngân hàng có chức năng đầu tư, kinh doanh chứ không chỉ là tiền gửi, cho nên chuyện ngân hàng và bảo hiểm “bắt tay” nhau bán bảo hiểm để hưởng phí là không vi phạm pháp luật. Có một điều liên quan tới đạo đức kinh doanh là sự bắt tay đó làm lợi cho ngân hàng và bảo hiểm, nhưng sẽ gây thiệt hại cho người dân. Bởi tiền mua bảo hiểm cứ nộp vào, nhưng tới một giai đoạn nào đó cần thanh toán sẽ rất khó khăn. Mà giá trị số tiền hầu như không còn như lúc đầu. Tại sao người dân không đọc hợp đồng, quyền lợi của mình tại sao lại không tự bảo vệ?

Theo Thiếu tướng Trần Minh Chất, để tránh việc này, người dân đến gửi tiết kiệm hoặc vay tiền thì chỉ có một cách duy nhất là gửi tiết kiệm là gửi tiết kiệm, vay tiền là vay tiền chứ không nên tham gia mua bảo hiểm. “Nhưng khi nghe nhân viên ngân hàng tư vấn, cứ thấy lãi cao thì nhiều người đồng ý ký vào hợp đồng bảo hiểm một cách dễ dàng. Tôi cho rằng, đây còn là câu chuyện mang tính cảnh tỉnh bởi sự thiếu hiểu biết của một số người” - Thiếu tướng Trần Minh Chất bày tỏ.

Dù vậy, ông Trương Minh Cát Nguyên - CEO TILA Finance cho rằng, để hạn chế tình trạng người đi vay vốn tại ngân hàng bị “ép” mua bảo hiểm, cần sự tham gia của các tổ chức trung gian có chuyên môn bảo hiểm như công ty môi giới bảo hiểm, công ty phụ trợ bảo hiểm, tương tự như việc mua nhà phải ra bên thứ ba công chứng. Đó là giải pháp hợp lý và có lợi cho tất cả các bên tham gia.

Mặt khác, ông Nguyên kiến nghị các cơ quan quản lý thị trường là Bộ Tài chính, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cần tăng cường các biện pháp bảo vệ khách hàng. Ngân hàng và công ty bảo hiểm có liên quan cần tìm hướng giải quyết thỏa đáng nhất cho khách hàng theo quy định của doanh nghiệp và pháp luật bảo hiểm. Tổ chức, cá nhân nào làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm. Các ngân hàng và công ty bảo hiểm đang khai thác kênh này cần chủ động rà soát lại hệ thống, quy trình hoạt động để tránh lặp lại những vụ việc trong thời gian qua.