Nền kinh tế vượt bão - Bài 4: Đột phá tăng trưởng

29/01/2021 13:42 daidoanket.vn

 

Nút cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nối với cao tốc TP HCM - Trung Lương tại huyện Châu Thành, Tiền Giang Ảnh: Quỳnh Trần.
Nút cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nối với cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương tại huyện Châu Thành, Tiền Giang Ảnh: Quỳnh Trần.

Không để đứt gãy   

Với ảnh hưởng của dịch Covid-19, đầu tư công là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy hồi phục kinh tế. Tháng 8/2020 tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị làm việc với lãnh đạo các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, giải ngân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho vùng để cùng với các vùng kinh tế trọng điểm khác đi đầu trong phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.

Theo báo cáo tại hội nghị, với dân số khoảng 18 triệu người, chiếm 12% diện tích và 19% dân số cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (theo giá hiện hành năm 2019) đạt khoảng 933 nghìn tỷ đồng, đóng góp 12,08% cho GDP cả nước. Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế chiếm trên 1/3 của vùng và 34,6% GDP ngành nông nghiệp của cả nước. Giải ngân vốn đầu tư công đến 30/6/2020 của 13 địa phương trên 19 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,9%, cao hơn mức bình quân chung cả nước 33,9%, trong đó 2/3 số tỉnh có tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 30%.

Thống kê các địa phương theo tỷ lệ giải ngân thì tỉnh Tiền Giang, địa phương đang triển khai dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất 77,3% (đến ngày 15/7/2020 đã đạt hơn 80%, cao nhất cả nước).

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hiện nay, việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, để không đứt gãy nền kinh tế đặt ra càng nặng nề hơn với tất cả chúng ta, với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng đề nghị các tỉnh trong vùng cần thúc đẩy mọi giải pháp để có thể tăng trưởng dương. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các địa phương trong vùng nỗ lực tối đa giải ngân vốn đầu tư công, không để tình trạng chậm trễ như hiện nay. Ngoài kinh tế truyền thống, cần phát triển một số ngành mới như kinh tế ban đêm, kinh tế số...

Giải  ngân vốn đầu tư công tăng mạnh nhất trong 10 năm

Trao đổi với báo giới về giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: “Chưa bao giờ có công tác chỉ đạo về giải ngân quyết liệt như năm 2020 với sự vào cuộc của Chính phủ từ các công tác chỉ đạo, điều hành và những phiên họp trực tuyến với các địa phương. Nhờ đó, kết quả giải ngân vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 91,1% kế hoạch năm 2020 và tăng 34,5% so với năm 2019, đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2020”.

Ông Phương chia sẻ, nếu trước đây, khi làm kế hoạch vốn đầu tư công ai cũng muốn được càng nhiều tiền càng tốt, nhưng câu chuyện bây giờ “nhiều” chưa chắc đã tốt. Bởi, địa phương, bộ, ngành không giải ngân được thì hệ lụy là rất lớn, bên cạnh sự giảm trừ đầu tư công trung hạn còn bị khiển trách.

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2020, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra giám sát, rà soát và điều chuyển vốn từ các dự án chưa khởi công hoặc chậm tiến độ sang các dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân nhanh, tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc đặc biệt các dự án trọng điểm nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các công trình đầu tư xây dựng trong những tháng cuối của năm 2020.

Nhờ vậy, tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7/2020 đã có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt trong tháng 10 và 11/2020. Đơn cử, có 15 Bộ, cơ quan Trung ương và 18 địa phương có ước tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/11 năm 2020 đạt trên 75%, trong đó 9 bộ, cơ quan Trung ương và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 85%. Về thực hiện giải ngân đối với các dự án lớn, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay: Tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải đến ngày 24/12/2020, tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần là 9.962.186/10.803,276 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2020 (bao gồm cả vốn năm 2019 chuyển sang và điều chỉnh kế hoạch nội bộ kế hoạch vốn năm 2020), đạt 92,21%...

Đặc biệt năm nay, nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn theo hình thức xã hội hóa hoặc hợp tác đầu tư công – tư, đã được chuyển đổi sang hình thức đầu tư công hoặc tăng cường tỷ lệ vốn đầu tư công. Điều này đảm bảo nhịp độ phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia, thúc đẩy tốc độ hồi phục kinh tế thời Covid-19.