Nạn chăn dắt trẻ em, vì sao còn tái diễn?

16/04/2024 01:07 daidoanket.vn

Vụ việc 2 bé gái bị nhóm đối tượng bắt cóc ngay giữa chốn đông người tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM) vừa mới đây đã dấy lên lo ngại của người dân về tình trạng chăn dắt trẻ em. Trong nhiều năm, các cơ quan chức năng của TPHCM đã nỗ lực ra quân, triệt phá, thế nhưng tình trạng này vẫn tái diễn…

Lộng hành giữa ban ngày

Cung cấp thông tin liên quan đến vụ bắt cóc 2 bé gái tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM) vào ngày 3/4 vừa qua, đại diện Phòng Tham mưu, Công an TPHCM cho biết, đã mở rộng điều tra để củng cố hồ sơ, chứng cứ.

Bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TPHCM đã ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Phạm Huỳnh Nhật Vi (21 tuổi, hộ khẩu thường trú tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) về các hành vi “chiếm đoạt người dưới 16 tuổi” và “sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm”.

Trước đó, ngày 6/4, Công an phường Bến Nghé (quận 1) tiếp nhận nguồn tin của chị Nguyễn Thị Chi (SN 1997, trú tại phường Tân Hưng, quận 7) về việc bị thất lạc 2 con ruột là các cháu N.K.T.M. (7 tuổi) và cháu L.H.T.L. (3 tuổi) tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) từ tối ngày 3/4.

Chị Chi cho biết, mặc dù đã tự đi tìm và liên hệ tại nhiều nơi nhưng đã không tìm thấy 2 cháu bé, do đó, chị Chi đã đến cơ quan công an để trình báo. Quá trình điều tra, cơ quan Công an phát hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến trẻ em, trong đó có việc đối tượng Nhật Vi đã dụ dỗ các bé và móc nối với một đối tượng người nước ngoài, ép buộc các cháu thực hiện một số hành động có tính chất “khiêu dâm”, sau đó quay phim, chụp ảnh gửi cho đối tượng người nước ngoài. Bù lại, Nhật Vi nhận được tiền trả công từ người nước ngoài kể trên. Vụ bắt cóc trẻ em cũng diễn ra tại nơi đông người qua lại và có nhiều camera an ninh, thế nhưng nghi phạm vẫn rất manh động, lợi dụng lúc không có người lớn trông coi, đối tượng Nhật Vi đã tiếp cận, dẫn dụ các cháu bé để đưa về căn hộ của mình tại quận Bình Thạnh.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 8/4, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an quận 1 và các đơn vị có liên quan đã tiến hành giải cứu thành công 2 cháu bé, trao trả cho gia đình. Đồng thời, Công an cũng bắt giữ đối tượng Phạm Huỳnh Nhật Vi để tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý theo quy định.

Đáng báo động, đây không chỉ là trường hợp cá biệt, vì chỉ cần dạo qua một số tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Ngô Tất Tố, Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức), Huỳnh Tấn Phát (huyện Nhà Bè) và ngay cả khu vực trung tâm các quận (1, 3, 5), vẫn dễ dàng bắt gặp tình trạng người xin ăn, bao gồm cả người già, người tàn tật và trẻ em tiếp tục tái diễn, tập trung tại các khu vực ngã ba, ngã tư hoặc các giao lộ lớn.

Anh Nguyễn Thanh Bình (43 tuổi, trú phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức) cho biết, vào các khung giờ trưa hoặc từ 22 giờ, có một số trẻ em khoảng từ 7 đến 12 tuổi đến xin ăn ở giao lộ này, nhìn rất phản cảm. “Các cháu chạy ra, chạy vào lúc xe đang lưu thông và đứng ngay giữa lòng đường để xin gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông” - anh Bình nói.

Không chỉ tập trung tại các giao lộ của TP Thủ Đức, nhiều người dân phản ánh nạn ăn xin tái diễn tại giao lộ đèn đỏ ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - D15, D4 (thuộc phường Tân Hưng, quận 7) vào khung giờ từ 15 giờ chiều hàng ngày. Tại thời điểm phản ánh, có nhóm trẻ gồm 2 bé gái khoảng từ 6 - 7 tuổi xin tiền người tham gia giao thông.

Cần xử lý triệt để

Ngày 11/4 đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TPHCM cho biết, Sở đã đề nghị công an phối hợp với các lực lượng chức năng cùng vào cuộc để ngăn chặn triệt để nạn “chăn dắt” trẻ em. Sở này nhìn nhận, dù công tác quản lý người lang thang, xin ăn trên địa bàn TPHCM thời gian qua có một số hiệu quả nhất định, nhưng vẫn còn tình trạng chăn dắt trẻ em ăn xin, lao động trẻ em và sử dụng trẻ em vào nhiều mục đích tệ nạn cần lên án.

Theo Sở LĐTBXH TPHCM, các đối tượng thường có hành vi đối phó, qua mặt lực lượng chức năng, bằng cách chăn dắt trẻ em bán vé số, tăm bông, bút bi, kẹo cao su... nhưng thực chất là xin ăn.

Các đối tượng thường tổ chức cho các nạn nhân bị chăn dắt hoạt động ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ cuối tuần, giờ nghỉ trưa và di chuyển lưu động giữa các địa bàn nên các Tổ Công tác khó phát hiện, quản lý.

Một cán bộ Sở LĐTBXH TPHCM cũng thừa nhận, một phần nguyên nhân cũng xuất phát từ nhận thức một bộ phận người dân thành phố vẫn còn thói quen trực tiếp cho tiền, phát quà từ thiện cho người xin ăn, người có hoàn cảnh khó khăn mà không thông qua cơ quan chức năng. Do đó, nạn chăn dắt trẻ em vẫn diễn biến phức tạp thời gian qua.

Nhằm góp phần giải quyết triệt để tình trạng trên, đại diện Sở LĐTBXH TPHCM kêu gọi người dân khi phát hiện những đối tượng chăn dắt người lang thang xin ăn, cần báo ngay cho Công an địa phương hoặc các Tổ Công tác của Sở để kịp thời xử lý. Đối với trường hợp là trẻ em, thông báo về Tổng đài 111 để có phương án phối hợp, xử lý.

Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TPHCM nhấn mạnh, Công an thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức để tăng cường công tác nắm bắt tình hình trên không gian mạng để kịp thời phát hiện, xử lý những đối tượng cầm đầu lập nhóm chăn dắt trẻ em và hoạt động phi pháp. Đồng thời, Công an thành phố cũng chủ động rà soát, nắm tình hình người ăn xin, người lang thang cơ nhỡ trên địa bàn, phối hợp với các cơ quan liên quan để kịp thời xử lý ngay từ đầu, kiên quyết ngăn chặn tệ nạn tái diễn.

 

Link gốc