Mỹ lo ngại bị nước ngoài thâu tóm đất nông nghiệp

12/02/2024 06:00 vietmy.net.vn

Mỹ được mệnh danh là vựa lúa mì của thế giới. Ngoài làn sóng ngũ cốc màu hổ phách, Mỹ còn là nước sản xuất hàng đầu về ngô, đậu nành, nho, gia súc và sữa, v.v. Đất nông nghiệp là tài sản có giá trị và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp đã tăng đáng kể - lên tới 43,4 triệu mẫu Anh vào năm 2022. Nhưng những khoản đầu tư này có thể mang lại những rủi ro tiềm ẩn cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

 

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), quyền sở hữu và đầu tư nước ngoài vào đất nông nghiệp của Hoa Kỳ, bao gồm đất nông nghiệp, đồng cỏ và đất rừng, đã tăng gần 50% kể từ năm 2017. Sự gia tăng này chủ yếu là do các công ty điện gió nước ngoài có được hợp đồng thuê dài hạn để xây dựng tua-bin gió trên đất nông nghiệp và đồng cỏ. Đầu tư nước ngoài bao gồm việc mua lại của các công ty, quốc gia, cá nhân nước ngoài và các công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ có quyền sở hữu nước ngoài.

Một số khoản đầu tư nước ngoài vào đất nông nghiệp của Hoa Kỳ có thể gây lo ngại về an ninh quốc gia, đặc biệt khi chúng nằm gần các địa điểm quân sự nhạy cảm.

Giai đoạn 2016-2018, tỉ phú Sun Guangxin gốc Hoa đã chi 110 triệu đô la Mỹ mua khu đất rộng hơn 130.000 mẫu Anh với ý định xây nhà máy điện gió gồm 46 turbine. “Lãnh thổ” này gần một căn cứ không quân Laughlin ở Del Rio, Texas. Trước áp lực của người dân và chính quyền, Sun buộc phải bán lại lô đất này sau đó…

Từ giữa năm 2022, nỗi lo sợ về quyền sở hữu và đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp tại Mỹ gia tăng khi có tin Tập đoàn nông nghiệp Fufeng Group của Trung Quốc mua 370 mẫu Anh đất trồng trọt và đầu tư xây nhà máy xay xát công nghệ nước hiện đại. Fufeng đã sẵn sàng trả đến 26.000 đô la Mỹ/mẫu Anh cho đất trồng trọt chính, trong khi giá thị trường ở mức cao lúc đó chỉ 10.000 đô la Mỹ/mẫu Anh. Nhà máy cách căn cứ không quân Grand Forks, bang North Dakota khoảng 20 ki lô mét.

Sự “hào phóng” của Fufeng đã khiến dư luận Mỹ hoài nghi và dậy sóng, bởi Grand Forks là nơi thử nghiệm drone công nghệ tiên tiến nhất của không lực Mỹ. Thương vụ bị hủy đầu năm 2023 khi gặp sự phản đối mạnh mẽ của dư luận và Quốc hội.

Kể từ thương vụ đầy tranh cãi Fufeng, Bộ Nông nghiệp đã lưu giữ nhật ký theo thời gian thực các khoản đầu tư từ Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên nhưng GAO cho rằng cần phải có một phương pháp theo dõi các giao dịch có hệ thống hơn.

Một vấn đề mà GAO nhận thấy là Bộ Nông nghiệp không thường xuyên chia sẻ dữ liệu với các cơ quan khác, gây khó khăn cho các cơ quan như CFIUS trong việc tiến hành đánh giá kịp thời. Từ năm 1978, người nước ngoài mua đất nông nghiệp tại Mỹ phải nộp biểu mẫu bằng giấy cho Bộ Nông nghiệp trong 90 ngày kể từ ngày giao dịch. Thông tin được Bộ Nông nghiệp lập báo cáo hàng năm, tuy nhiên, báo cáo chỉ chạm được nhà đầu tư chính, không đụng đến những nhà đầu tư phụ. Người có thẻ xanh được miễn trừ thực hiện báo cáo.

Việc thiếu thông tin theo thời gian thực sẽ cản trở phản ứng của toàn chính phủ. Chẳng hạn, Lầu Năm Góc, Bộ Tài chính và CFIUS có một danh sách các cơ sở và công trình nhạy cảm không cho phép nước ngoài sở hữu đất trong bán kính 160 ki lô mét. Hiện có 242 địa điểm như vậy trong danh sách cấm, bao gồm cả Grand Forks, North Dakota. CFIUS phải dựa vào các báo cáo liên ngành, công chúng, báo chí, dữ liệu thương mại và báo cáo của Quốc để theo dõi các thương vụ cần chú ý và ngăn chặn.

“Việc nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, ngày càng tăng quyền sở hữu đất nông nghiệp tại Mỹ đặt ra mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh lương thực và an ninh quốc gia của nước Mỹ. Việc bảo vệ đất nông nghiệp và nguồn cung cấp thực phẩm của chúng ta đòi hỏi cách tiếp cận của toàn chính phủ…”, Chủ tịch Ủy ban Nông nghiệp Glenn Thompson và Chủ tịch Ủy ban Giám sát và giải trình James Comer – đều thuộc Hạ viện – nói trong một thông báo chung.

Báo cáo của GAO lưu ý rằng quyền sở hữu và đầu tư nước ngoài vào đất nông nghiệp của Mỹ – nông trại, đồng cỏ và rừng – đã tăng lên khoảng 40 triệu mẫu Anh trong năm 2021, chiếm 3,1% đất nông nghiệp tại Mỹ, tăng 40% trong năm nay. Các số liệu cuối năm 2023 cho thấy người nước ngoài hiện sở hữu 107 triệu mẫu Anh, tỷ lệ 3,4%.

Khi căng thẳng địa chính trị toàn cầu gia tăng, an ninh quốc gia là đề tài có thể gây bùng nổ các cuộc tranh luận kinh tế – xã hội. Việc ban hành và thực thi các quy định mới một cách hiệu quả mà không gây phân biệt đối xử là một thách thức lớn.

Tranh cãi về Fufeng là nguyên cớ cho hàng loạt luật ban hành khắp nước Mỹ, nhằm hạn chế người nước ngoài mua đất nông nghiệp. Năm 2022, 14 tiểu bang hạn chế người mua nước ngoài mua hàng. Năm 2023, ít nhất thêm mười bang nữa, bao gồm Alabama, Idaho và Utah, đã ban hành luật tương tự.

Florida thậm chí còn đi xa hơn bằng cách hạn chế quyền sở hữu nhà của người nước ngoài theo luật mới có hiệu lực vào tháng 7-2023. Luật này ảnh hưởng đến công dân của bảy quốc gia nhưng Thống đốc Ron DeSantis, người đang tìm kiếm sự đề cử của Đảng Cộng hòa trong cuộc đua tổng thống năm 2024, đã nói cụ thể rằng động thái này “nhằm chống lại mối đe dọa địa chính trị lớn nhất của Mỹ”.

Luật Florida hạn chế hầu hết người mua không có quốc tịch Mỹ hoặc thường trú nhân mua đất gần các căn cứ quân sự và cơ sở hạ tầng quan trọng. Bất cứ ai bán đất cho những cá nhân như vậy cũng có thể phải đối mặt với hình phạt, bao gồm cả thời gian ở tù.

Người nhập cư châu Á bị cấm mua đất ở một số vùng ở Mỹ vào đầu những năm 1900. Trong Thế chiến thứ hai, nhiều người Mỹ gốc Nhật bị buộc vào các trại tập trung. Tình trạng phân biệt đối xử với người gốc Trung Đông ngày càng gia tăng sau vụ tấn công khủng bố 11-9-2001.

Bộ Tài chính hiện đang xem xét trao cho CFIUS quyền sàng lọc các khoản đầu tư nước ngoài trong bán kính 160 ki lô mét tính từ tám cơ sở quân sự, bao gồm cả căn cứ không quân Grand Forks.

Steve Bruere, CEO của Peoples Co. – nền tảng dịch vụ quản lý và giao dịch đất nông nghiệp – cho rằng quyền sở hữu đất nông nghiệp của người nước ngoài ở Mỹ là một chủ đề nóng bỏng đối với nhiều người. Lớn lên ở trang trại, ông hiểu được tâm tư của nông dân Mỹ là sở hữu được mảnh đất trồng trọt của riêng mình. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cần xem xét những khía cạnh khác.

Ông lưu ý rằng khi nói đến việc bán đất, hầu hết khách hàng sẽ muốn giá bán tốt nhất và không muốn luật pháp can thiệp ai có thể mua đất. Ông cũng nói công dân Mỹ thường đầu tư vào các quốc gia khác và “rất khó để trọn vẹn cả đôi đường”.

Còn bà Suzanne Shirbroun, một nông dân ở Clayton, tiểu bang Iowa, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Đậu nành Iowa, nhấn mạnh là cần phải xem xét cụ thể, từng vụ mua đất.

“Chúng ta cần phải giải quyết các mối quan ngại của mình một cách cẩn thận. Bởi nước Mỹ đang bán các sản phẩm cho các nước này. Nông dân trồng đậu nành Mỹ đã dành 40 năm để phát triển thị trường Trung Quốc và Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới. Vì vậy, cần đảm bảo rằng chính sách nước Mỹ không hạn chế khả năng tiếp cận thị trường đậu nành. Chúng ta phải bảo vệ an ninh quốc gia của mình, nhưng cũng cần bảo vệ nông dân và duy trì nền thương mại cởi mở”, chủ tịch Hiệp hội Đậu nành Iowa nhấn mạnh.

Lê Linh/ Theo GAO, Reuters, NYT

Link gốc