Mạng lưới Bitcoin phục hồi hoàn toàn sau lệnh cấm của Trung Quốc

13/12/2021 07:05 congluan.vn

“Phép thử” lớn với Bitcoin

Theo CNBC, hoạt động khai thác Bitcoin đã phục hồi hoàn toàn khi tỷ lệ băm (hashrate) -dùng để đo lường sức mạnh tính toán của tất cả các thiết bị đào Bitcoin - tăng khoảng 113% trong 5 tháng qua.

Trung Quốc từ lâu đã được coi là trung tâm của ngành công nghiệp khai thác tiền mã hóa. Các ước tính chỉ ra rằng trước đây, khoảng 65-75% hoạt động khai thác trên toàn cầu diễn ra ở đất nước 1,4 tỷ dân. Tuy nhiên, sau khi Bắc Kinh mạnh tay trấn áp hoạt động khai thác Bitcoin hồi tháng 5 năm nay, tỷ lệ băm đã lao dốc hơn 50%.

“Bitcoin đã trụ vững sau cuộc tấn công từ phía Trung Quốc. Mạng lưới của đồng tiền ảo này đã chứng minh được sức chống chịu mạnh mẽ”, ông Kevin Zhang thuộc công ty tiền kỹ thuật số Foundry nhận định. Công ty Foundry đã hỗ trợ vận chuyển thiết bị khai thác Bitcoin từ Trung Quốc sang Bắc Mỹ có giá trị lên tới 400 triệu USD.

Khi một nửa mạng lưới Bitcoin bị đình trệ hồi đầu năm nay, nhiều chuyên gia cho rằng các thợ đào sẽ trở lại Bắc Mỹ. Nhưng không ai có thể nghĩ rằng mạng lưới Bitcoin sẽ phục hồi nhanh đến như vậy.

Tốc độ phục hồi nhanh

Ông Marshall Long - một kỹ sư, thợ đào Bitcoin và là trưởng bộ phận kiến trúc tại công ty khai thác Bitcoin Rhodium Enterprises - tiết lộ rằng ông khá ngạc nhiên với tốc độ phục hồi của mạng lưới Bitcoin.

“Tôi từng dự đoán mạng lưới Bitcoin sẽ đạt đến tốc độ phục hồi này sớm nhất là cuối tháng 1 đầu tháng 2 sang năm”, ông Long cho hay. Một vài người cho rằng quá trình phục hồi sẽ mất nhiều thời gian hơn, dự đoán mất khoảng 6-12 tháng nữa.

Theo ông Zhang, tốc độ phục hồi nhanh của mạng lưới Bitcoin là nhờ Mỹ đang có tham vọng phát triển khai thác đào tiền ảo cũng như triển vọng phát triển cho Bitcoin cao hơn. Từ nhiều năm nay, các công ty tại Mỹ đã âm thầm nâng cấp cơ sở hạ tầng để chờ đợi thời điểm thích hợp “chào đón” các thợ đào Bitcoin.

Các doanh nghiệp nhà nước của Singapore cũng cho thấy họ đang hội nhập với “nền kinh tế tiền mã hóa”. Quỹ đầu tư chính phủ có chủ quyền GIC và công ty đầu tư do chính phủ Singapore hậu thuẫn Temasek đã chi hàng trăm triệu USD vào lĩnh vực tiền mã hóa.

Cơ quan Tiền tệ Singapore cũng đang hỗ trợ các nhóm khai thác tiền điện tử nước ngoài thành lập và cung cấp các dịch vụ cho người dân dễ dàng và nhanh chóng hơn, đặc biệt trong bối cảnh các giao dịch bị giới hạn. Sàn giao dịch Singapore cũng ra mắt 2 chỉ số đầu tư tiền mã hóa trên hệ thống của mình.

Jihan Wu, tỷ phú đồng sáng lập của tập đoàn công nghệ khai thác tiền điện tử Trung Quốc Bitmain chia sẻ ông đã khởi động một công ty khởi nghiệp tiền điện tử tại Singapore.

Theo nguồn tin thân cận của CNBC, một số thợ đào không đủ khả năng “tái định cư” sẽ chọn ở lại Trung Quốc và hoạt động ngầm. Một vài người chọn “câu điện” trực tiếp từ các đập thủy điện tại tỉnh Tứ Xuyên, phía nam Trung Quốc. Những thợ đào khác chọn cách chia nhỏ các hoạt động khai thác Bitcoin vào các trang trại nhỏ ở vùng quê để tránh sự chú ý của chính quyền địa phương.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh liên tục thắt chặt kiểm soát các quy định về giao dịch, đầu cơ và đào tiền ảo. Hôm 24/10, 10 cơ quan chính phủ Trung Quốc, trong đó có Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, đã ra tuyên bố chung cho biết tiền ảo không được lưu thông trên thị trường như tiền tệ truyền thống và cấm các sàn giao dịch ở nước ngoài cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư ở Trung Quốc đại lục thông qua Internet.

Hiện, nước này đã cấm các hoạt động khai thác và giao dịch tiền ảo trên toàn quốc. Trung Quốc cũng cấm các tổ chức tài chính, công ty cung cấp dịch vụ thanh toán và công ty Internet tạo điều kiện cho các giao dịch tiền ảo.

Trong khi đó, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết các hoạt động đào tiền ảo cần được quét sạch. Đồng thời, cơ quan này cũng nhấn mạnh rằng các hoạt động khai thác tiền ảo liên quan đến các đơn vị nhà nước cần phải được điều tra kỹ lưỡng và trừng phạt nghiêm khắc nếu phát hiện ra sai phạm.

Trung Quốc từng là trung tâm đào tiền ảo lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Mỹ đã vượt lên dẫn đầu sau khi Bắc Kinh siết chặt kiểm soát các hoạt động khai thác và giao dịch tiền ảo tại nước này. Chia sẻ với tờ Thời báo Hoàn Cầu, giới quan sát cho biết có đến hơn 90% doanh nghiệp liên quan đến tiền ảo đã bị đóng cửa ở Trung Quốc sau lệnh cấm giao dịch tiền ảo nghiêm ngặt nhất của nước này.