Ma trận "trái phiếu lởm" tìm mọi cách để phát hành, nhà đầu tư cần thận trọng

11/09/2021 07:51 Vũ Ninh

Trái phiếu “lởm” nhan nhản

Sự sôi động thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2020 tiếp tục được kéo sang những tháng đầu năm 2021 khi thị trường tiếp tục ghi nhận nhiều đợt phát hành trái phiếu với giá trị vốn khủng.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, bất chấp diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, tháng 7/2021, vẫn có 53 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (tất cả là phát hành riêng lẻ) với số tiền phát hành là 38.905 tỷ đồng và một đợt phát hành ra thị trường quốc tế của NovaLand thu về 300 triệu USD.

Trong đó, các ngân hàng là tổ chức phát hành lớn nhất với lượng phát hành 22.968 tỷ đồng, tương ứng 59% tổng lượng phát hành trong tháng 7/2021.

Tính chung 7 tháng đầu năm, có tổng cộng 364 trái phiếu  riêng lẻ của doanh nghiệp trong nước đã được phát hành với tổng giá trị là 225.509 tỷ đồng.

Chỉ có 13 trái phiếu được phát hành ra công chúng (giá trị 9.584 tỷ đồng) và 3 trái phiếu được phát hành ra thị trường quốc tế với tổng số tiền huy động được là 1 tỷ USD.

Theo nhiều chuyên gia, với mức lãi suất hấp dẫn (có thời điểm cao gấp đôi lãi suất tiền gửi ngân hàng), tính thanh khoản cao (có thể chuyển đổi, mua đi bán lại ở bất kỳ thời điểm nào), trái phiếu trở thành kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư cá nhân.

Tuy vậy, cũng giống như bất kỳ sản phẩm tài chính khác trên thị trường như cổ phiếu, ngoại tệ hay vàng…  đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những rủi ro nhất định.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng nhận định: “Trong bối cảnh đại dịch như hiện nay, sức chống chịu của doanh nghiệp dần bị bào mòn khiến tình hình tài chính doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khó.

Rủi ro lớn nhất đối với nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân là không đánh giá đúng sức khỏe của doanh nghiệp. Do đó đầu tư trái phiếu nếu không tìm hiểu kỹ sẽ là một kênh đầu tư rủi ro”.

Đầu tư trái phiếu thời điểm này tương đối rủi ro

Bên cạnh đó, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong thời điểm này còn có những rủi ro liên quan tới tín dụng (tổ chức phát hành không có khả năng trả lãi suất định kỳ hay thanh toán khoản gốc đúng hạn), rủi ro liên quan tới thanh khoản (nhà đầu tư không bán được trái phiếu khi có nhu cầu hay không bán được với mức kỳ vọng…), rủi ro liên quan tới định giá lãi suất (định giá lãi suất với rủi ro chưa hợp lý) và các rủi ro khác như rủi ro mua lại trái phiếu trước đáo hạn, rủi ro lạm phát, rủi ro bất ổn kinh tế, rủi ro đại dịch và thảm họa…

Thống kê tỷ lệ vỡ nợ tích lũy trung bình của trái phiếu doanh nghiệp toàn cầu từ năm 1981 của FiinGroup cho thấy, các nhà phát hành có xếp hạng tín nhiệm ở mức “đầu cơ” như B có tỷ lệ vỡ nợ trung bình khoảng 30% (sau khoảng 0 năm).

Trong khi đó, tỷ lệ này ở nhóm các nhà phát hành có xếp hạng tín nhiệm ở mức đầu tư (từ BBB đến AAA) sau 30 năm chỉ là 10%.

Bộ Tài chính liên tiếp cảnh báo

Theo Bộ Tài chính, bên cạnh tác động tích cực giúp doanh nghiệp huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tiềm ẩn rủi ro.

Một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản, phát hành trái phiếu với lãi suất cao.

Chất lượng tài sản bảo đảm của trái phiếu hạn chế (chủ yếu là dự án đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản). Có sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ…

Hiện các doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm và cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành.

Tuy nhiên, trong số doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn có doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng huy động vốn với khối lượng lớn, lãi suất cao, phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc chất lượng tài sản bảo đảm kém.

Như vậy, sẽ dễ gặp rủi ro nếu hoạt động sản xuất - kinh doanh khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

"Với tính chất rủi ro cao hơn nên trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ phù hợp với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, là đối tượng có khả năng phân tích, đánh giá rủi ro, có năng lực tài chính và dám chấp nhận rủi ro khi quyết định mua trái phiếu.

Luật hiện nêu rõ chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc và cần hết sức lưu ý lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao; thận trọng đánh giá kỹ về rủi ro trước khi mua", Bộ Tài chính cảnh báo.

Nhà đầu tư cần thận trọng trong việc mua trái phiếu thời điểm này

Trên thị trường tài chính, hiện lãi suất trái phiếu doanh nghiệp (trừ trái phiếu ngân hàng) bình quân khoảng 9,9%/năm, riêng lĩnh vực bất động sản, lãi suất trái phiếu từ 9,5%-11%/năm, cao hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn dài trên 12 tháng khoảng 5,5%-6,5%/năm.

Nhà đầu tư không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành; mục đích sử dụng vốn, chất lượng tài sản bảo đảm…

Cơ quan quản lý khẳng định việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này bảo đảm an toàn cho việc mua trái phiếu.

Những tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không? Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.

Đặc biệt, trong trường hợp "lách" quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng hình thức mua trái phiếu thông qua các hợp đồng đầu tư với công ty chứng khoán, nhà đầu tư sẽ không phải là chủ sở hữu trái phiếu và không được bảo đảm các quyền lợi đối với trái phiếu theo các cam kết của doanh nghiệp phát hành…