Lùm xùm quanh 53 tỷ đồng quỹ ở làng tỷ phú

22/04/2024 11:03 giaoducthoidai.vn

Vụ việc ồn ào trên mạng xã hội

Những ngày này, nhiều tài khoản mạng xã hội Facebook xôn xao, chia sẻ thông tin làng tỷ phú Đồng Kỵ, TP Từ Sơn, Bắc Ninh họp gấp tại sân đình để thông báo vụ thất thoát quỹ di tích hơn 53,3 tỷ đồng.

Đây là ngôi làng có nghề mộc nổi tiếng đất Kinh Bắc và có chợ bán các loại gỗ giá trị cao như: Hương, cẩm, trắc, tử đàn… nhờ đó nhiều người trở thành tỷ phú.

Sáng 19/4, trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Tiến Quyết, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ cho biết, quỹ di tích làng Đồng Kỵ lên tới trên 57 tỷ đồng.

 

Theo ông Quyết, qua nắm bắt một số nguồn thông tin về dấu hiệu sai phạm tại Ban Quản lý di tích làng Đồng Kỵ, vừa qua, UBND phường Đồng Kỵ đã lập đoàn kiểm tra công tác quản lý quỹ tiền công đức, tài trợ của nhân dân do Chủ tịch UBND phường làm trưởng đoàn. Gần nhất, ngày 16/4, chính quyền địa phương đã họp với người dân để nắm bắt cụ thể vụ nghi thất thoát quỹ di tích.

Thường trực Ban Quản lý di tích làng Đồng Kỵ được bầu mới gồm ông Nguyễn Văn Đản - trưởng ban, ông Nguyễn Khánh Chấn - kế toán, ông Dương Văn Hùng - tổ trưởng tổ giám sát và ông Dương Văn Mười - thủ quỹ. Cả 4 người đồng sở hữu 17 sổ tiết kiệm, tổng giá trị trên 57 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi làm việc tại nhà thủ quỹ, ông Dương Văn Mười báo cáo chỉ còn hai sổ tiết kiệm số 13 trị giá 1,5 tỷ đồng và sổ số 6 trị giá hơn 2,5 tỷ đồng. Các sổ còn lại trên 53,3 tỷ đồng đã được thế chấp tại 3 ngân hàng khác nhau với khoản vay trên 48,6 tỷ đồng.

Sau khi vay trên 48,6 tỷ đồng, ông Mười đưa số tiền thế chấp cho ông Dương Văn Hòa - Trưởng ban Quản lý di tích làng Đồng Kỵ, nhiệm kỳ 2021 - 2023 và khẳng định không sử dụng số tiền đó.

Qua giải trình, ông Hoà thừa nhận lấy số tiền thế chấp, trích ra cho hai người cùng trú tại Bắc Ninh là bà Ngô Thị Phương D. vay 39,45 tỷ đồng và ông Nguyễn Văn D. vay 6,6 tỷ đồng.

Từ các thông tin đó, lãnh đạo phường Đồng Kỵ đã xác minh chính xác người vay tiền của ông Dương Văn Hoà. Qua trao đổi, bà Phương D. hứa sẽ thu xếp tiền, trả dần cả gốc lẫn lãi trong 12 tháng, còn ông D. sẽ trả dần gốc và lãi trong 2 năm.

“UBND phường đã báo cáo UBND TP Từ Sơn. Hiện nay tư tưởng của người dân đỡ bức xúc hơn. Phường cũng chưa nhận được đơn tố cáo của Ban Quản lý di tích gửi cơ quan cảnh sát điều tra…”, ông Quyết bày tỏ.

Nguồn quỹ “khủng” đến từ đâu?

Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ Nguyễn Tiến Quyết cũng cho biết, quỹ làng này có từ khi các cụ trong làng bán gỗ sưa, một loại gỗ quý giá cao, từ hàng chục năm trước. Cây gỗ khi chết được các bô lão trong làng thống nhất xẻ ra, bán thành nhiều đợt.

“Cây chết rồi các cụ mới khai thác và bán lấy tiền sung vào quỹ di tích làng. Làng Đồng Kỵ lập ban di tích theo hương ước, với đại diện của 30 dòng họ. Trong đó, có các họ Dương, Vũ, Nguyễn được chọn 6 người đại diện và 27 vị đại diện khác, cụ từ đình, cụ từ chùa… Tất cả là 48 thành viên, lập ra Ban Quản lý quỹ để tu bổ, tôn tạo khu di tích…”, ông Quyết nói.

Ngày trước, quỹ làng Đồng Kỵ có thời điểm còn nhiều hơn con số 57 tỷ đồng, tuy nhiên làng đã sử dụng để xã hội hoá xây dựng, trùng tu, tôn tạo khu di tích.

“Bà con bức xúc vì quỹ là của tập thể, nhưng các cá nhân có uy tín tự ý sử dụng sai mục đích. Có việc trục lợi hay không thì chúng tôi đang chờ cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ. Lực lượng chức năng cũng thường xuyên theo dõi tình hình, động viên tinh thần bà con. Đảng viên tại 7 chi bộ thuộc 7 khu phố trong phường tích cực tuyên truyền, vận động bà con yên tâm sản xuất kinh doanh”, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ nói.

 

Qua sự việc, lãnh đạo phường Đồng Kỵ nêu rõ, địa phương sẽ trao đổi cụ thể với các cụ trong làng để có giải pháp kiểm tra thu chi quỹ. Trước đó, phường có vận động các cụ gửi tiền vào kho bạc, song do không sinh lời nên các cụ trong làng thảo luận, thành lập Ban Quản lý di tích, kiểm soát quỹ.

Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, công tác quản lý quỹ của làng Đồng Kỵ vận hành theo hương ước. Theo đó, có các chức vụ như trưởng ban, thủ quỹ, có sự phân công rõ ràng nhiệm vụ. Những người được bầu là người có uy tín, cao tuổi trong các dòng họ. Thông thường, làng sẽ tổ chức cuộc họp dân hàng quý để công khai chi tiết thu chi, gửi các dòng họ để biết.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định ông Hoà và ông Mười lấy quỹ để thế chấp vay ngân hàng, khi cần báo cáo, các ông vẫn gửi giấy tờ như nộp lãi, đáo sổ.

Link gốc