Kinh tế quý I/2021: Nguồn vốn… chảy vào “cơn sốt” bất động sản

08/04/2021 11:38 congluan.vn

CPI bình quân quý I/2021 tăng thấp nhất 20 năm qua

Số liệu Tổng cục Thống kê công bố về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2021 cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020 - giai đoạn Covid-19 mới bắt đầu vào Việt Nam.

Sỡ dĩ GDP có được kết quả này là nhờ Việt Nam vẫn khơi thông được dòng vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến ngày 20/3/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,13 tỷ USD (tăng 18,5%;) vốn thực hiện đạt 4,1 tỷ USD (tăng 6,5%). Trong đó, vốn cấp mới tăng 30,6%, vốn điều chỉnh tăng 97,4% so với cùng kỳ năm trước. “Như vậy có thể thấy, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đang phục hồi tích cực và lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng dương”, đại diện Tổng cục Thống kê nhận định.

Nhìn nhận về “bức tranh” kinh tế quý I/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dòng tiền đang có xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản.

Nhìn nhận về “bức tranh” kinh tế quý I/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dòng tiền đang có xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, còn kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 75,31 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước cho thấy quý I/2021 nền kinh tế xuất siêu 2,03 tỷ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,75 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 8,78 tỷ USD.

“Công trạng” tiếp theo phải kể đến là giải ngân vốn đầu tư nguồn Ngân sách Nhà nước tiếp tục được thúc đẩy khi giải ngân tháng 3 tăng mạnh, cao hơn 2 tháng đầu năm. Tính đến ngày 31/3/2021, ước tính giải ngân kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách Nhà nước năm 2021 đạt 60,75 nghìn tỷ đồng, (bằng 13,17%) - tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020 (13,09%), trong đó vốn trong nước đạt 14,74% và vốn nước ngoài đạt 0,66%.

Song song cùng với những tín hiệu đáng mừng đó thì chỉ số CPI tăng thấp nhất trong 20 năm qua, xuất phát từ một phần do nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm theo quy luật hằng năm, cùng với đó, giá các loại thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2021 giảm 0,27% so với tháng trước nhưng lại tăng 1,31% so với tháng 12/2020. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3 tăng 1,16%, thấp nhất kể từ năm 2016. CPI bình quân quý I/2021 tăng 0,29%, mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua.

Lý giải nguyên nhân tăng CPI trong quý I/2021, bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, giá gạo và giá các mặt hàng thực phẩm quý I/2021 tăng 0,49% so với cùng kỳ năm trước khiến CPI tăng 0,1 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, giá gas quý 1/2021 tăng 7,58% so với cùng kỳ năm trước…

Ở chiều giảm xuất phát từ việc Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19, cùng với đó do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm so với cùng kỳ năm trước…”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thông tin.

Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, dịch bệnh không tác động tiêu cực đến CPI là nhờ chúng ta đã thực hiện tốt công tác bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, kể cả trong giai đoạn nghỉ Tết Nguyên đán và thực hiện giãn cách xã hội ở một số địa phương. Nhờ vậy khi làn sóng Covid-19 thứ 3 bùng phát, trên thị trường hầu hết vẫn bình ổn như không hề có dịch bệnh. Điều này có thể khẳng định, dù dịch bệnh có thể quay trở lại, nhưng không tác động tới CPI năm 2021.

Vì vậy, lạm phát năm nay phụ thuộc vào các yếu tố khác như giá xăng dầu, nguyên nhiên vật liệu đầu vào có xu hướng tăng do kinh tế thế giới phục hồi trở lại sau một năm suy thoái… ông Long nhận định.

Lãi suất thấp khiến dòng vốn chảy vào “cơn sốt” bất động sản

Nhìn nhận về “bức tranh” kinh tế quý I/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, bước sang quý II/2021, kinh tế – xã hội nước ta sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Tăng trưởng kinh tế dù có nhiều tín hiệu tích cực nhưng vẫn chưa đạt được tốc độ tăng cùng kỳ của các năm ở thời điểm trước dịch và các kịch bản đã đề ra. Bên cạnh đó, một số ngành, lĩnh vực tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh… trong đó đáng lưu ý là tình hình đăng ký doanh nghiệp vẫn cho thấy tác động dai dẳng của dịch bệnh. Theo đó, trong quý I/2021, có tới 40,3 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tính ra trung bình mỗi tháng có 13,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Đáng lưu ý, nguồn vốn tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hơn là để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh có thể “khởi phát” do lãi suất ở mức thấp. Cùng với đó, dòng tiền đang có xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản, một phần do công tác quản lý đất đai, quy hoạch và việc “thổi giá” đã tạo nên các cơn sốt đất, khiến giá bất động sản nhiều khu vực tăng mạnh trong những tháng đầu năm, bất chấp diễn biến của dịch bệnh.

Khi lãi suất thấp, chứng khoán, vàng, ngoại hối hay đồng tiền số cũng không dễ dàng đầu tư thì chỉ còn kênh bất động sản… là nơi người dân lựa chọn để “lướt sóng”.

Khi lãi suất thấp, chứng khoán, vàng, ngoại hối hay đồng tiền số cũng không dễ dàng đầu tư thì chỉ còn kênh bất động sản… là nơi người dân lựa chọn để “lướt sóng”.

Ngoài ra, thị trường trái phiếu phát triển nhanh nhưng chủ yếu là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng, sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế. Tổng mức huy động vốn vào thị trường chứng khoán tăng cao, tuy nhiên, giá trị phát hành cổ phiếu giảm, cho thấy nguồn vốn vào thị trường không thực sự để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh, ông Dũng nêu thực trạng.

Đánh giá về tình trạng sốt đất trong quý I/2021, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, có nhiều lý do dẫn đến sốt đất nhưng đơn giản nhất là hiện tại người dân không có quá nhiều kênh để chọn lựa đầu tư khi lãi suất ngân hàng xuống thấp. Chứng khoán quá rủi ro và đòi hỏi kiến thức. Còn vàng, ngoại hối hay các đồng tiền số cũng không dễ dàng đầu tư nên chỉ còn bất động sản là kênh chọn lựa truyền thống, an toàn. Đặc biệt với đất có sổ, đất vùng ven giá còn thấp, diện tích rộng càng thu hút người dân mua “để dành”. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thông tin chính xác về quy hoạch, biết rõ về thời gian, quy định pháp lý đất đai mới dẫn đến việc mua theo tin đồn, làm cho tình trạng sốt ảo nổi lên.

Bình luận về tình hình kinh tế quý I/2021, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, GDP quý I/2021 đạt 4,48% không cao, nhưng cũng không thấp. Khả năng các quý sau tăng trưởng sẽ cao hơn vì năm ngoái tăng trưởng suy giảm bắt đầu từ quý II. Mức tăng trưởng GDP 6,5% Việt Nam có thể đạt được. Tuy nhiên với điều kiện phải khống chế được dịch bệnh Covid-19.

Còn theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Việt Nam có thể đạt mức 6,5-7% vào năm 2021 do tăng trưởng GDP 2021 dựa trên mức nền tăng trưởng GDP năm 2020 thấp. Những thành tích trong giải ngân đầu tư công và vốn FDI khởi sắc ngay từ đầu năm là những “điểm cộng” hỗ trợ cho tăng trưởng GDP. Bên cạnh đó còn hàng loạt “điểm sáng” như hoạt động bán lẻ tiếp tục tăng trưởng khá; sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng; thặng dư thương mại tốt; lạm phát trong tầm kiểm soát…

Khánh Linh