Trong một siêu thị ở Tokyo (Nhật Bản). Ảnh: Kyodo.
Ngày 6/3, Hãng Reuters dẫn khảo sát của Caixin/S&P Global, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tại Nhật Bản trong tháng 2 là 48,9. Con số này không thay đổi so với tháng trước đó, qua đó cho thấy các nhà sản xuất tiếp tục gặp khó vì nhu cầu toàn cầu thấp. Trong khi đó, PMI tại Hàn Quốc là 48,5, đánh dấu tháng thứ 7 liên tiếp con số này dưới 50. Sự thu hẹp sản xuất cũng được ghi nhận ở Malaysia.
Theo ông Toru Nishiama - nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life (Nhật Bản), dù giai đoạn suy giảm tồi tệ nhất ở châu Á đã qua nhưng triển vọng lại bị che mờ bởi những vấn đề ở các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và châu Âu. "Với sự phục hồi từ đại dịch Covid-19 đang diễn ra, các nền kinh tế châu Á cần một động lực tăng trưởng mới nhưng đến nay vẫn chưa rõ ràng " - ông Nishiama nhận định.
Mới đây, Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Yusof Ishak -ISEAS) đã công bố "Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2023". ISEAS có trụ sở tại Singapore là một trong những trung tâm nghiên cứu hàng đầu về ASEAN hiện nay. Kết quả khảo sát cho thấy, lo ngại về tình hình kinh tế đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của người Đông Nam Á, khi có 59,5% số người được hỏi cho biết họ lo sợ thất nghiệp và suy thoái kinh tế.
Nỗi lo lớn thứ hai đối với người dân ASEAN là biến đổi khí hậu. 57,1% số người được hỏi cho rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan và thường xuyên hơn đang là thách thức lớn. Còn nỗi lo lớn thứ ba chính là khoảng cách giàu - nghèo và căng thẳng quân sự gia tăng, với khoảng 41,9% số người được hỏi đưa ra nhận định này.
Ông Choi Shing Kwok - Giám đốc điều hành Viện ISEAS nói: "Tôi hy vọng báo cáo khảo sát này có hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách và các chính phủ ASEAN. Dữ liệu khảo sát cho phép các nhà lãnh đạo ASEAN nhận thấy những luồng ý kiến đa dạng nhiều chiều mà họ cần để ý tới và từ đó hoạch định ra các giải pháp mang tầm khu vực".
bình luận (0)