Không để thất thu thuế thương mại điện tử

01/03/2023 12:00 daidoanket.vn

Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đang đặt ra nhiều thách thức trong việc quản lý thuế đối với hoạt động này. Một số cá nhân bán hàng online có gian hàng ở Shopee, Lazada… đã nhận được thông báo lên làm việc với cơ quan thuế.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Những con số tăng chóng mặt

Ước tính tỷ lệ người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến ở Việt Nam chiếm trên 90% và có tới 3,5 triệu lượt giao dịch trong 1 ngày trên các sàn thương mại điện tử, chưa kể các nền tảng mạng xã hội.

Chị Nguyễn Thu Trang(Hà Nội) có gian hàng bán các mặt hàng phụ tùng của hãng xe máy vespa trên sàn Shopee từ cuối 2022 đã nhận giấy mời từ cơ quan thuế với số tiền cần phải đóng là hơn 25 triệu đồng.

Theo chia sẻ của chị Trang, chị không quá bất ngờ với việc nhận được quyết định số tiền thuế phải đóng vì việc truy thu thuế bán hàng online từ các sàn Lazada, Shopee đã có thông tin từ giữa năm 2022.

Còn chị Trương Hồng Lan, có gian hàng bán quần áo trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh ở Shopee cũng cho rằng, khi cơ quan thuế đã quyết tâm thu thuế thì sẽ không bỏ sót ai. “Hoặc là không bán, mà nếu bán thì chấp hành nghiêm chỉnh quy định” – chị Hồng Lan nói.

Trên một số diễn đàn, nhiều cá nhân bán hàng online cũng khá bất ngờ vì giai đoạn đầu 2022 đã đóng tài khoản trên Shopee nhưng cơ quan thuế vẫn truy thu bắt đóng thuế thời điểm trước đó.

Anh Trần Anh Tuấn, chủ một shop thời trang trên Shopee lại đưa ra quan điểm, bán trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) lãi rất ít, chủ yếu chạy số lượng để bù vào. Đơn cử như trên Shopee, cùng một mặt hàng song có nhiều loại giá khác nhau, giai đoạn khó khăn nên các chủ hộ kinh doanh tìm cách giảm giá, chấp nhận lãi thấp.

“Nhiều mặt hàng tôi nhập về bị tồn, có mặt hàng còn lỗ. Nên giờ bị truy thu thuế từ năm 2018, tôi thấy không hợp lý. Nếu thu cào bằng, và tính tổng trên doanh thu thì dân bán hàng online như tôi phải đóng tài khoản sớm” – anh Tuấn nói.

Thông tin từ Tổng cục Thuế cho biết đến ngày 6/2, có 258 sàn TMĐT, gồm Shopee, Lazada, Sendo (chưa gồm Tiki) đã cung cấp thông tin của người bán trên cổng thông tin TMĐT của Tổng cục Thuế. Tổng cục Thuế cho biết đã nắm thông tin của hơn 53.000 cá nhân và 14.800 tổ chức bán hàng trên Shopee, Lazada, Sendo... để có cơ sở thu thuế. Hơn 14,5 triệu lượt giao dịch với tổng giá trị 4.500 tỷ đồng đã diễn ra thông qua các sàn nhưng theo Tổng cục Thuế, giao dịch thực tế vẫn cao hơn nhiều so với thống kê. Ngành Thuế sẽ tiếp tục phân tích, đánh giá rủi ro để có giải pháp quản lý thuế hiệu quả hơn.

Cơ quan Thuế vào cuộc

Tại các thành phố lớn, tốc độ phát triển của hình thức kinh doanh này rất mạnh mẽ đòi hỏi cơ quan Thuế nhập cuộc để đảm bảo chống thất thu cho ngân sách và tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch.

Tại Cục Thuế TPHCM, hằng năm, đơn vị này bổ sung kế hoạch thanh tra, kiểm tra ít nhất 50% các doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT đóng trên địa bàn mình phụ trách, giao các phòng thanh tra, kiểm tra quản lý các doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT. Đối với các doanh nghiệp giao nhận, cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hóa đến tay người mua có nhận ủy quyền thu hộ tiền bán hàng, Cục Thuế có văn bản đề nghị các doanh nghiệp này cung cấp thông tin cho cơ quan thuế về: số lượng hàng hóa vận chuyển, số tiền thu hộ. Định kỳ cung cấp 6 tháng 1 lần, chậm nhất là ngày thứ 30 của tháng tiếp theo.

Đối với các doanh nghiệp hoạt động trung gian thanh toán, Cục Thuế yêu cầu định kỳ 6 tháng 1 lần, chậm nhất là ngày 30 của tháng tiếp theo cung cấp dữ liệu số tiền chuyển từ người mua đến các cơ sở kinh doanh có bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ qua các đơn vị trung gian thanh toán (theo từng cơ sở kinh doanh nhận tiền),…

Còn Cục Thuế Hà Nội cho biết năm 2023 sẽ chủ động nắm bắt, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế. Cơ quan này sẽ tăng cường thực hiện công tác kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế; rà soát những doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao, có dư địa khai thác tăng thu lớn theo chuyên đề như: TMĐT, giao dịch liên kết, chuyển nhượng bất động sản,...

Đáng chú ý, Cục Thuế Hà Nội không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2023 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để tăng cường thu thuế TMĐT, Tổng cục Thuế đã xây dựng Cổng thông tin TMĐT (https://thuongmaidientu.gdt.gov.vn) để tiếp nhận thông tin từ các sàn TMĐT bằng phương thức điện tử và chính thức đưa vào hoạt động từ ngày 15/12/2022.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân cho biết thời gian tới, Tổng cục Thuế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ các tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc cung cấp thông tin quý I/2023 và các quý tiếp sau theo quy định, đảm bảo kịp thời, đầy đủ, không phát sinh vướng mắc. Tiếp tục chú trọng tuyên truyền để hỗ trợ người nộp thuế là các sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc khai thay, nộp thay cá nhân kinh doanh thông qua sàn theo ủy quyền pháp luật dân sự.

Đồng thời, trên cơ sở thông tin về các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT do sàn cung cấp trên Cổng thông tin TMĐT, cơ quan Thuế sẽ khai thác thông tin về hoạt động kinh doanh thông qua sàn của các tổ chức, cá nhân và thực hiện rà soát đưa vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp thực tế, điều chỉnh doanh thu hoặc xử lý truy thu.

Số liệu từ Tổng cục Thuế cho biết 1.151 tỷ đồng là số tiền thu mà cơ quan quản lý thuế đã thu được của các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động kinh doanh TMĐT, cung cấp dịch vụ số từ năm 2018 đến nay. Con số này tăng dần qua các năm. Nếu năm 2021 thu thuế mới đạt 261 tỷ đồng, thì năm 2022 con số này đã tăng lên hơn 600 tỷ đồng. Cùng với đó là hơn 3.444 tỷ đồng của 42 nhà cung cấp nước ngoài khai và nộp qua Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài từ 21/3/2022 đến nay.