Hà Nội thực hiện các giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế

22/02/2022 06:30 Bảo Linh

Chú trọng 3 nội dung lớn

Triển khai Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", Thành phố Hà Nội xác định 3 chú trọng thực hiện.

Đó là rà soát và nâng cao hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh hơn nữa việc thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục, huy động sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp và người dân vào xây dựng chính quyền; kết nối, chia sẻ, mở dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã yêu cầu Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ của năm 2022.

Trong đó, phải khẩn trương phân khai chi tiết dự toán chi, đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công ngay từ đầu năm 2022; ưu tiên xử lý sớm thủ tục hoàn ứng trước kế hoạch, chi trả đền bù giải phóng mặt bằng.

Sớm giao kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các dự án khởi công mới đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư để làm cơ sở đẩy nhanh tiến độ lập báo cáo nghiên cứu khả thi, quyết định đầu tư các dự án.

Người đứng đầu các cấp, các ngành phải chịu trách nhiệm về tiến độ giải ngân đầu tư công.

Tạo thuận lợi phục hồi sản xuất kinh doanh

Ngay từ những ngày đầu Xuân mới, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề trên toàn Hà Nội đã ra quân lao động, sản xuất với khí thế sôi nổi, tập trung thực hiện các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế năm 2022.

Thành phố đã yêu cầu phải rà soát, đẩy mạnh các công trình, dự án trọng điểm, các công trình đang thi công, đốc thúc các nhà đầu tư triển khai các dự án đã được tháo gỡ vướng mắc…

Trong các cuộc động viên doanh nghiệp, cơ sở xản xuất đầu Xuân, lãnh đạo Thành phố luôn nhấn mạnh về mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 đề ra của Hà Nội là từ 7%-7,5%.

Vì vậy, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần chủ động sản xuất trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch bệnh, tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động, tiếp tục thực hiện các công việc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, quý đầu của năm 2022.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2022, Thành phố đã đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng và thực hiện quyết liệt giải phóng mặt bằng, tập trung giải quyết vướng mắc về thủ tục đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm.

Phát huy hiệu quả Tổ công tác của Thành phố trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do COVID-19.

Triển khai hiệu quả gói tín dụng 900 tỷ đồng ngân sách Thành phố bổ sung ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố Hà Nội cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người lao động vay để phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm.

Ngoài ra, Thành phố tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, khuyến công, khuyến nông, sản xuất chế biển tiêu thụ nông sản; thực hiện miễn tiền phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ.

Rà soát các dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm triển khai, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, các biên bản ghi nhớ đã ký tại các hội nghị xúc tiến đầu tư để đôn đốc, hỗ trợ và xử lý theo quy định pháp luật; kiên quyết thu hồi quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án không triển khai, chậm triển khai.

Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 6/12/2021 của Chính phủ.

Tập trung vào số hóa hồ sơ, giấy tờ, tài liệu, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh. Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Bênh cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là sản xuất, kinh doanh và phòng, chống dịch bệnh; khai thác tối đa dư địa phát triển ngành thông tin và truyền thông.

Hoàn thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; phát triển mạnh mẽ các dịch vụ tư vấn trực tuyến (hỗ trợ pháp lý, tư vấn khám chữa bệnh...); dạy học trực tuyến; thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt đặc biệt là thanh toán trực tuyến...

Các đơn vị liên quan sẽ cùng phối hợp xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của Thành phố phục vụ chuyển đổi số; tham mưu Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung (Văn phòng điện tử) của Thành phố, thống nhất bảo đảm kết nối, liên thông trao đổi văn bản điện tử phục vụ hoạt động của các cấp chính quyền Thành phố và kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia.