Hạ nhiệt giá vàng bằng cách nào?

21/04/2024 06:10 daidoanket.vn

Từ đầu năm đến nay, vàng đã trở thành kênh đầu tư mang lại lợi nhuận rất cao. Phá mọi kỷ lục đã thiết lập trước đây, vàng miếng SJC có thời điểm chạm sát mốc 85 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn SJC đạt ngưỡng 79 triệu đồng/lượng. Tình trạng khan hàng, thậm chí “cháy hàng”, bán ra với số lượng hạn chế… lại tái diễn.

Đầu tuần tới sẽ đấu thầu vàng miếng

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý 1 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) diễn ra vào sáng ngày 19/4, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng quốc tế biến động theo xu hướng tăng là chủ đạo, giá vàng quốc tế sáng nay đã vượt 2.400 USD/ounce.

Giá vàng tăng do nhiều nguyên nhân như: nhu cầu về vàng của các nhà đầu tư tăng; ngân hàng trung ương một số nước tăng mua vàng; tâm lý lo ngại tình hình xung đột Nga - Ukraine, căng thẳng tại Trung Đông…

Trong nước, giá vàng miếng SJC bình quân biến động tăng theo giá vàng quốc tế. Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN khẳng định, NHNN đang triển khai các biện pháp hỗ trợ thị trường vàng, trước mặt là bán vàng miếng để tăng cung cho thị trường thông qua hình thức đấu thầu.

Đồng thời, NHNN hiện đã và đang sửa Nghị định 24 để trong thời gian tới quản lý thị trường vàng phù hợp với sự phát triển chung của thị trường.

Rõ hơn về việc tăng cung vàng thông qua đấu thầu vàng miếng, ông Đào Xuân Tuấn - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho hay, NHNN đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác đấu thầu vàng miếng SJC nhằm tăng cung cho thị trường theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Trong chiều ngày 19/4, NHNN sẽ thông báo chủ trương đấu thầu đến 15 tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp là các đơn vị đủ điều kiện để tham gia đấu thầu vàng với NHNN. Công tác đấu thầu sẽ tiến hành ngay trong ngày thứ Hai tuần tới” - ông Tuấn cho biết.

Ngoài ra, về chính sách đối với thị trường vàng trong nước thời gian tới, đại diện NHNN cũng cho biết cơ quan này đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tổng kết Nghị định 24, đã lấy ý kiến các bộ, ngành. NHNN đã trình Chính phủ chủ trương là nên sửa đổi Nghị định 24.

Theo đó, đã đánh giá là Nghị định 24 có những tác động tích cực trong thời gian qua và đã đến lúc sửa Nghị định này cho phù hợp với các điều kiện hiện nay, đặc biệt tập trung vào vấn đề Nhà nước xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, có thêm nhiều thương hiệu vàng miếng khác.

Có nên nhập khẩu vàng?

Dữ liệu cập nhật thời điểm sáng ngày 19/4, tại Hà Nội, giá vàng SJC tại Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở mức 82,15-83,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng nhẫn tròn trơn niêm yết ở mức 75,63 - 77,33 triệu đồng/lượng. Tại DOJI, giá vàng SJC niêm yết ở mức 82 - 84 triệu đồng/lượng.

Theo giới chuyên gia, hoạt động đấu thầu vàng trở lại sau 11 năm vắng bóng có thể làm hạ nhiệt phần nào sự khan hiếm nguồn cung. Mục tiêu đấu thầu vàng miếng là nhằm can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng vàng miếng trong nước và vàng thế giới chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường này hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng cơn sốt vàng muốn chữa được bệnh, cần cho nhập khẩu vàng.

Theo TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thực tế, đâu đó vẫn phải nhập khẩu một lượng vàng nhất định, vì cơ bản Việt Nam không có nhiều nguồn vàng ở trong nước. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần phải tính toán nhập về bao nhiêu vàng? ở thời điểm nào? để vừa đảm bảo quan hệ cung - cầu, vừa để kiểm soát dự trữ ngoại hối, đồng thời vẫn góp phần ổn định tỷ giá cũng như kinh tế vĩ mô. Quay lại câu chuyện của thời điểm năm 2013, thị trường vàng là vấn đề rất nóng trong kinh tế Việt Nam. Thời điểm đó, chúng ta giao dịch bằng vàng, cho vay, mượn bằng vàng, có nghĩa là các ngân hàng có thể cho vay vàng. Chính vì thế, thị trường vàng ở mức vàng hóa rất cao, gây nhiều biến động rất lớn.

Giới chuyên gia phân tích, phải thương mại hóa nguồn cung vàng, lâu nay chúng ta không nhập khẩu vàng miếng, trong khi nhu cầu trong nước vẫn cao. Mỗi một năm Việt Nam sản xuất khoảng 600kg vàng, trong khi nhu cầu có thể lên đến… 50 tấn (theo thông báo của Hội đồng Vàng thế giới). Do đó, để bù đắp nhu cầu này đã dẫn tới việc nhập lậu vàng hoặc tăng giá vàng trong nước là chuyện đương nhiên. Muốn chữa được bệnh nhập lậu và tăng giá cần tính đến việc nhập khẩu vàng.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, các cơ quan quản lý nên cho phép một số công ty kinh doanh vàng bạc đủ điều kiện, tự xuất nhập khẩu và kinh doanh vàng miếng và vàng trang sức. Còn cơ quan quản lý chỉ sử dụng công cụ mạnh nhất hiện nay là thuế để quản lý. Hải quan của Việt Nam bây giờ đã là Hải quan điện tử và đã có thể quản lý rất chặt chẽ, rất tốt việc xuất nhập khẩu vàng. Còn đối với vấn đề tiêu thụ trong nước thì chúng ta sử dụng hóa đơn điện tử để minh bạch việc kinh doanh vàng. Mặt khác, việc tổ chức đấu thầu vàng có thể tạo tác động tâm lý trong ngắn hạn, tuy nhiên, căn cơ nhất, dài hạn nhất và phù hợp thông lệ quốc tế là phải cho xuất nhập khẩu vàng tự do, sản xuất kinh doanh vàng tự do và đánh thuế.

Trước ý kiến lo ngại, nếu cho xuất nhập khẩu vàng bình thường thì lấy đâu ra ngoại tệ, kéo theo tỷ giá ngoại tệ tăng theo và ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu? Ông Nghĩa cho rằng dù là buôn lậu thì cũng phải lấy ngoại tệ từ Việt Nam. Bên cạnh đó, lượng ngoại tệ sử dụng để nhập khẩu vàng sẽ không nhiều. “Tôi tính toán khoảng 3 tỷ USD, so hàng chục tỷ USD nhập khẩu các mặt hàng khác không là gì cả. Thế nên chúng ta cứ để cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu bình thường”.

Khi nói về vấn đề nhập khẩu vàng, liệu NHNN nên tăng cung bằng nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp hay không, nhất là với vàng trang sức sản xuất và xuất khẩu? Ông Tuấn khẳng định trong Nghị định 24 hiện nay đã có quy định này, tức là những doanh nghiệp nào có hợp đồng gia công sản xuất với nước ngoài thì việc nhập khẩu vàng nguyên liệu vẫn đang thực hiện tại các chi nhánh NHNN, không có khó khăn vướng mắc gì.

 

Link gốc