Giá xăng dầu làm 'nóng' Nghị trường Quốc hội

02/06/2022 06:00 toquoc.vn

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 1/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Dự án giãn tiến độ, ngừng thi công vì giá xăng dầu tăng

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) bày tỏ đồng tình và đánh giá cao kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.

Theo đại biểu Trần Văn Tiến, nhờ các chính sách tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế, xã hội có dấu hiệu phục hồi phát triển, tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, như số chỉ tiêu kinh tế xã hội không đạt yêu cầu.

Để tháo gỡ khó khăn, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp tập trung thời gian tới, đảm bảo đạt mục tiêu về tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước.

Đại biểu cho rằng cần có biện pháp cụ thể điều chỉnh giá vật tư, vật liệu… để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, bởi giá xăng dầu tăng cao kéo theo giá vật tư, vật liệu tăng đột biến dẫn đến tình trạng nhiều dự án, công trình sẽ bị giãn tiến độ hoặc ngừng thi công. Đại biểu cũng cho rằng cần có giải pháp kiềm chế tăng giá xăng, dầu ở mức thấp nhất có thể nhằm hạn chế tác động xấu đến phát triển kinh tế và đời sống của người dân.

"Ngoài ra Chính phủ tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội; chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên thị trường bất động sản vào thị trường chứng khoán" - vị đại biểu đoàn Vĩnh Phúc nêu quan điểm.

Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) đánh giá cao sự phục hồi của nền kinh tế nước ta năm 2021 trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh vô cùng phức tạp, nhiều nơi có nguy cơ chìm trong thảm họa dịch, hàng loạt các doanh nghiệp đóng cửa, đứng bên bờ vực phá sản, người lao động từ các trung tâm kinh tế lũ lượt kéo nhau về quê.

Trong thời gian tới, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị Chính phủ tiếp tục đề xuất Quốc hội có chính sách bình ổn giá xăng dầu. Theo đại biểu, trong bối cảnh giá dầu thế giới đang tăng cao, việc tăng sản lượng khai thác và lọc hóa dầu trong nước không chỉ tăng hiệu quả gấp 2-3 lần so với thời điểm khai thác giá dầu thấp, mà còn tạo nguồn cung trong nước ổn định, là cơ sở để bình ổn giá xăng dầu trong nước, không quá nhạy cảm với biến động của xăng dầu thế giới khi phải nhập khẩu.

Đồng thời, với nguồn thu tăng lên từ xăng dầu, đề nghị Chính phủ đề xuất Quốc hội có biện pháp tiếp tục bình ổn giá xăng dầu, tránh tác động từ tăng giá xăng dầu sang các loại hàng hóa khác.

Kiềm chế giá xăng dầu là yếu tố quan trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Cùng nêu quan điểm về vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, Quốc hội và Chính phủ nên tiếp tục xem xét việc giảm thuế đối với xăng dầu, nhằm kiểm soát giá mặt hàng này không vượt ngưỡng cao để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân.

Bên cạnh đó, nghiên cứu tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt, kiềm chế giá xăng dầu là yếu tố quan trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô nên cần khẩn trương thực hiện linh hoạt, hiệu quả bởi giá xăng dầu tăng ở mức cao sẽ gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế, làm giảm hiệu quả của chính sách tài khóa và tiền tệ.

Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên bị chi phối nhiều bởi các yếu tố bên ngoài khi giá cả thế giới tăng thì chúng ta cũng bị ảnh hưởng ngay. Hiện giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, đẩy giá hàng hóa khác tăng theo.

Đến nay, việc tăng giá không chỉ dừng ở mặt hàng xăng dầu, khí đốt mà đã lan sang các mặt hàng vật tư, phân bón, lương thực, thực phẩm, tác động thành chuỗi dây chuyền khiến các chi phí dịch vụ tăng lên làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bình quân 4 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước đã tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 2,1%, riêng tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gần gấp 2 lần cùng kỳ các năm 2018 đến năm 2021, tạo sức ép lạm phát vào những tháng cuối năm.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Chính phủ cân nhắc, đánh giá sát tình hình, đưa ra các chính sách kiểm soát chặt và ổn định giá xăng dầu, điều hành linh hoạt, chặt chẽ, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ, đẩy mạnh thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tạo thuận lợi để kiềm chế lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cần công khai, minh bạch việc quản lý, điều tiết giá cả như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, y tế, sách giáo khoa để cử tri, nhân dân được biết và chia sẻ.