Giá vé máy bay nội địa đắt đỏ vì sao?<br>

26/04/2024 00:34 daidoanket.vn

Theo các hãng bay, nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng cao do chi phí đầu vào được tính bằng USD như xăng, thuê máy bay, thuê phi công... Mặt khác, do thiếu tàu bay, khiến tải cung ứng của các hãng hàng không Việt Nam giảm mạnh.

Giá vé máy bay neo cao nhiều người lựa chọn đi xe khách

Theo khảo sát giá vé ngày 25/4 trên website của các hãng, nhiều chặng bay nội địa đến điểm du lịch Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Huế dịp 30/4 và 1/5 đã gần kín chỗ.

Đơn cử, chặng TP HCM - Nha Trang, Đà Nẵng có giá 4,5 - 6 triệu đồng/chặng khứ hồi. Trong khi ngày thường bay chặng này chỉ tốn khoảng 2,3 triệu đồng.

Chặng Hà Nội - Phú Quốc, giá vé máy bay khứ hồi đi ngày 27/4 đến 3/5 có giá 9-10 triệu đồng, trong khi ngày thường dao động 2,9 - 4 triệu đồng.

Do giá vé máy bay trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 khá cao nên nhiều gia đình đã quyết định lựa chọn phương án sử dụng xe khách đi du lịch.

Giám đốc Bến xe Giáp Bát Nguyễn Hoàng Tùng cho biết, dịp nghỉ lễ 30/4- 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày liên tục lại trùng dịp khai trương mùa du lịch trong năm nên nhu cầu đi lại của người dân trong đợt này sẽ tăng cao.

"Năm nay, giá vé máy bay tăng nên lượng lớn người dân sẽ chuyển sang xe khách cho dịp nghỉ lễ sắp tới. Lưu lượng hành khách đi lại trong đợt này sẽ tăng mạnh tại một số tuyến từ Hà Nội đi Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa…

Dự kiến lượng hành khách sẽ tăng cao từ chiều tối 26/4 đến hết ngày 28/4 (tăng 300% so với ngày thường - tương ứng khoảng 1,2-1,5 vạn). Các nhà xe đã lên kế hoạch tăng cường 25% lượt xe/ngày so với ngày thường (250-300 lượt xe/ngày) nâng tổng số xe trong ngày cao điểm lên 950-1.000 lượt”, ông Tùng cho hay.

Tương tự, ông Vương Duy Dũng, Phó giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho hay: “Lượng khách tăng chủ yếu tại một số tuyến từ Hà Nội đi Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Phú Thọ, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh… Đây đều là những tuyến có cự ly dài, thời gian di chuyển trên xe lâu nên khách hàng sẽ tập trung đông vào thời điểm chiều và đêm ngày 26, 27/4”.

Anh Vũ Trung Tính trú tại Thanh Xuân, Hà Nội cho hay, dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 dự định đi du lịch tại Nha Trang, vì vậy, ngay từ đầu tháng 4 anh đã lên các website của các hãng hàng không để mua vé.

"Gia đình tôi có 6 người, vì vậy, nếu mức giá máy bay khứ hồi khoảng 8 triệu đồng thì phải chi tận 48 triệu đồng. Vì vậy, tôi và gia đình lựa chọn sử dụng xe ô tô di chuyển đi du lịch tại Ninh Bình. Việc tự lái xe đến địa điểm du lịch không quá xa Hà Nội sẽ hợp lý hơn cả, chi phí không quá đắt mà cả nhà vẫn được đi chơi vui vẻ. Ninh Bình cũng có nhiều cảnh đẹp, non nước hữu tình, rất thích hợp để cả nhà nghỉ ngơi, tránh xa khói bụi thành phố", anh Tính cho hay.

Giá vé máy bay chưa vượt mức trần?

Theo các hãng bay, nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng cao do chi phí đầu vào được tính bằng USD như xăng, thuê máy bay, thuê phi công...

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, cứ 1% biến động tỷ giá, hãng này mất đi 300 tỷ đồng. Trong năm 2023, chỉ riêng biến động tỷ giá, hãng này đã lỗ tới 903 tỷ đồng. Ngoài ra, giá nhiên liệu tăng cũng ảnh hưởng chi phí đầu vào của các hãng bay.

Ông Hoà lấy ví dụ, vào thời điểm trước dịch, giá dầu 98 - 115 USD/thùng nhưng nay dao động 120 - 130 USD/thùng. Chi phí đầu vào tăng mạnh buộc hãng bay điều chỉnh giá vé nhưng vẫn nằm trong khung giá trần Nhà nước quy định.

Đặc biệt, số lượng máy bay giảm cũng ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Đến nay đã có 22 máy bay được tháo động cơ theo diện triệu hồi của nhà sản xuất để sửa chữa.

Ngoại trừ Vietnam Airlines và Vietjet, số lượng máy bay của ba hãng là Bamboo Airways, Vietravel Airlines và Pacific Airlines giảm từ 30 chiếc xuống còn 6 chiếc, trong đó Pacific Airlines không còn máy bay.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết việc thiếu máy bay diễn ra trên toàn cầu nên việc thuê tàu bay vừa khó, vừa cao giá.

Cụ thể, trước Tết 2024, giá thuê máy bay Airbus A321 là 2.300 USD/giờ, đến nay mức giá đã chạm ngưỡng 4.000 USD/giờ. Dù vậy, các hãng cho biết rất khó thuê máy bay.

Mặt khác, theo khung giá mới nhất, có hiệu lực từ ngày 1/3/2024, giá vé nội địa hạng phổ thông cơ bản được chia theo 5 nhóm đường bay, trong đó mức vé thấp nhất được áp dụng cho nhóm đường bay ngắn nhất (dưới 500km) có mức giá tối đa là 1.600.000 đồng/vé một chiều; mức vé cao nhất được áp dụng cho đường bay dài nhất (từ 1.280km trở lên) có mức giá tối đa là 4.000.000 đồng/vé một chiều.

Các mức giá này chưa bao gồm thuế VAT và các khoản thu hộ cho cảng hàng không.

Theo một số chuyên gia, nếu xem xét giá vé hạng phổ thông cơ bản, sẽ thấy giá vé hiện nay chưa vượt giá trần quy định. Hiểu nôm na, vé phổ thông cơ bản ở chặng bay dài nhất, nếu bán giá cao nhất cũng không vượt 4.000.000 đồng/vé/một chiều (chưa tính VAT và các khoản thu hộ cho cảng hàng không). Điều này hoàn toàn kiểm tra được tại website của các hãng hàng không.

Cụ thể, chọn ngày bay 26/4 (ngày sát kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5) đối với chặng bay trên 1.280km Hà Nội – Phú Quốc, giá vé phổ thông cơ bản cao nhất (chưa bao gồm VAT và các khoản thu hộ) của Vietjet là 2.290.000 đồng/vé/một chiều; của Vietnam Airlines là 3.049.000 đồng/vé/một chiều. Thời điểm kiểm tra vé là sáng ngày 24/4.

Link gốc