Được ví là 'công chúa ngủ trong rừng', giới phân tích kỳ vọng gì về cổ phiếu Sacombank?

11/03/2022 07:13 toquoc.vn

Tại số 11 chương trình "Bí mật đồng tiền" với chủ đề "Hoa hậu làng bank" trên các nền tảng của VTV và VTV24 ngày 9/3, các chuyên gia đã đưa ra một đánh giá khá thú vị về cổ phiếu STB của Sacombank khi ví mã này như "công chúa ngủ trong rừng".

Theo bà Nguyễn Hằng Nga - Phó Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Vietcombank, Sacombank là một 'cô gái xinh đẹp' nhưng sở hữu một số vấn đề trong quá khứ; và khi hiện tại đã xử lý gần xong những 'vết sẹo', cổ phiếu này bắt đầu thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư.

Bà Nga cho biết, theo kế hoạch, Sacombank sẽ hoàn thành việc xử lý nợ xấu trong năm 2023 nhưng giới đầu tư kỳ vọng quá trình này có thể hoàn thành vào năm nay.

Nhìn lại hoạt động kinh doanh của Sacombank. Năm 2017, ngân hàng này thực hiện sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam, một mặt đưa Sacombank trở thành ngân hàng lớn thứ 5 trong hệ thống, nhưng mặt khác chất lượng tài sản xuống dốc không phanh.

Thời điểm năm 2018, tổng dư nợ xấu và tài sản tồn đọng lên gần 96.579 tỷ đồng. Hầu hết các khoản này đến từ Ngân hàng Phương Nam, có tính chất phức tạp cao và mang tính hệ thống.

Sau gần 5 năm qua, kể từ khi ông Dương Công Minh chính thức ngồi ghế "nóng" Chủ tịch Hội đồng quản trị, ngân hàng này đã xử lý được lượng lớn nợ xấu tồn đọng sau sáp nhập Southern Bank.

Kết quả luỹ kế từ năm 2017 đến nay, Sacombank đã xử lý/thu hồi gần 71.500 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng; trong đó có 58.171 tỷ đồng thuộc Đề án. Tỷ lệ tài sản tồn đọng giảm xuống dưới mức 10,5% trên tổng dư nợ cho vay.

Sacombank kéo giảm tỷ lệ nợ xấu đầu năm 2017 từ 6,68% tổng nợ theo Thông tư 02/2012/TT-NHNN xuống còn 1,35%.

Nợ xấu nội bảng năm 2017 hơn 9.400 tỷ thì đến năm 2021 đã giảm gần một nửa xuống còn hơn 5.000 tỷ đồng.

Chương trình "Bí mật đồng tiền" với chủ đề "Hoa hậu làng bank" ngày 9/3

Bên cạnh những chuyển biến tích cực trong việc xử lý nợ xấu, một yếu tố khác giúp STB thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư là kế hoạch chào bán 32,5% cổ phần.

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên Sacombank năm 2021, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch VAMC cho biết, đang trình Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và dự kiến đầu năm nay sẽ có trả lời chính thức về hướng xử lý khoản nợ xấu liên quan đến ông Trầm Bê được đảm bảo bởi 32,5% cổ phần Sacombank.

'Sau khi xử lý, ông chủ thực sự của số cổ phần trên sẽ xuất hiện, sẽ chăm lo cho Sacombank tương tự như ông Minh đang chăm lo cho Sacombank hiện nay. Số cổ phiếu của ông Trầm Bê được xử lý sẽ tốt cho Sacombank hơn so với hiện tại. Người ta sẽ đưa tiền tươi thóc thật vào và chăm lo cho Sacombank', đại diện VAMC nói.

Về phía Sacombank, Chủ tịch Dương Công Minh cũng thông tin rằng ngân hàng đang xin cơ chế mua lại khoản nợ xấu tại VAMC rồi bán đấu giá lượng cổ phần nêu trên cho hai đối tác nước ngoài.

Giá đấu sẽ rơi vào khoảng 33.000 - 34.000 đồng/cp để thu đủ vốn, lãi, lãi phạt. Số cổ phiếu chiếm 32% vốn tại VAMC phải giải quyết trong năm 2022.

Ông Dương Công Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank trả lời chất vấn của cổ đông tại Đại hội cổ đông thường niên 2021. Ảnh: Tuổi trẻ

Chứng khoán MB đánh giá, việc xử lý được khối tài sản này sẽ có tác động tích cực lên giá cổ phiếu của ngân hàng trên thị trường.

Ngoài ra, việc tất toán toàn bộ khoản trái phiếu này cũng giúp Sacombank giảm được các áp lực trích lập dự phòng đồng thời sẽ có nhiều cơ sở để nhận được hạn mức tín dụng cao hơn trong tương lai.

Trong khi đó, Chứng khoán Bản Việt cho rằng với kế hoạch trên, Sacombank là ứng cử viên rõ ràng nhất cho cam kết nới room ngoại lên 49% theo vì số cổ phần chào bán này vượt quá mức tối đa 30% hiện đang áp dụng cho các ngân hàng.

Đánh giá về triển vọng kinh doanh Sacombank, SSI Research dự báo tiến độ xử lý tài sản có vấn đề kỳ vọng sẽ tiến triển trong năm 2022.

Theo ước tính của nhóm phân tích, Sacombank có 30,6 nghìn tỷ đồng tài sản có vấn đề tại thời điểm 30/6/2021.

Những tài sản này có tài sản đảm bảo là hơn 600 triệu cổ phiếu STB cầm cố ở VAMC (giá thị trường 18,4 nghìn tỷ đồng), KCN Phong Phú (giá đấu giá trước đây là 7,6 nghìn tỷ đồng) và các bất động có giá trị nhỏ hơn khác.

Theo SSI Research, việc bán cổ phiếu Sacombank cầm cố tại VAMC, nếu thành công, sẽ giúp Sacombank xử lý được một lượng đáng kể tài sản có vấn đề và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.

Gần đây, ngân hàng cũng đã ký kết nâng tầm hợp đồng với Dai-ichi Life và bán KCN Sóng Thần. Số tiền thu được từ những thương vụ này cũng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình xử lý tài sản có vấn đề của ngân hàng.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, mỗi năm Sacombank trích dự phòng và thoái thu lãi khoảng 4.800 - 5.800 tỷ đồng, do đó, lãi trước thuế của ngân hàng được kỳ vọng sẽ cải thiện mạnh từ 2023 khi không còn những gánh nặng về chi phí như vậy