Doanh nghiệp mong lãi suất hạ sâu hơn

07/07/2023 05:00 daidoanket.vn

Dù Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm lãi suất điều hành, tuy nhiên cộng đồng doanh nghiệp (DN) vẫn than thở về tình trạng lãi suất cho vay còn cao. Nhiều DN mong đợi lãi suất cho vay tiếp tục hạ nhiệt.

Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất nhưng vẫn e dè trong việc vay vốn vì lãi suất cao. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất nhưng vẫn e dè trong việc vay vốn vì lãi suất cao. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Đinh Công Khương – Chủ nhiệm Câu lạc bộ DN thép tại TPHCM chia sẻ, ngành thép có nhu cầu vay vốn rất lớn nên chỉ cần giảm lãi suất 0,5% cũng giảm áp lực tài chính cho DN. Thế nhưng thời gian qua ngân hàng thương mại chỉ giảm lãi suất 2 lần, trong khi Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã giảm lãi suất điều hành đến 4 lần. Thiết nghĩ, NHNN phải yêu cầu các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất tạo điều kiện thuận lợi cho DN vay vốn. Liên quan đến lãi suất ngần hàng, đại diện Công ty TNHH Thương mại dịch vụ hàng hóa Belief cho biết, đơn vị có tiếp cận hình thức vay thấu chi nhưng lãi suất gần 20%. Mức lãi suất này quá cao, DN không đủ điều kiện trả lãi suất. Quan tâm đến chương trình hỗ trợ 2% lãi suất nhưng khi DN hỏi ngân hàng thương mại thì nhân viên trả lời không biết gói vay này.

Quan ngại lãi suất cho vay ở mức cao, ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư lý Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, DN thủy sản chủ yếu vay USD để giao dịch với khách hàng nước ngoài. Từ quý III năm nay, nhiều ngân hàng áp lãi suất cho vay USD từ 2,1 – 2,8% lên mức hơn 3%, thậm chí 4,5 – 5%. Mức này quá cao trong khi sản xuất kinh doanh ngày càng thu hẹp do cạnh tranh khốc liệt cùng với sức mua sụt giảm.

Theo Cục Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn chung DN vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về vốn. Số vốn đăng ký của DN thành lập mới tiếp tục có xu hướng giảm.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM thông tin, sau 4 đợt cắt giảm lãi suất điều hành của ngân hàng nhà nước đến nay, mặt bằng lãi suất trên thị trường huy động vốn giảm mạnh. Đây cũng chính là điều kiện tốt để các ngân hàng thương mại tiếp tục hạ nhiệt lãi suất cho vay. Riêng lãi suất cho vay giảm mạnh đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực, gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn, công nghiệp hỗ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao về mức 4%/năm. Việc này tác động trực tiếp đến lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng theo xu hướng tiếp tục giảm. Tổng dư nợ cho vay đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực này khoảng 200.000 tỷ đồng, doanh số cho vay hàng năm khoảng 500 – 600 nghìn tỷ đồng. Theo ông Lệnh, ngoài giảm lãi suất, tại TPHCM các ngân hàng thương mại triển khai nhiều chương trình hỗ trợ vốn cho DN như: chương trình kết nối ngân hàng – DN, chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ,...

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho thấy, 5 tháng đầu năm tín dụng trên địa bàn thành phố ước tăng khoảng 2,43% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên cơ cấu tín dụng theo thời hạn nợ, loại tiền và khối ngân hàng cũng như nhóm ngành lĩnh vực cho thấy, tín dụng 5 tháng đầu năm vẫn tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các nhóm ngành là động lực tăng trưởng kinh tế. Về dư nợ cho vay, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, 6 tháng đầu năm dư nợ ước đạt 3.339.000 tỷ đồng, tăng 3,50% so với cuối năm 2022 và tăng 7,09% so với cùng kỳ năm trước.

Đồng hành, chia sẻ khó khăn với DN, song lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM cũng khuyến cáo, ngoài nỗ lực cho vay vốn từ phía ngân hàng, DN cần đảm bảo đáp ứng được điều kiện tín dụng, nguyên tắc tín dụng và sử dụng vốn vay hiệu quả, trách nhiệm.

Không chỉ khó khăn tiếp cận vốn vì lãi suất cao, DN còn bị ép mua bảo hiểm nhân thọ mới được giải ngân. Có trường hợp, nhân viên ngân hàng cho hay, mua bảo hiểm mới được lãi suất ưu đãi, không mua bảo hiểm thì phải chịu lãi suất cao, thậm chí không được giải ngân. Theo các DN, số tiền mua bảo hiểm không quá lớn nhưng với DN vừa và nhỏ đang khó khăn về tài chính thì số tiền này khá lớn. “Kinh doanh bảo hiểm không thuộc lĩnh vực ngân hàng. Nên chăng cấm ngân hàng không bán bảo hiểm nhân thọ có được không? Với cách quản lý và can thiệp hiện nay tôi thấy nửa vời”, một vị đại diện DN thắc mắc về bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn ngân hàng.