Định danh hàng Việt

19/01/2023 09:46 daidoanket.vn

Tin vui cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đó là nhiều mặt hàng có tên tuổi, “định danh” rõ ràng của các doanh nghiệp Việt đã có mặt trên các kênh siêu thị ở các nước. Điều này khác hẳn với thời gian dài trước đó, hàng Việt chỉ xuất khẩu dưới dạng thô, đến khi tới các kênh phân phối, bán lẻ ở nước ngoài lại phải gắn mác của doanh nghiệp ngoại.

Cùng với con số xuất khẩu ấn tượng trong năm 2022, gạo Việt giờ đã được định danh tại nhiều siêu thị, cửa hàng ở nước ngoài. Ảnh: Quang Vinh

Cùng với con số xuất khẩu ấn tượng trong năm 2022, gạo Việt giờ đã được định danh tại nhiều siêu thị, cửa hàng ở nước ngoài. Ảnh: Quang Vinh

Hàng Việt đặt chân đến nhiều thị trường

Sau hơn 1 năm Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) được thực thi, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã để lại một dấu ấn đáng kể tại nhiều thị trường châu Âu, trong đó có thị trường Pháp. Theo đó, kể từ khi EVFTA có hiệu lực, hàng hóa Việt Nam nhập vào Pháp tăng trưởng mạnh.

Theo số liệu của Hải quan Pháp, chỉ tính đến đầu quý IV/2022, cà phê của Việt Nam được nhập vào thị trường Pháp đạt gần 53 triệu Euro, tăng 103% so với cùng kỳ. Tương tự, tính đến đầu quý IV, hạt tiêu Việt Nam vào Pháp tăng trưởng hơn 32% cho dạng hạt và 91% cho dạng xay so với cùng kỳ năm 2021.

Có thể thấy, sau nhiều nỗ lực nâng cao giá trị, nâng sức cạnh tranh để có thể tận dụng các hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA, hàng hóa trong nước đã đặt chân đến nhiều thị trường với chính thương hiệu “made in” Việt Nam thay vì việc trước đây chỉ xuất khẩu thô rồi khi sang nước bạn lại bị “định danh” bằng những thương hiệu của doanh nghiệp (DN) ngoại.

Câu chuyện về xuất khẩu gạo nhiều năm trước đây đã trở thành những bài học đáng nhớ cho các DN Việt. Đó là hình ảnh những bao gạo lớn được xuất đi từ những bến cảng nhưng hoàn toàn “vô danh”. Đến khi gạo Việt đặt chân tới các thị trường ngoại, thì được chia ra các bao nhỏ rồi định danh, định vị bằng tên tuổi của các DN nước sở tại mới đưa lên các kệ siêu thị. Có nghĩa là, hạt gạo Việt xuất đi hàng triệu tấn nhưng khi đến với thị trường quốc tế, người mua lại không biết đó là gạo Việt chính bởi chúng ta chưa xây dựng được thương hiệu, giá trị tại các thị trường.

Gạo Việt Nam được người tiêu dùng chọn mua tại một siêu thị ở Pháp. Nguồn: PLTPHCM.

Gạo Việt Nam được người tiêu dùng chọn mua tại một siêu thị ở Pháp. Nguồn: PLTPHCM.

Tuy nhiên, tin vui là, gạo Việt đã được định danh rõ ràng, có nhãn mác, xuất xứ từ Việt Nam được bày bán trên các kệ siêu thị, cửa hàng tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu (EU), Mỹ, Canada... Không khó khăn để thấy rằng, gạo Việt với những thương hiệu ST25, Lộc Trời... đã và đang được đón nhận không chỉ của những người con xa xứ mà còn cả những người dân bản địa.

Không chỉ gạo, quả thanh long cũng đã xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản, quả xoài xuất khẩu vào Mỹ, vải thiều đi EU... Đây đều là kết quả từ nỗ lực rất lớn của người nông dân và doanh nghiệp Việt trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời tận dụng các cơ hội từ các FTA song phương và đa phương đã ký kết.

Gạo và trái cây tươi là 2 mặt hàng có sự thay đổi lớn tại thị trường Pháp. So với cùng kỳ quý IV năm 2021, gạo thơm hạt dài của Việt Nam vào thị trường Pháp đã tăng hơn 80%. Điều đáng nói, gạo Việt Nam trước kia chỉ có mặt tại những cửa hàng và hệ thống siêu thị nhỏ nhưng nay đã đủ tiêu chuẩn để vào được hệ thống siêu thị của Pháp là Carrefour, được bán trong 250 đại siêu thị.

Còn tại Nhật Bản, trong năm 2022, Tuần hàng Việt Nam tại AEON đã khai mạc ở tất cả các siêu thị và cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống AEON tại Nhật Bản, thu hút đông đảo người dân Nhật Bản và người Việt Nam đang sinh sống ở đây. AEON đã trưng bày các nông sản và hàng hóa Việt Nam ở khoảng 350 cửa hàng, siêu thị của tập đoàn trên toàn Nhật Bản và trên hệ thống website.

Hàng hóa Việt Nam được trưng bày trong các siêu thị, cửa hàng của AEON đã phong phú hơn cả về chủng loại, từ hoa quả tươi như vải thiều và chuối, và các loại thực phẩm chế biến như mỳ tôm và phở ăn liền, cho đến các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gia dụng và hàng thủ công mỹ nghệ. Ngay sau sự kiện này, nhiều loại sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Nhật Bản đã được AEON nhập khẩu và đưa vào tiêu thụ tại hàng trăm siêu thị của tập đoàn trên toàn Nhật Bản

Một khách hàng người Nhật Bản chọn mua dừa Việt Nam ở siêu thị AEON trong Tuần hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị AEON trên toàn Nhật Bản. Nguồn: PLTPHCM.

Một khách hàng người Nhật Bản chọn mua dừa Việt Nam ở siêu thị AEON trong Tuần hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị AEON trên toàn Nhật Bản. Nguồn: PLTPHCM.

Dư địa gia tăng kim ngạch rất lớn

Nhận định với báo giới về sản phẩm hàng hóa đến từ Việt Nam, ông Rami Baitieh - Giám đốc điều hành Tập đoàn Carrefour, Pháp nhấn mạnh, Tập đoàn đánh giá rất cao về sản phẩm lương thực quan trọng và thiết yếu của Việt Nam là gạo. Hạt gạo được làm ra với sự nghiêm túc và yêu cầu cao. “Chính sự yêu cầu cao này đã góp phần khiến sản phẩm có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn của châu Âu" - ông Rami Baitieh nói.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương), EU là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Các sản phẩm của DN Việt Nam nếu có thương hiệu tại thị trường EU sẽ có các điều kiện và cơ hội để mở rộng đến các thị trường khác trên thế giới.

Thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện để các DN có thể nhận biết được nhu cầu, xu hướng thị trường, các quy định, chính sách cập nhật của thị trường EU, từ đó DN chủ động điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường EU đồng thời lên kế hoạch, chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm phù hợp tại thị trường này.

Theo bà Thủy, thông qua các hoạt động của Cục Xúc tiến thương mại đã hỗ trợ DN xây dựng được hình ảnh thương hiệu của mình một cách chuyên nghiệp hơn, tạo được lòng tin cao hơn đối với các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng EU. Từ đó tạo đòn bẩy giúp cho DN nâng cao năng lực cạnh tranh lâu bền ở thị trường EU.

Mặc dù hàng hóa Việt Nam đã gia tăng sự hiện diện tại thị trường EU, song số lượng vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vào EU mới chỉ chiếm 2% thị phần. Bà Thủy cho rằng, còn một dư địa rất lớn để cho các DN Việt Nam có thể khai thác, đẩy mạnh xuất khẩu vào EU. Khi đạt được số lượng nhiều hơn nữa sản phẩm cũng như gia tăng về giá trị kim ngạch, đồng nghĩa với việc hỗ trợ thêm nhiều các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam vào thị trường EU.

Năm 2022, ngành nông nghiệp đã tăng cường nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường để kịp thời định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản. Thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế, đàm phán và ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau. Bộ Công thương cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp về giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế. Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm duy trì và mở rộng, xuất khẩu tăng cao.