GDP năm nay có thể tăng trưởng 6,5%

19/02/2021 08:01 daidoanket.vn

Dịch bệnh nhưng năm 2021, GDP có thể đạt được tăng trưởng 6,5%

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

PV: Thưa ông hiện dịch Covid-19 đã xuất hiện tại 13 tỉnh, thành và đang tác động đến việc sản xuất kinh doanh. Theo ông chúng ta có cần đưa ra các kịch bản phát triển kinh tế mới gắn với dự báo theo diễn biến của tình hình dịch bệnh?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Tôi nghĩ là chưa cần. Theo dự báo của tôi, khả năng tăng trưởng của Việt Nam có thể nằm trong phạm vi ở mức 6,8 đến 7,4%. Kịch bản xấu hơn có thể từ 6 đến 6,7%. Khả năng chúng ta đạt được mục tiêu trên từ 6,8 đến 7,4% là rất lớn vì sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, tư tưởng của nước Mỹ đã thay đổi. Đó là nước Mỹ không giống như thời “Nước Mỹ là trên hết” mà nước Mỹ cũng tiếp tục những chính sách cách thức kết hợp với các đồng minh để giải quyết những bất đồng, cũng như vấn đề chung trong hoạt động nền kinh tế thế giới, không vì họ như thời gian trước đây nữa. Như vậy khả năng giao thương giữa các quốc gia sẽ tăng lên. Là nước dựa vào xuất khẩu, và lấy xuất hẩu làm động lực tăng trưởng thì chúng ta rất mong các quốc gia trên thế giới mở rộng giao thương với nhau.

Thực tế hiện các quốc gia trên thế giới đã thấy rằng cần thiết phải mở cửa và tiếp tục sản xuất kinh doanh. Dù dịch bệnh có diễn biến phức tạp hơn song họ vẫn phải mở cửa để sản xuất. Họ có thể đóng cửa biên giới nhưng vẫn mở cửa ở trong nước, và hạn chế mức tối đa giãn cách xã hội, từ đó đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Như thế nhu cầu về vật tư, tư liệu hàng hóa của các quốc gia đang tăng lên. Thu nhập người dân các nước tăng lên, cầu xã hội tăng làm cho nhu cầu xuất nhập khẩu các nước tăng.

Các quốc gia tăng thêm xuất nhập khẩu là điều đương nhiên, và nền kinh tế của ta sẽ được hưởng lợi. Các chiến tranh thương mại sẽ thay đổi không như trước nữa. Mỹ là quốc gia lớn nhất thế giới về kinh tế đã thay đổi, không “ngăn sông cấm chợ” nữa. Khả năng xuất khẩu, nhập khẩu tăng lên làm cho nền kinh tế của ta thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, có cơ hội đạt được tăng trưởng cao hơn.

Chúng ta có thể thấy rằng trong quý 4 năm 2020 và đầu tháng 1 năm 2021 nền kinh tế của ta đang tăng trưởng rất tốt, công nghiệp tăng từ 11 đến 12%, nông nghiệp trở thành bệ đỡ cho nền kinh tế. Năm 2020 khó khăn như vậy nhưng nông nghiệp đã giúp cho tăng trưởng của ta tốt hơn. Trong quý 4 năm 2020 tăng hơn 4% làm cho tăng trưởng của nông nghiệp trong cả năm 2020 đạt 2,4%. Đây là mức cao của nông nghiệp, chưa kể dù khó khăn nhưng xuất hẩu nông nghiệp đạt hơn 40 tỷ USD.

Đầu tư nước ngoài năm 2020 vào Việt Nam vẫn rất lớn, đóng góp cho tăng trưởng của chúng ta. Trong năm 2020 dù đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên thế giới giảm trên 70% nhưng FDI vào Việt Nam chỉ giảm 25%, vốn giải ngân vẫn ở mức độ cao, từ đó là cơ sở để cho vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận đóng góp cho tăng trưởng GDP của đất nước. Trong năm 2021 rõ ràng khả năng FDI vào nước ta sẽ nhiều và lớn hơn. Như vậy xét có tính toán khả năng tăng trưởng có thể đạt được ở mức từ 6,8 đến 7,4%, còn trường hợp xấu nhất do dịch bệnh kéo dài khó khống chế lúc đó có thể chậm hơn, và nằm trong mức tăng trưởng từ 6 đến 6,7%. Cho nên mục tiêu chúng ta đề ra là 6,5% hoàn toàn có thể đạt được.

Hiện các doanh nghiệp quay trở lại sản xuất khá tốt. Ngay đầu năm 2021, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và thành lập mới tăng vọt. Đó là điều đáng mừng, qua đó khẳng định ngay bản thân các nhà đầu tư nước ngoài họ cũng đến, và các nhà đầu tư trong nước cũng nhìn thấy cơ hội rất lớn từ hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Hai bên đầu tư tốt thì cả nền kinh tế của chúng ta sẽ tốt lên.

Chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế trong năm 2020. Vậy khi đầu năm 2021 dịch đã quay trở lại vậy trong phát triển kinh tế làm sao vừa đảm bảo việc chống dịch nhưng tránh việc “ngăn sông cấm chợ”, cản trở sản xuất kinh doanh, thưa ông?

Tôi phải khẳng định rằng, đẩy mạnh hoạt động phòng chống dịch là đòi hỏi bắt buộc. Nếu không phòng chống dịch, các doanh nghiệp và người dân không thể yên tâm tổ chức sản xuất kinh doanh. Chống dịch là biện pháp quan trọng nhất. Tuy nhiên, theo tôi biện pháp chống dịch phải được thay đổi, và quán triệt từ trên xuống dưới một cách thấm nhuần, chứ không phải “ngăn sông cấm chợ”.

Đặc biệt là tổ chức sản xuất cho phù hợp, không thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng trong những trường hợp không thực sự cần thiết. Chúng ta theo phương châm ngăn ngừa dịch bệnh tràn vào từ biên giới, còn trong nước thì khoanh vùng, thực hiện các biện pháp phòng chống thích hợp để từ đó đảm bảo chống dịch hiệu quả, nhưng không ảnh hưởng lớn đến đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Vừa qua có một số địa phương đòi hỏi giãn cách toàn bộ địa phương hoặc trong một phạm vi lớn. Nhưng rõ ràng chúng ta cần xem xét đã cần thiết ở mức đó hay chưa. Tức là nếu cần thiết đáp ứng yêu cầu phòng ngừa dịch bệch thì phải khoanh vùng, không giãn cách tràn lan trên diện rộng, để vừa chống dịch nhưng vẫn phải đảm bảo sản xuất kinh doanh.

Theo ông, nếu không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng với các kịch bản mới, vậy để đạt mức tăng trưởng đặt ra chúng ta cần quan tâm đến vấn đề gì?

Việc vượt qua mức tăng trưởng đặt ra là 6,5% hoàn toàn có thể đạt được. Nhưng để đạt được điều đó tôi cho rằng chúng ta cần thực hiện nhóm những giải pháp. Đầu tiên phải phòng chống dịch Covid-19, đây là điều quan trọng nhất để vừa có thể tăng trưởng và phát triển sản xuất. Nếu không chống được dịch, không bao giờ đạt được tốc độ tăng trưởng.

Thứ hai phải tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô bởi đây là yêu cầu quan trọng để có thể đạt được tốc độ tăng trưởng như mong muốn. Thứ ba, thực hiện đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Năm 2020 đã đạt 92%, và giải ngân đầu tư công trở thành động lực, đảm bảo cho quá trình sản xuất kinh doanh cũng như tăng trưởng của nền kinh tế được trọn vẹn hơn.

Năm 2021 việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cũng trở thành đòi hỏi bắt buộc, vì đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng sân bay Long Thành và các tuyến đường cao tốc, đảm bảo cơ sở để có thể phát triển bền vững trong tương lai, nhất là giai đoạn 2021-2030. Thứ tư, đẩy mạnh số hóa nền kinh tế vì nó góp phần tăng cường năng lực sản xuất cũng như hiệu quả và chất lượng. Thứ năm tận dụng được các ưu điểm của các hiệp định thương mại tự do là điều cần phải làm bởi nó là cơ sở để có thể tăng trưởng xuất khẩu tốt nhất. Thứ sáu, đẩy mạnh cải cách sản xuất, tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân như trong Nghị quyết Trung ương đã xác định đó là phải làm cho kinh tế tư nhân trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ, tạo ra năng suất và hiệu quả cao hơn cho sản xuất kinh doanh, lúc đó mới có hy vọng có được tốc độ tăng trưởng cao.

Thứ bảy, trong cải cách cơ cấu kinh tế cần phải đẩy mạnh sắp xếp, bố trí các doanh nghiệp kinh tế Nhà nước, bởi chúng ta vẫn coi kinh tế Nhà nước là bộ phận then chốt, có ý nghĩa quyết định đến tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế. Cho nên việc đổi mới cơ chế quản lý tài chính của khu vực công, đẩy mạnh việc bố trí sắp xếp hoạt động khu vực kinh tế Nhà nước để đảm bảo sự phát triển theo nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Thời gian qua khi dịch Covid-19 ảnh hưởng thì khu vực kinh tế tư nhân vẫn tiếp tục vươn lên. Vậy theo ông làm sao để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân hơn nữa trong giai đoạn tới?

Như tôi đã nói ở trên, phải làm sao để kinh tế tư nhân phải thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Trong giai đoạn vừa qua, kinh tế tư nhân đã có những đóng góp rất to lớn. Do đó phải làm sao để kinh tế tư nhân đóng góp nhiều hơn nữa, đóng góp tốt hơn cho hoạt động của nền kinh tế, đặc biệt sự tăng trưởng phải đi đôi với đổi mới năng lực, để từ đo đẩy nhanh sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, đạt được hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu cao nhất, có giá trị ngày càng lớn hơn từ các doanh nghiệp trong nước. Lúc đó doanh nghiệp tư nhân mới có điều kiện đẩy nhanh quá trình đổi mới cơ cấu kinh tế trong toàn bộ hoạt động của nền kinh tế quốc dân.

Trân trọng cảm ơn ông!