Đề xuất xây dựng bảng lương riêng cho các nhân tài

26/04/2024 00:33 daidoanket.vn

Chiều 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo Khoa học: Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tại hội thảo, để hoàn thiện chính sách, pháp luật thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở khu vực công Việt Nam hiện nay, TS. Trần Thị Quyên, Trường Đại học Luật Hà Nội kiến nghị, pháp luật về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cần mở rộng đối tượng thuộc diện thu hút.

Đó là những người có trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở các lĩnh vực, khu vực, địa bàn khác kể cả trong và ngoài nước. Trong đó đặc biệt chú trọng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa; khoa học xã hội; y tế; thông tin và truyền thông, chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, theo bà Quyên, pháp luật về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cần quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc bảo đảm quyền lợi, môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động, cạnh tranh để phát huy được các nhân tố tài năng của nguồn nhân lực chất lượng cao đã thu hút. Việc thu hút được các tài năng làm việc trong khu vực công chỉ là điều kiện cần nhưng để giữ chân người tài năng thì cần phải có môi trường làm việc phù hợp với năng lực của họ.

Trong các quy định hiện nay, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước về vấn đề này chưa được đề cập hoặc đề cập nhưng chưa rõ ràng. Vì vậy, nếu Nhà nước không đặt ra các quy định cụ thể cho việc bảo đảm quyền lợi về môi trường làm việc thì chính sách thu hút nhân tài khó có tính khả thi. Đây cũng là yếu tố minh chứng cho việc sử dụng khéo léo nhân tài như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Nhân tài là lớp người rất đặc biệt nên cách thức sử dụng nhân tài phải khéo”.

Bà Quyên cũng đề xuất, pháp luật về thu hút nhân tài cần xây dựng bảng lương riêng cho các nhân tài đã thu hút. Bảng lương này có thể được xây dựng cao hơn 8 lần so với bảng lương của những người cùng vị trí việc làm tương tự.

Mới đây, HĐND thành phố Đà Nẵng cũng đã thông qua Nghị quyết xây dựng Chính sách thu hút bác sĩ cho các cơ sở y tế công lập giai đoạn 2023-2025 với mức chi từ 50-200 lần mức lương cơ bản, tức là từ 70 đến gần 300 triệu đồng. Sự đãi ngộ này sẽ là động lực giữ chân nhân tài cho đất nước, tạo cho họ sự yên tâm công tác và cống hiến. Vì việc xây dựng một hệ thống lương bổng cạnh tranh và minh bạch luôn là mục tiêu hàng đầu ở nền công vụ của một số nước tiên tiến.

Về trình tự, thủ tục thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, bà Quyên kiến nghị, pháp luật cần quy định quy trình thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao sao cho đơn giản, tập trung vào bước làm rõ “yếu tố nhân tài” của người được thu hút. Về việc giữ chân nhân tài, Nhà nước cần đầu tư mũi nhọn cho giáo dục thay vì chỉ chủ yếu đầu tư theo chiều rộng như hiện nay.

Trước đó, phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị đề nghị, cần phân tích và làm rõ hơn nhận thức chung về phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và vấn đề trọng dụng nhân tài hiện nay. Đây là yếu tố nòng cốt để phát triển nhanh và bền vững cho kinh tế và xã hội, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Bên cạnh đó, xác định rõ các tiêu chuẩn xác định nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao. Đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Ông Lợi cũng đề nghị, đề xuất các giải pháp để có cơ chế chính sách cụ thể trong việc trọng dụng nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay. Các yếu tố ảnh hưởng, tác động đến cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Giải pháp tăng cường truyền thông về vị trí, vai trò của nguồn nhân lực chất lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đây là nhóm lao động lõi của xã hội, đóng vai trò “đầu tàu” trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, là yếu tố quyết định đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học-công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Link gốc