Dầu Nga bị cấm vận: Thị trường toàn cầu chao đảo, Châu Á đối mặt với mức chi phí 'khủng khiếp'

11/03/2022 07:16 toquoc.vn

Ngân hàng đầu tư Natixis cho biết, các nền kinh tế châu Á nhập khẩu năng lượng, ngoại trừ Trung Quốc, sẽ phải chống chọi với sự gia tăng mạnh mẽ của chi phí dầu thô và giá năng lượng do căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Natixis cho biết chịu tác động nặng nề nhất phần lớn là các hộ gia đình và công ty, đặc biệt là ở các nước như Ấn Độ và Thái Lan.

Trong khi hầu hết nước châu Á bị hạn chế thương mại trực tiếp với Nga, thì tác động của giá dầu tăng cao sẽ gián tiếp làm tổn thương các nền kinh tế này. Nhà kinh tế của Natixis, Trinh Nguyen cho biết trong một hội thảo trực tuyến: "Các thị trường tập trung vào dầu vì giá dầu về cơ bản đã trở thành một vấn đề trầm trọng", bà Nguyen nói. "Điều thực sự quan trọng không phải là xuất nhập khẩu trực tiếp mà là toàn bộ Nga và Ukraine đều ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa".

Giá dầu đã tăng kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu do sự gián đoạn chuỗi cung ứng làm chậm quá trình cung cấp và giao hàng, đồng thời buộc chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao. Tuy nhiên, sau khi căng thẳng Nga-Ukraine nổ ra, giá dầu tiếp tục tăng và đạt mức cao nhất kể từ năm 2008 vào ngày 7/3, ở mức khoảng 123 USD/thùng.

Điều này đã gây thêm thiệt hại cho các nền kinh tế châu Á vẫn đang cố gắng phục hồi sau đại dịch và cố gắng kiểm soát lạm phát gia tăng. Mức giá bắt đầu tăng cao khi Mỹ ám chỉ lệnh cấm mua năng lượng của Nga, cùng lúc đó, quốc gia này đang tìm cách tăng nguồn cung từ các nước khác.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu đã tỏ thái độ không đồng tình với ý tưởng này. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết châu Âu đã "cố tình miễn" trừng phạt năng lượng của Nga vì nguồn cung của nước này không thể được đảm bảo "theo bất kỳ cách nào khác" vào lúc này. Còn thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói: "Thực tế đau đớn là chúng ta vẫn phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt và dầu của Nga. Nếu bây giờ bạn buộc các công ty châu Âu ngừng kinh doanh với Nga, điều đó sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới châu Âu, bao gồm cả Ukraine và các nước khác trên thế giới".

Các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga, đặc biệt là việc loại bỏ các ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế Swift, đã buộc dầu của Nga bị tách ra khỏi thị trường toàn cầu. Điều này là bởi các thương nhân không thể hoặc sẽ không mua từ người bán Nga ngay cả khi nhiều quốc gia phương Tây không áp đặt các lệnh trừng phạt trực tiếp đối với việc mua dầu từ Nga.

Châu Á, giống như hầu hết các nước còn lại trên thế giới, đang phải vật lộn với lạm phát gia tăng do sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu nguyên liệu, cũng như hàng hóa do đại dịch Covid-19 gây ra. Người tiêu dùng châu Á đã phải gánh chịu hậu quả do giá cả các mặt hàng hàng ngày tăng cao, từ điện và khí đốt đến thực phẩm. Giờ đây, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine sắp đẩy giá dầu lên cao hơn nữa. Giá dầu đã tăng so với tháng 2 với giá bơm của Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ đều tăng từ 0,05 đến 0,1 USD/lít.

Người tiêu dùng Ấn Độ nói riêng có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự gia tăng giá cả này, đặc biệt là do ngân sách của chính phủ Ấn Độ không có nhiều trợ cấp, bà Nguyen cho biết. Bà Nguyen mong muốn chính phủ Ấn Độ đợi đến khi cuộc bầu cử cấp tỉnh kết thúc rồi mới công bố giá dầu và các sản phẩm dầu tăng cho người tiêu dùng. Bà nói: "Ngay cả các khoản trợ cấp của Thái Lan cũng không đủ, vì vậy lạm phát sẽ cao hơn và điều này sẽ hạn chế sức mua".

Cùng với Thái Lan, Hàn Quốc và Việt Nam cũng chịu gánh nặng giá cao hơn vì họ là hai trong số những khách hàng lớn nhất của năng lượng Nga ở châu Á. "Đây là một tin tiêu cực đối với các thị trường châu Á mới nổi, ngoại trừ các quốc gia xuất khẩu năng lượng… các hộ gia đình sẽ phải chi trả nhiều hơn", bà Nguyen nói. Trong đó, bà đề cập đến Úc, Malaysia và Indonesia là những nước xuất khẩu năng lượng.

Mặt khác, Trung Quốc vẫn đứng ngoài cuộc khủng hoảng giá năng lượng. Mặc dù là nhà nhập khẩu năng lượng chủ chốt của Nga, nền kinh tế lớn nhất thế giới đủ lớn để chống chọi với mức giá cao hơn trong dài hạn. Ngành công nghiệp điện của nước này cũng được quản lý chặt chẽ và giá tiêu dùng sẽ được nhà nước kiểm soát, nhà kinh tế Jianwei Xu của Natixis tại Trung Quốc cho biết.

Đối với các nước còn lại của châu Á, có thể có các yếu tố giảm thiểu cuộc khủng hoảng dầu mỏ. Nhà kinh tế Kohei Iwahara của Natixis tại Nhật cho biết ngay cả đối với các nhà nhập khẩu lớn như Nhật Bản, nhập khẩu năng lượng như dầu và khí đốt tự nhiên từ Nga chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng lượng mua và họ cũng có các lựa chọn thay thế khác.

Hàn Quốc cũng có thể phải chi trả nhiều tiền hơn cho dầu. Tuy nhiên nước này có thể sử dụng các mặt hàng xuất khẩu khác của mình, chẳng hạn như chất bán dẫn, để đối trọng với tác động lên dòng thanh toán của mình, bà Nguyen phân tích.

"Điều tích cực là Châu Á thực sự còn cách xa cuộc khủng hoảng này. Dù khó khăn đến đâu, châu Âu hay Đông Âu vẫn phải chịu ảnh hưởng nặng nề hơn", bà Nguyen nói. Bà cho biết thêm rằng nhiều nhà nhập khẩu năng lượng châu Á đã và đang hồi phục sau đại dịch và vẫn kiên cường trong việc đối phó với mức giá năng lượng tăng cao.

Tuy vậy, trong thời kỳ giá năng lượng nhạy cảm, bất kỳ thay đổi nào đối với nguồn cung năng lượng của chính châu Á cũng sẽ góp phần làm tăng giá. Một ví dụ điển hình như sự cố ngừng hoạt động gần đây tại nhà máy LNG Satu của Malaysia, nhà phân tích cấp cao Kaushal Ramesh của Rystad Energy cho biết.