Đấu giá đất: “Mồi ngon” ai cũng muốn xin phần

22/11/2021 10:34 congluan.vn

Sau khi nhiều địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, thị trường bất động sản bắt đầu “sôi sục” trở lại. Đặc biệt, các hoạt động đấu giá đất tại các địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang hay Hà Tĩnh đã thu hút một lượng lớn nhà đầu tư đến “xin phần”, điều này khiến cho giá đất được thổi lên cao gấp nhiều lần giá thị trường.

Còn nhớ cách đây khoảng 1 tháng, rất nhiều nhà đầu tư trong phiên đấu giá 25 lô đất thuộc khu X5 Mai Dịch, quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã bất ngờ khi giá trúng cao gấp 2 - 2,6 lần mức giá khởi điểm.

Được biết, 25 lô đất này có giá khởi điểm từ 104,7 - 182,3 triệu đồng/m2, thế nhưng kết quả trúng thấp nhất được ghi nhận là 162,7 triệu đồng/m2, giá trúng cao nhất là 364,3 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, dù mức giá khởi điểm cao ngất ngưởng, nhưng phiên đấu giá này càng trở nên sôi động khi có tới 800 - 900 hồ sơ nộp tham dự. 

Tương tự, mới đây, tại phiên đấu giá dãy LK11, khu dân cư Yên Ninh, thị trấn Nếnh (Bắc Giang) cũng ghi nhận lô trúng cao nhất trị giá hơn 8,3 tỷ đồng với diện tích hơn 150m2, tương đương 55 triệu đồng/m2.

Hầu hết các lô đất đều chênh lệch hơn 1 tỷ đồng/lô so với giá khởi điểm. Mức giá này tương đương với giá trị đất tại các thành phố lớn.

Trên thực tế, đấu giá đất nền luôn là “miếng mồi ngon” cho các nhà đầu tư. Nếu may mắn, nhà đầu tư có thể trúng thầu với mức giá thấp.

Vì vậy, sau mỗi phiên đấu giá đất, nhiều trường hợp trúng thầu rao bán lô đất ngay tại chỗ. 

Có rất nhiều trường hợp, nhà đầu tư trúng thầu đất giá trị thấp, sau khi sang nhượng lời gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi. Tuy nhiên, một số trường hợp khác phải chờ 1 thời gian, giá đất lên, chủ đất mới bán để kiếm chênh lệch.

Theo tiết lộ của một “cò” đất có thâm niên trong ngành đấu giá đất, nhiều trường hợp nhân viên môi giới dùng chiêu trò thỏa thuận ngầm để thông đồng, bắt tay nhau nhằm “thổi” giá. 

Dễ thấy nhất là việc họ huy động hàng chục người xếp hàng, thậm chí còn giả chen lấn để tạo ra khung cảnh nhộn nhịp tại các khu vực đấu giá, trong các giao dịch nhà đất.

Thậm chí, một số “cò” đất còn lợi dụng tin đồn để thổi giá đất để lôi kéo người tham gia, từ đó nâng giá trị đất lên một cách vô lý.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, đất đấu giá “sốt” là do nguồn cung đất nền khan hiếm.

Do không phê duyệt được các dự án chính thống, không có nguồn thu nên các địa phương tạo ra các dự án đấu giá đất để cung cấp nguồn cung cho thị trường.

Bên cạnh đó, đất đấu giá có pháp lý ổn định do là đất công nên thị trường này đang nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ giới đầu tư.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư tham gia đấu giá đất giống như tham gia một cuộc chơi may - rủi. Nếu trúng được giá rẻ hơn so với thị trường thì khả năng thanh khoản lớn và có lãi.

Còn nếu nhà đầu tư “ôm” phải giá cao thì phải buộc bán giá cao và việc này rất khó để có người mua nên đường cùng là phải bỏ cọc.

Chính vì vậy, khi nhà đầu tư tham gia vào thị trường đất đấu giá cần thẩm định, so sánh giá với các địa điểm tương đồng.

Điều này sẽ tránh bị cuốn theo dòng thổi giá và phải "bỏ của chạy lấy người".

Trước thực tế này, nhiều chuyên gia cảnh báo, nhà đầu tư cần có một cái đầu “tỉnh táo” trước khi tham gia vào các phiên đấu giá đất.

Trong đó, điều cần thiết, nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ thông tin thị trường tại khu vực đó, như thông tin quy hoạch, giá đất trên thị trường,... Nếu giá bỏ quá cao hơn thực tế, khi thanh khoản rất khó khăn.

Ngoài ra, khi đấu giá đất, nhà đầu tư cũng cần tự lượng sức mình, về dòng tiền, từ đó tránh trường hợp phải cắt lỗ, từ đó mất cả chì lẫn chài.