Đằng sau cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu là sự kiêu ngạo

12/11/2021 11:01 congluan.vn

Nguyên nhân là do con người

Chúng ta được đọc những tin tức hàng ngày gần đây như: tàu container làm tắc nghẽn cảng, đồ trang trí Giáng sinh không thể đến cửa hàng kịp thời, các đại lý xe hơi vật lộn với các lô hàng đang chờ kiểm kê. Sự phá vỡ mạng lưới thương mại toàn cầu đang xảy ra. Nhưng nó từ đâu?

Những kẻ tin rằng mình biết tất cả đang háo hức tuyên bố họ đã xác định được “nguyên nhân”: đại dịch Covid-19, giá dầu, lạm phát, tình trạng thiếu năng lượng ở Trung Quốc... Song, những lời giải thích này đều là sự tự lừa dối bản thân.

Thay vào đó, nguyên nhân sâu xa là do con người. Chúng ta lầm tưởng rằng những gì trong quá khứ sẽ được lặp lại. Ngoài ra, chúng ta muốn đi theo con đường hiệu quả nhất, ngay cả khi với rủi ro lớn hơn.

Các hệ thống giao dịch có những vòng tròn không thể dự đoán và chỉ được nhận ra sau khi một chuỗi các sự kiện xảy ra. Và chúng thường sẽ trở nên trầm trọng hơn, bởi những kẻ trung gian xảo quyệt, những người tích trữ ích kỷ hoặc những nhà quản lý vụng về. Chỉ sau đó một cuộc khủng hoảng mới xảy ra.

Một cuộc khủng hoảng luôn làm sáng tỏ nhu cầu thay đổi của chúng ta. Trong trường hợp này, chúng ta đã quản lý sai chuỗi cung ứng toàn cầu hiện tại như thế nào.

Trong quá khứ, các chuỗi cung ứng của chủ yếu gần các nguồn tài nguyên. Trong trường hợp sản xuất ô tô, đặc trưng này là gần đường thủy, gần các nhà cung cấp công nghiệp và nguồn lao động có tay nghề cao.

Trước khi Detroit trở thành Thành phố ô tô, nó phải cạnh tranh với các đối thủ như New York hay Chicago. Nhưng chỉ sau đó 20 năm, vào năm 1920, các thành phố đối thủ của nó đã phải đóng cửa.

Một thế kỷ sau, công nghệ thông tin và truyền thông đã mở rộng chuỗi cung ứng ra ngoài các trung tâm quen thuộc. Giao dịch với mọi người và mọi nơi đều có thể thực hiện được.

Trong khi đó, công nghệ vận chuyển - chủ yếu từ việc sử dụng container - đã làm giảm chi phí vận chuyển, tăng tốc độ và loại trừ thiệt hại, ngay cả đối với đồ dễ hỏng.

Thực ra, “toàn cầu hóa” chỉ trở thành một chính sách sau khi công nghệ trở thành hiện thực, các doanh nghiệp đầu tư và các đơn vị trong chuỗi cung ứng đã biến điều đó thành hiện thực.

Để rồi, các nhà sản xuất đều muốn tìm kiếm những “chân trời” xa xôi vì những lý do khác nhau.

Chi phí chỉ là một, mà còn là việc mở rộng thị trường, khả năng tiếp cận nguyên liệu, công nghệ và cả bí quyết nữa.

Tuy nhiên, việc đi tới một cột mốc mới trên bản đồ thương mại sẽ đem lại nhiều rủi ro về địa chính trị và vận tải hơn, bên cạnh những rủi ro khác.

Trước đây, các nhà sản xuất quản lý rủi ro nguồn cung bằng cách duy trì hàng tồn kho, đồng thời tìm nguồn cung ứng từ nhiều nhà cung cấp... Song, truyền thống này đã bị gạt sang một bên để chuyển sang các triết lý quản lý tinh gọn.

Những triết lý này tập trung vào các nhà cung cấp quen thuộc, tận dụng các nguồn hàng gia công trên khắp thế giới, thực hiện các quy trình đơn giản và duy trì những nguồn hàng tồn kho vừa mức.

Theo thời gian, các nguồn lực được hợp nhất, song bản thân các sản phẩm trở nên phức tạp hơn bởi phụ thuộc vào nhiều nguồn cung khác nhau, từ các mặt hàng gia công cho đến các nguyên liệu tinh vi, như chip điện tử hoặc chất bán dẫn.

Kết quả là các chuỗi cung ứng được mở rộng toàn cầu, hiệu quả hơn nhưng cấu thành nhiều nguy cơ hơn.

Có lẽ điều này chỉ vì chúng ta là con người, tin rằng thời cơ tốt đẹp sẽ tiếp tục diễn ra, mặc dù chúng ta đã tiếp tục tăng thêm rủi ro cho hệ thống. Sự ngạo mạn diễn ra liên tục và trong thời gian dài này rút cuộc đã gây ra sự sụp đổ cho chúng ta.

Quản lý rủi ro sẽ là giải pháp?

Những thất bại hiện nay khó có thể tránh khỏi và không dễ dàng được xử lý, ngay cả khi chúng đã trở thành ưu tiên. Các giám đốc điều hành kỳ vọng chuỗi cung ứng sẽ đáng tin cậy như buổi sáng bình minh, và chúng hiếm khi được chú ý cho đến khi chúng bị phá vỡ.

Các cá nhân trong chuỗi cung ứng biết hệ thống không ổn định, nhưng các nhà quản lý thường chỉ giải quyết chúng theo cách tiết kiệm chi phí thay vì quản lý rủi ro, vốn tốn kém tiền bạc.

Các nhà sản xuất đôi lúc sử dụng công cụ quản lý rủi ro tại chỗ, khi dựa vào các nguồn tin để phát hiện sự gián đoạn nguồn cung. Song các hệ thống cảnh báo sớm này yêu cầu một khối lượng lớn thông tin được phân tích. Đồng thời, chúng cũng quá phức tạp và rủi ro.

Ví như, thông tin về một trận tuyết lở tuyết thường bị bỏ qua vì nó chủ yếu thông báo các sự kiện thời tiết ở những nơi xa xôi, mà không chỉ rõ ra ảnh hưởng của nó đến nguồn cung. Ngay cả khi được xử lý hoàn hảo, những công cụ này cũng không có lợi thế, bởi mọi người trên thị trường cũng có thể truy cập các thông tin này.

Việc kế lại chuỗi cung ứng toàn cầu đồng nghĩa cũng phải tìm ra cách quản lý rủi ro tốt hơn.

Theo đó, các hệ thống giảm thiểu rủi ro mới cần nắm giữ một cách chiến lược lượng hàng tồn kho lớn hơn đối với các thành phần hoặc vật liệu quan trọng; kết hợp các hợp đồng giá cố định dài hạn.

Chúng ta cần nhân sự chuẩn bị sẵn sàng để chữa cháy trước khi chúng bùng phát, với các kế hoạch hành động được phê duyệt trước cho những rắc rối đầu tiên, khi đó sẽ tránh được những vấp váp trong việc ra quyết định của công ty trong một cuộc khủng hoảng.

Điều này sẽ tốn kém tiền bạc, nhưng hoàn cảnh hiện tại đang chứng minh, không làm điều đó cũng phải trả giá đáng kể - doanh thu bị mất từ các đơn hàng chưa được thực hiện, tăng chi phí giải quyết và phí bảo hiểm cho những kẻ trục lợi. Thiện chí của khách hàng, nhà cung cấp, cổ đông và nhân viên cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Một đội ngũ quản lý rủi ro chính thức được cấp ngân sách. Giống như bảo hiểm, đó là một hàng rào chống lại một thảm họa xảy ra.

Bất kỳ doanh nghiệp nào đang rơi vào tình trạng hoảng loạn do sự gián đoạn chuỗi cung ứng hiện tại nên cân nhắc xem liệu những khoản chi phí này có đáng giá từng xu hay không!?

Hoàng Hải