Cuối năm, chờ gì ở vàng?

14/12/2020 07:05 daidoanket.vn

 

Cuối năm, chờ gì ở vàng? - Ảnh 1

Giá vẫn trồi sụt

Không tăng sốc cũng không giảm mạnh đến 3 triệu đồng/lượng như những ngày đầu tháng 8, mặt hàng kim loại quý tháng cuối năm vẫn lên xuống khó đoán định.

Cũng có thể nói, thời gian này, giá vàng cũng không còn “nóng như rang” nhưng vàng chắc chắn vẫn chiếm một sự quan tâm nhất định của người dân.

Với những người già, vàng là kênh giữ tiền an toàn nhất. Còn với nhà đầu tư chuyên nghiệp, đó vẫn là một mảnh đất để có thể mua và lướt sinh lợi. Phần đa còn lại, xem vàng là công cụ phòng trừ rủi ro lạm phát từ các biến động kinh tế.

Cả tuần nay (từ 7/12 đến 11/12), giá vàng trong nước lình xình quanh vùng 55,9 – 56,4 triệu đồng/ lượng, với biên độ tăng giảm khoảng 500.000 đồng/ lượng. Chênh lệch mua bán được thu hẹp  về vùng 550.000 đồng một lượng. Sức mua ở thị trường kim loại quý cũng cực kỳ ảm đạm.

Ở thị trường thế giới,  giá vàng ngày 11/12 giá vàng giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.865 /ounce. Như vậy, tính ra giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới gần 4 triệu đồng/lượng

Tính từ đầu năm, công cụ vàng này đã tăng 22%.  Giá vàng đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.031 USD/ounce vào ngày 7/8 sau đó hạ nhiệt dần. Đến tháng 11, giá vàng sụt về mốc 1.764USD/ounce. Sau đó trong tuần đầu tháng 12, giá vàng lại hồi phục hơn 5%, vươn lại mức 1.865USD/ounce. 

Trên góc độ kỹ thuật, giới phân tích cho rằng việc vàng vượt lên trên ngưỡng cản 1.850 USD/ ounce là tín hiệu giá sẽ còn tăng nữa. Khảo sát của Kitco  cũng kỳ vọng giá vàng sẽ sớm lấy lại mốc 1.900  USD.

Trên thực tế, hiện nay, vẫn có sự kết hợp của nhiều yếu tố hỗ trợ giá vàng đi lên trong ngắn hạn, bao gồm đồng đô la Mỹ yếu hơn.

Chưa kể số ca nhiễm Covid-19 vẫn tiếp tục tăng nhanh ở nhiều quốc gia, đặc biệt số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày ở Mỹ vẫn ở trên mức 200.000 trường hợp; Số liệu việc làm phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 11 giảm mạnh so với các tháng trước đó. Các quan chức kinh tế hàng đầu của Mỹ đã thúc giục Quốc hội trợ giúp nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhỏ để đối phó với tác động của đại dịch.

Nhiều thông tin được đưa ra khi Quốc hội Mỹ đang tiến gần hơn tới thời điểm tung ra gói cứu trợ thứ hai. Như vậy, một lượng tiền mới sẽ tiếp tục được đẩy vào nền kinh tế và sẽ khiến cho lạm phát tăng và từ đó hỗ trợ cho giá vàng

Nhưng cũng có thông tin tiêu cực về giá vàng. Chẳng hạn hãng Bloomberg đưa tin nước Anh dự kiến tiêm vaccine Covid-19 của Công ty Pfizer Inc. trên diện rộng vào hôm 8/12 vừa qua, Mỹ có thể bắt đầu tiêm vaccine vào ngày 11/12 nếu Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine của Công ty Pfizer Inc. vào ngày 10/12.

Cuối năm, chờ gì ở vàng? - Ảnh 2

Đồng thời, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ, ông Alex Azar, cho biết tất cả công dân nước này muốn tiêm vaccine Covid-19 sẽ được thực hiện trước quý III/2021. Từ đó, không ít nhà đầu tư kỳ vọng “sức khỏe” kinh tế thế giới sớm bình phục. Họ giảm nhu cầu trú ẩn vào kim loại quý đẩy giá vàng đi xuống…

Còn khuyến cáo của các định chế tài chính cho rằng, một số động lực chính cần theo dõi gồm xu hướng của các quỹ ETF được hỗ trợ bằng vàng và tiến độ các gói kích thích tài chính.

Trong khi đó theo Ngân hàng Citi, các khoản đầu tư vào vàng của các quỹ ETF có thể sẽ giảm trong năm tới. 

Dòng vốn ròng vào các quỹ ETF vàng dự kiến ​​đạt 800 tấn vào năm 2020, thấp hơn 75 tấn so với ước tính ban đầu và có thể sẽ giảm thêm 50% vào năm 2021.

Một số nhà đầu tư vàng nhỏ lẻ trong nước khi trả lời PV báo Đại Đoàn kết vẫn đưa ra kỳ vọng, giá vàng sẽ tăng cao hơn.

Anh Hoàng Việt Anh (Phố Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân, Hà Nội) nói: đầu tư vàng không lãi như dự tính vì giá bán ra của nhà vàng rất cao song giá mua vào lại thấp.

Một số chuyên gia đưa ra ý kiến thận trọng trên thị trường. Đặc biệt nên cân nhắc khi đầu tư vàng lướt sóng khi vàng đang trong trạng thái dao động rất khó đoán định.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng  4 triệu VND/lượng, một mức chênh lệch khá cao, chứng tỏ có hoạt động đầu cơ và rủi ro cao. TS Hiếu cho rằng, tình hình giá vàng trên thế giới và tại Việt Nam sẽ tiếp tục biến động khó lường do vậy đầu tư vào vàng phải rất cẩn trọng

Nghị định 24 không còn phù hợp?

Ở một diễn biến mới, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cũng vừa có kiến nghị thay đổi một số điểm quy định tại Nghị định 24 về kinh doanh vàng.

Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng, thời điểm năm 2012, thị trường vàng Việt Nam có nhiều bất ổn, tình trạng các cơn sốt giá vàng thường xuyên xảy ra, nhưng nay thị trường vàng Việt Nam đã cơ bản ổn định. Hiệp hội này kiến nghị sửa Nghị định 24 theo hướng Ngân hàng Nhà nước sẽ không sản xuất vàng miếng và cũng không nên sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền, mà nên cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng và chịu trách nhiệm với thương hiệu của mình theo khối lượng, tiêu chuẩn về chất lượng và trọng lượng đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước.

Theo lý giải của Hiệp hội, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải là doanh nghiệp, nên việc giao Ngân hàng Nhà nước sản xuất vàng miếng tại nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng là không còn phù hợp.

Ngoài ra, Hiệp hội Kinh doanh vàng cũng kiến nghị cho phép thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia nhằm tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế.

Cùng với đó, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho sản xuất thêm một lượng vàng miếng để cung ứng ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu, tránh xảy ra hiện tượng sốt giá vàng khi giá vàng quốc tế tăng mạnh trở lại; đồng thời Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

Ngân hàng Nhà nước kiên định chính sách quản lý vàng

Liên quan đến đề xuất này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và cũng đã phân tích đánh giá những mặt thiệt hơn trong câu chuyện này.

Theo khẳng định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, từ khi Nghị định 24 đi vào cuộc sống đã cho thấy lợi ích đem lại rất lớn cho nền kinh tế, kể cả cấp độ vĩ mô và vi mô. Đó là giá vàng không còn “nhảy múa” như trước và không ảnh hưởng chung tới tất cả các giá cả hàng hóa, không ảnh hưởng đến tỉ giá ngoại tệ, tạo điều kiện cho sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

Nếu như giá vàng lên xuống thất thường sẽ tạo ra những biến động về yếu tố tâm lý cũng như kéo theo ảnh hưởng giá cả hàng hóa, vì dù sao vàng miếng, vàng nguyên liệu không phải là hàng hóa bình thường như những loại hàng hóa khác, mà vẫn là đối tượng được quản lý ngoại hối một cách chặt chẽ.

Về vấn đề thành lập sàn vàng hay tạo điều kiện thêm cho kinh doanh vàng miếng, vàng nguyên liệu, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết sẽ ghi nhận ý kiến đó và tiếp tục có những nghiên cứu một cách thấu đáo. Tuy nhiên, ông khẳng định, lợi ích chung cho sự ổn định vĩ mô, lợi ích chung cho cộng đồng, mọi người dân sẽ được đặt lên hàng đầu, sau đó mới tính đến lợi ích của các thành phần tham gia kinh doanh vàng.

Thực tế, việc thành thập sàn vàng cũng như sở giao dịch vàng đã từng diễn ra và có nhiều rủi ro, phức tạp, bởi liên quan rất nhiều đến vấn đề ngoại tệ, cơ chế quản lý ngoại tệ, đặc biệt là vấn đề “vàng hóa” nền kinh tế… 

Ảnh hưởng xấu của dịch Covid-19 là nguyên nhân hàng đầu làm tăng giá vàng trong năm 2020. Và cũng chính Covid-19 lại khiến giá vàng chao đảo thất thường. Các biện pháp phong tỏa, cách ly và giãn cách xã hội để chống dịch dù ngắn hay dài, ở phạm vi quốc gia hay quốc tế đều làm tăng sự đứt gãy các chuỗi cung ứng, làm thu hẹp cả tổng cung và tổng cầu, giảm sút động lực tăng trưởng, nguồn thu ngân sách, tiền lương…

Covid-19 còn làm giảm tổng cầu thị trường dầu mỏ thế giới, làm tăng nạn thất nghiệp và đổ vỡ các hợp đồng kinh tế; thu hẹp hoặc làm mất đi cơ hội kinh doanh vi mô và vĩ mô, tăng rủi ro cho cổ phiếu và trái phiếu của cả các doanh nghiệp. Tất cả điều đó tạo cộng hưởng động lực biến vàng thành công cụ lựa chọn bảo toàn giá trị được tin cậy và ưa chuộng cho cả người dân và nhà nước.

Thực tế thế giới còn cho thấy, bán khống vàng cũng là nguyên nhân đẩy giá vàng lên cao. Không ít quỹ đầu tư bán khống vàng, tới trên 15% tổng khối lượng giao dịch, góp phần làm tăng lực mua vàng. Các quỹ này sẽ nương theo chiều hướng yếu đi của USD để tìm kiếm lợi nhuận từ vàng.

Thúy Hằng