Công nghệ đào tạo siêu tốc tại trường Trung cấp Y dược Tôn Thất Tùng

24/04/2024 18:56 Quảng Dương - Tuệ Minh/ Theo Tạp chí Việt Mỹ

LTS: Khi nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược, các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ cũng có nhiều thay đổi trong cách tiếp cận, tìm hiểu và kết nối với nhau. Việc tuân thủ quy định, pháp luật của mỗi bên cũng sẽ mang lại cho nhau nhiều kinh nghiệm quý báu. Trên tinh thần này, Tạp chí Việt Mỹ sẽ cung cấp các cách quản trị, hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức hai nước để cùng nhau tham khảo. Công tác đào tạo của trường Trung cấp Y dược Tôn Thất Tùng dưới đây là một ví dụ.

Choáng với công nghệ học như không học tại trường Trung cấp Y dược Tôn Thất Tùng

Thời gian qua, đường dây nóng của Tạp chí Việt Mỹ liên tục nhận được những phản ánh của độc giả về tình trạng đào tạo bát nháo, vi phạm quy chế và đạo đức đang diễn ra tại trường Trung cấp Y dược Tôn Thất Tùng. 

Một nguồn tin cho biết, tình trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài, trường Trung cấp Y dược Tôn Thất Tùng liên tục tuyển sinh, “chạy” quảng cáo trên mạng xã hội rầm rộ với những lời “mời gọi” tham gia học các lớp trung cấp chính quy, liên thông cao đẳng hoặc văn bằng 2.

 
 
Những tin nhắn trao đổi của chị L. với học viên 

Chị L. một người tự xưng là nhân viên tuyển sinh của trường Trung cấp Y dược Tôn Thất Tùng đã nói, nhà trường sẽ tạo điều kiện để học viên lấy bằng sớm bằng cách “ghép” các bạn học viên mới vào các lớp đã học và sắp tốt nghiệp. 

L. đã giới thiệu một số học viên tham gia các lớp đã khai giảng được 1 năm nhằm rút ngắn thời gian học và lấy bằng trung cấp Dược.

Để hợp thức hoá việc này, L. gửi bài kiểm tra các môn đã học để học viên chép lại và gửi về trường.

Bên cạnh đó, L. cũng cho biết, đối với việc đào tạo, nhà trường tổ chức học lý thuyết online vào hai ngày thứ 7, chủ nhật. 

Trong khi đó, học viên cũng có thể lựa chọn học thực hành tại nhà hoặc các cơ sở, phòng khám mà học viên quen biết.

Với cách học như không học kiểu này, học viên chỉ sau một thời gian ngắn đã có thể lấy bằng trung cấp, đủ điều kiện bước chân vào thị trường lao động.

 Học viên được gửi bài tập, đề cương qua Zalo sau đó sẽ chép lại và gửi về trường
 

Tuy nhiên, điều đáng nói là những nhân viên của trường Trung cấp Y dược Tôn Thất Tùng lại hoàn toàn không ý thức được hành vi của họ đang vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế tuyển sinh, lương tâm và đạo đức.

Thậm chí họ còn cho rằng, trường đã giúp được nhiều học viên có bằng sớm để mở phòng khám, hiệu thuốc.

Quan sát một buổi học online do học viên ghi lại, chúng tôi giật mình bởi những gì đang diễn ra.

Việc học diễn ra bằng hình thức online qua phần mềm zoom. Học viên tương tác qua màn hình điện thoại, laptop trong khi giảng viên dạy “chay” 100% bằng những slide đơn giản. 

Với cách học kiểu này, chất lượng đào tạo học viên sau khi ra trường sẽ như thế nào?

Chưa kể, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có quy định nêu rất rõ với ngành chăm sóc sức khoẻ phải đào tạo bằng hình thức trực tiếp, đảm bảo thời lượng học lý thuyết và thực hành.

 Lớp học online được tổ chức vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần
 

Đừng làm xấu tên tuổi của Giáo sư Tôn Thất Tùng!

Bên cạnh hoạt động đào tạo, giảng dạy có nhiều vi phạm, sai quy chế và đạo đức, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của trường Trung cấp Y dược Tôn Thất Tùng cũng đặt ra nhiều dấu hỏi.

Theo quan sát, tại cơ sở Hà Nội có địa chỉ số 28 Vườn Cam, cơ sở vật chất không có gì khác ngoài một căn phòng rộng 20m2 là nơi cho học viên đến nộp hồ sơ.

Tại đây cũng không có bất kỳ hoạt động đào tạo, giảng dạy nào.

Tại Ninh Bình, trụ sở trường Trung cấp Y dược Tôn Thất Tùng lọt thỏm trong một khu dân cư với diện tích khiêm tốn.

Theo quan sát của phóng viên, các hoạt động đào tạo, giảng dạy tại cơ sở chính cũng rất hạn chế.

Trong trang web của trường Trung cấp Y dược Tôn Thất Tùng giới thiệu:

Trường Trung cấp Y – Dược Tôn Thất Tùng thành lập theo quyết định số 429/QĐ-UBND của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình.

Tổng số giáo viên của trường đến nay là 98 giáo viên. Trong đó, giáo viên có trình độ: sau đại học 30, đại học 45, cao đẳng và trung cấp 23. Nhiều giáo viên có thâm niên giảng dạy 30 – 40 năm.

Nhà trường có cảnh quan sư phạm phù hợp với phòng lý thuyết đủ tiêu chuẩn, phòng thực hành với đầy đủ trang thiết bị của Bộ Y tế quy định để giảng dạy cho học sinh theo học các ngành: Y sỹ, Dược sỹ và Điều dưỡng học tập tại trường.

 Học viên được tạo điều kiện chép bài qua môn nhằm tốt nghiệp sớm

Mặc dù quảng cáo là vậy nhưng thực tế cơ sở vật chất phục vụ đào tạo tại 2 cơ sở của trường Trung cấp Y dược Tôn Thất Tùng nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy không đáp ứng các quy định của pháp luật.

Theo Nghị định 143/2016/NĐ-CP, Nghị định 140/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, điều kiện thành lập trường Trung cấp nghề nghiệp bao gồm:

Có địa điểm xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo diện tích đất sử dụng tối thiểu của trường trung cấp là 10.000 m2 đối với khu vực đô thị và 20.000 m2 đối với khu vực ngoài đô thị;

Có phòng học; phòng thí nghiệm; phòng, xưởng thực hành, thực tập; cơ sở sản xuất thử nghiệm đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học theo chương trình đào tạo, quy mô đào tạo của từng ngành, nghề. Diện tích phòng học lý thuyết; phòng, xưởng thực hành, thực tập dùng cho học tập, giảng dạy bảo đảm ở mức bình quân ít nhất là 5,5 m2/chỗ học.

Có đủ thiết bị đào tạo của từng ngành, nghề đào tạo đáp ứng theo danh mục và tiêu chuẩn thiết bị tối thiểu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định. Trường hợp Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa ban hành danh mục và tiêu chuẩn thiết bị tối thiểu của ngành, nghề đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp thì phải bảo đảm đủ thiết bị đào tạo theo quy định trong chương trình đào tạo và tương ứng với quy mô đào tạo của ngành, nghề đăng ký hoạt động.

Có thư viện với các phần mềm và trang thiết bị phục vụ cho việc mượn, tra cứu, nghiên cứu tài liệu; có đủ nguồn thông tin tư liệu như sách, giáo trình, bài giảng của các mô đun, tín chỉ, học phần, môn học, các tài liệu liên quan đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập.

Có đủ phòng làm việc, khu hành chính và khu hiệu bộ, bảo đảm đáp ứng cơ cấu tổ chức phòng, khoa, bộ môn chuyên môn, bảo đảm diện tích ít nhất là 06 m2/người đối với đào tạo trình độ trung cấp và 08 m2/người đối với đào tạo trình độ cao đẳng.

Có các công trình xây dựng phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí và các công trình y tế, dịch vụ để phục vụ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên.

Có đủ chương trình, giáo trình đào tạo của từng ngành, nghề đăng ký hoạt động được xây dựng, thẩm định, ban hành theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Có đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý đủ về số lượng, phù hợp với cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo; đạt tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm theo quy định của pháp luật; bảo đảm thực hiện mục tiêu, chương trình đào tạo, trong đó:

Tỷ lệ học sinh, sinh viên/giáo viên, giảng viên tối đa là 25. Có số lượng giáo viên, giảng viên cơ hữu đảm bảo đảm nhận tối thiểu là 60% chương trình của mỗi ngành nghề đào tạo.

Giáo viên, giảng viên là người nước ngoài giảng dạy tại các trường trung cấp, trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các quy định về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tới đây, khi những góc khuất trong việc đào tạo, giảng dạy của trường Trung cấp Y dược Tôn Thất Tùng được phơi bày, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình cần vào cuộc làm rõ những vấn đề được phản ánh trong bài viết này. 

Đồng thời xem xét Trường Trung cấp Y dược Tôn Thất Tùng có đủ điều kiện được cấp phép đào tạo khối ngành Y- dược hay không?