Có thể sinh lợi cao hơn 2-3%/năm so với tiền gửi, song các ngân hàng lại sắp bị hạn chế mua bán trái phiếu doanh nghiệp

10/03/2021 12:48 toquoc.vn

Trái phiếu là một trong những kênh huy động "nóng" trong năm qua, khi tín dụng ngân hàng bị siết chặt trước quy định mới. Dù vậy, sự tăng trưởng liên tục của trái phiếu gây ra nhiều áp lực về tỷ lệ an toàn cho nhà đầu tư, cũng như tính hiệu quả của dòng vốn thị trường nói chung. Nghị định 81 ra đời với những quy định chặt chẽ về phát hành, đối tượng tham gia… theo đó là công cụ cần thiết để giảm tốc kênh huy động này.

Doanh nghiệp sẽ tích cực phát hành trái phiếu ra công chúng

Chịu tác động của Nghị định 81, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành giảm tốc khá mạnh trong quý 4/2020. Cụ thể, các doanh nghiệp đã phát hành 81,5 nghìn tỷ đồng, giảm -30% so với quý 4/2019 và -59% so với quý 3/2020. Trong đó, nếu loại trừ trái phiếu do các ngân hàng và công ty chứng khoán phát hành, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý 4/2020 chỉ là 45 nghìn tỷ đồng, giảm -37% so với cùng kỳ và -68,6% so với quý liền trước.

Bước sang năm 2021, theo giới phân tích, việc siết chặt điều kiện nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ sẽ là động lực khiến các doanh nghiệp chuyển sang hình thức phát hành ra công chúng để tiếp cận được nguồn tiền đầu tư từ các cá nhân nhỏ lẻ. Tỷ trọng phát hành ra công chúng có thể tăng so với mức chỉ 5,2% của năm 2020.

Chưa tính đến yêu cầu tổ chức phát hành hoặc trái phiếu chào bán phải được xếp hạng tín nhiệm sẽ có hiệu lực sau 2 năm nữa, các điều kiện phát hành ra công chúng khác cũng khắt khe hơn nhiều so với phát hành riêng lẻ. Bởi vậy, những doanh nghiệp không đáp ứng được sẽ vẫn phải tìm đến kênh phát hành riêng lẻ, SSI Research nhận định.

Ngoài ra, các yêu cầu về công bố thông tin và niêm yết trái phiếu khi phát hành ra công chúng cũng khiến nhiều doanh nghiệp kể cả các doanh nghiệp lớn ưa thích phát hành riêng lẻ hơn.

Tỷ trọng sở hữu trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại nhiều khả năng sẽ giảm xuống

Đáng chú ý, dù các ngân hàng thương mại gia tăng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2020 nhưng tỷ trọng sở hữu trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại nhiều khả năng sẽ giảm xuống khi ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành dự thảo Thông tư quy định việc tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, hiện đã được công bố để lấy ý kiến.

Dự thảo quy định tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu của tổ chức phát hành có phát sinh nợ xấu trong 12 tháng gần nhất (tại tất cả các tổ chức tín dụng); không được mua lại trái phiếu đã bán và/hoặc trái phiếu phát hành cùng lô/đợt với trái phiếu đã bán trong vòng 12 tháng; không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho các công ty con.

Theo định hướng, các ngân hàng thương mại sẽ tập trung vào kênh tín dụng ngắn hạn và trái phiếu doanh nghiệp sẽ là kênh huy động vốn vay trung và dài hạn của doanh nghiệp; việc các ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho doanh nghiệp thông qua đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ hạn chế hơn.

Cần nhấn mạnh, ngân hàng thương mại luôn thuộc Top tham gia kênh trái phiếu doanh nghiệp, điều này từng tạo ra nghi vấn "cho vay lách", khi nhu cầu vốn hiện hữu nhưng những quy định về cấp tín dụng chính ngạch bị siết chặt.

Điểm lại năm 2020, các doanh nghiệp phát hành tổng cộng 455 nghìn tỷ đồng, tăng 48,4% so với lượng phát hành năm 2019. Trong đó, doanh nghiệp bất động sản phát hành tổng cộng 182,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,1% tổng phát hành toàn thị trường – tăng so với tỷ trọng 39,6% năm 2019 và là nhóm phát hành nhiều nhất trong 2 năm gần đây.

Nhóm ngân hàng thương mại là nhóm phát hành nhiều thứ 2 với tổng lượng phát hành là 130,6 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên do lượng phát hành chỉ tăng 10,6% (thấp hơn mức tăng toàn thị trường) nên tỷ trọng của trái phiếu ngân hàng thu hẹp đáng kể từ mức 38,5% (2019) xuống 28,7% (2020).

TPDN dự mang lại tỷ suất sinh lời cao hơn từ 2-5%/năm so với tiền gửi

Năm 2021, cùng với Luật chứng khoán 2019, một loạt văn bản pháp luật liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng được ban hành và có hiệu lực, bao gồm: Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán; Thông tư 122/TT-BTC hướng dẫn chế độ công bố thông tin và báo cáo theo quy định tại Nghị định 153.

SSI Research dự báo, so với năm 2020, sức mua của các nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân sẽ giảm bớt do không ít nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất tiền gửi thấp (chỉ từ 4,5%-5,5%/năm với kỳ hạn 12 tháng) dự kiến vẫn tiếp tục duy trì ít nhất là trong nửa đầu năm 2021 và có thể chỉ nhích nhẹ vào nửa cuối năm.

Ở mức lãi suất này, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đang mang lại tỷ suất sinh lời cao hơn từ 2-5%/năm so với tiền gửi nên vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Môi trường lãi suất thấp vẫn là động lực cơ bản thúc đẩy cả thị trường sơ cấp và thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng.