Chuyên gia quốc tế dự báo giá vàng sẽ vượt mốc 3.000 USD/ounce

24/02/2024 06:00 vietmy.net.vn

Kết thúc chuỗi ngày “sốt vàng” vía Thần Tài, giá vàng trong nước mấy ngày qua hạ nhiệt nhanh chóng, giảm về quanh ngưỡng 78 triệu đồng/lượng.

Trong phiên giao dịch ngày 22/2, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội được niêm yết ở mức 75,7 triệu đồng/lượng mua vào và 77,92 triệu đồng/lượng bán ra, thấp hơn so với mức cao kỷ lục 80,3 triệu đồng/lượng ghi nhận hôm 26/12/2023.

Tại TPHCM, giá vàng SJC niêm yết giá ở chiều mua tương tự so với khu vực Hà Nội, nhưng giá ở chiều bán ra thấp hơn 20.000 đồng/lượng.

Như vậy, so với phiên trước đó, giá vàng SJC đã giảm 100.000 đồng/lượng ở hai chiều mua bán.

 

Trong khi đó, giá vàng DOJI tại khu vực Hà Nội và TP.HCM cùng giao dịch ở mức 75,65 triệu đồng/lượng mua vào và 77,85 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với chốt phiên trước.

Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay thế giới sáng nay (22/2) được giao dịch ở mức 2.027,3 USD/ounce, thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh lịch sử 2.135 USD/ounce hồi tháng 12/2023.

Giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá ngân hàng hiện tương đương 60,9 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế và phí).

Theo đó, giá vàng thế giới đang thấp hơn khoảng 17 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Ông Aakash Doshi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa Bắc Mỹ của Ngân hàng Citi nhận định giá vàng thế giới có thể vọt lên 3.000 USD/ounce trong 12-18 tháng tới. Thậm chí, giá vàng có thể cao hơn nếu tỷ giá USD/VND tăng trong tương lai

Ước tính với mức chênh 17-20 triệu đồng, giá vàng miếng SJC trong nước có thể tăng gần gấp rưỡi so với hiện nay, lên trên ngưỡng 110 triệu đồng/lượng vào nửa cuối năm 2024 hoặc nửa đầu năm sau.

Tuy nhiên, điều kiện để giá vàng miếng SJC lên mức cao kỷ lục như dự báo thì nguồn cung vàng trong nước phải tiếp tục khan hiếm như hiện tại và vàng miếng SJC vẫn là thương hiệu quốc gia độc quyền duy nhất.

Nhà phân tích của Citi cho rằng kịch bản có khả năng xảy ra nhất khiến giá vàng vọt lên 3.000 USD/ounce là sự tăng tốc nhanh chóng của xu hướng phi đô la hóa của các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi, điều này dẫn đến khủng hoảng niềm tin vào đồng USD.

Ông Doshi cho biết hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương đã tăng lên mức kỷ lục trong những năm gần đây khi họ tìm cách đa dạng hóa dự trữ và giảm rủi ro tín dụng.

Vào tháng 1, Hội đồng Vàng Thế giới ước tính các ngân hàng trung ương thế giới đã duy trì hai năm liên tiếp mua hơn 1.000 tấn vàng.

Theo ông Doshi, nếu con số này tăng gấp đôi lên 2.000 tấn, giá vàng sẽ nhận được lực đẩy mạnh mẽ.

Yếu tố khác khiến giá vàng có thể lên mức 3.000 USD/ounce là một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu sâu, vốn sẽ thúc đẩy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất nhanh chóng.

Giá vàng có xu hướng tỷ lệ nghịch với lãi suất. Khi lãi suất giảm, vàng trở nên hấp dẫn hơn so với các tài sản có thu nhập cố định như trái phiếu, vốn sẽ mang lại lợi nhuận thấp hơn trong môi trường lãi suất thấp.

Tình trạng lạm phát ngày càng tăng trong khi tăng trưởng kinh tế chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng có thể là một chất xúc tác khác khiến giá vàng tăng vọt. Nhưng, ông Doshi cho rằng khả năng xảy ra kịch bản như vậy là rất thấp.

Ngân hàng Bank of America cũng mới đưa ra dự báo giá vàng lên 2.400 USD/ounce trong năm 2024, cao hơn kỷ lục 2.100 USD/ounce ghi nhận vào gần cuối năm 2023.

Diệp Anh

Link gốc