Chuyển đổi số trong lĩnh vực BĐS giúp minh bạch thị trường, phát triển bền vững

18/06/2022 08:00 toquoc.vn

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam phối hợp Báo Công Thương tổ chức hội thảo "Thị trường bất động sản trong xu thế chuyển đổi số".

Hội thảo nhằm góp phần giúp doanh nghiệp bất động sản (BĐS) có thông tin toàn cảnh về "bức tranh" chuyển đổi số trong lĩnh vực BĐS, những tác động và cơ hội mà chuyển đổi số mang lại trong BĐS; gợi mở các giải pháp, khuyến nghị cho doanh nghiệp bất động sản chủ động thích ứng và chuyển đổi số thành công.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập báo Công Thương cho biết năm 2021, kinh tế số mới chiếm khoảng 11-12% GDP. Mục tiêu về kinh tế số Việt Nam là 20% GDP vào năm 2025, tức là phải tăng trưởng 20-25%/năm.

Năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52 về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế số. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia với ba trụ cột là: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Đầu năm 2021, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII định hướng đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Kinh tế số và Xã hội số. Chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu và làm thay đổi toàn diện mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã diễn ra mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực như tài chính, du lịch…Tuy nhiên, trong lĩnh vực BĐS, chuyển đổi số diễn ra chậm hơn.

"Hội thảo kỳ vọng sẽ góp một phần nhận diện mức độ chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản hiện nay, giúp doanh nghiệp đánh giá được mức độ chuyển đổi số hiện tại và có chiến lược phát triển phù hợp; từ đó, thúc đẩy nhanh hơn, bền vững hơn tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực BĐS", ông Nguyễn Văn Minh nói.

Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, thị trường BĐS Việt Nam năng động và có nhiều động lực phát triển nhất châu Á, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm. BĐS được dự báo triển vọng rất tích cực trong 20 năm tới. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này cũng đối mặt với những vấn đề nội tại khi quy mô ngày càng tăng và với tốc độ ngày càng nhanh. BĐS từ lâu đã được coi là một trong những tài sản có tính thanh khoản thấp nhất. Các hệ thống thủ tục pháp lý phức tạp rào cản gia nhập thị trường quá cao với hầu hết mọi người, vì tài sản quá đắt, đang ảnh hưởng tới dòng vốn chảy vào BĐS. Các dòng tài chính quy mô lớn chủ yếu dựa vào các khoản vay ngân hàng và trái phiếu, làm gia tăng rủi ro hệ thống. Rủi ro của ngành BĐS đã trở thành một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế, cả về rủi ro tài chính lẫn sự lãng phi tái nguyên đất.

"Chuyển đổi số, như quá trình dịch chuyển từ các quyết định tự phát của thị trường sang các quyết định dựa trên nền tảng dữ liệu, được mong đợi sẽ mang lại giải pháp dẫn dắt ngành công nghiệp này vượt qua những vấn đề nội tại", ông Trương Trí Vĩnh – Phó Tổng Thư ký thường trực Hội môi giới BĐS Việt Nam nói.

Nổi bật tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia công nghệ thông tin và chuyên gia bất động sản đều có chung nhận định: Chuyển đổi số trong lĩnh vực BĐS là xu hướng tất yếu. Chuyển đổi số sẽ giúp minh bạch thị trường BĐS, giúp thị trường BĐS phát triển bền vững.

Chủ động thích ứng và có chiến lược chuyển đổi số phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận khách hàng, tăng trải nghiệm cho khách hàng, mở rộng thị trường từ đó tăng doanh thu. Tận dụng được các cơ hội từ chuyển đổi số sẽ làm gia tăng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp. Ngược lại, nếu doanh nghiệp chậm chạp và không có chiến lược chuyển đổi số phù hợp sẽ bị tụt lại và có nguy cơ bị đào thải.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Thành viên hội đồng chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho biết: Chuyển đổi số giúp tăng cơ hội tăng trưởng, tăng hiệu quả để giao dự án nhanh hơn, dòng doanh thu mới, giảm chi phí, cải thiện tiến độ, tăng tiết kiệm nguồn cung ứng; tối ưu hóa tác động môi trường, giảm chất thải, tăng tính tuân thủ; cải thiện sự hài lòng của khách hàng, giảm rải ro kinh doanh và công nghệ, cải thiện việc ra quyết định.

"Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp BĐS cần xây dựng và thực thi chiến lược, mô hình kinh doanh phù hợp với thời đại số; nghiên cứu, tính toán phương án tối ưu về đầu tư công nghệ thông tin và tích hợp các kênh phân phối khác nhau; thay đổi mô thức tuyển dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số; tăng cường kết nối, hợp tác; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro công nghệ thông tin. Ngoài ra, cần xây dựng, quản lý, khai thác và phân tích cơ sở dữ liệu; kiến nghị, tham gia xây dựng khuôn khổ pháp lý cho chuyển đổi số; hỗ trợ nâng cao kiến thức, nhận thức của khách hàng và cơ quan quản lý về chuyển đổi số", Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho biết.

PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh, Chủ tịch HĐKH Viện sáng tạo chuyển đổi số Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số trong phát triển BĐS là một xu hướng tất yếu và diễn ra nhanh chóng với sự hỗ trợ của các công nghệ mới, và sự phát triển của các công nghệ trong CMCN 4.0 như phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, mobile và cloud computing, thực tế ảo/thực tại tăng cường (VR/AR), BIM cùng với các công nghệ truyền thống như GIS đã gia tăng các kết nối khách hàng, trong quản lý bất động sản hiểu quả và thông minh, quy hoạch phát triển và gia tăng chuỗi giá trị trong bất động sản.

"Cùng với sự phát triển của BĐS thương mại là BĐS công nghiệp, mà ở đó công nghệ đóng một vai trò quan trọng trong thiết kế, xây dựng với các nhà máy thông minh, quản lý tài sản số của BĐS với các xu hướng công nghệ tích hợp như Digital Twin và Metaverse trong phát triển BĐS tương lại, đã thúc đẩy cho việc ứng dụng công nghệ số và các khía cạnh chuyển đổi số vào phát triển BĐS trở nên cấp thiết và quan trọng hơn bao giờ hết", PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh nói.

Tại hội thảo, hơn 300 đại biểu đã được cập nhật thông tin chung về thị trường bất động sản hiện nay, và toàn cảnh thị trường bất động sản trong xu thế chuyển đổi số.