Chính phủ đang hỗ trợ, miễn giảm "tất tần tật" cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh thời COVID-19

12/09/2021 08:45 Quảng Dương

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.

Nghị quyết của Chính phủ đặt mục tiêu đến hết năm 2021 phấn đấu lũy kế ít nhất khoảng 1 triệu lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh.

Đại đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế.

Bên cạnh đó, miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động... cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Cùng với việc rà soát quy định cho phép bảo hiểm y tế được thanh toán các hoạt động khám, chữa bệnh từ xa có thu phí, Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn việc doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, thực hiện việc tự xét nghiệm và tự công nhận kết quả.

Nghiên cứu xây dựng cơ chế, tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu vắc xin, Nhà nước thực hiện kiểm tra chất lượng, cấp phép, bảo quản và tổ chức tiêm vắc xin miễn phí cho người dân; với địa bàn thực hiện chỉ thị 16 có hướng dẫn, lộ trình để doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại; hướng dẫn về việc tham gia lưu thông…

Đặc biệt, để hỗ trợ và cấp cứu kịp thời về dòng tiền cho doanh nghiệp vốn đang là gánh nặng lớn nhất hiện nay, nghị quyết nêu vấn đề hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền.

Cụ thể, các đơn vị liên quan trình cấp thẩm quyền về việc giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn; miễn tiền phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội phát sinh trong năm 2020 và 2021.

Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời COVID-19

Có chính sách giá dịch vụ liên quan đến hoạt động hàng không; công khai niêm yết giá cước vận tải biển, chống tình trạng lợi dụng tình hình dịch để tăng giá cước bất hợp lý; thực hiện hỗ trợ giảm tiền điện, giá điện…

Đồng thời, khẩn trương triển khai các chính sách giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; đề xuất tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021; cho phép doanh nghiệp dịch vụ lữ hành giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh đến hết năm 2023, giảm thời gian giải quyết hoàn tiền ký quỹ xuống còn 30 ngày.

Thực hiện linh hoạt chính sách tiền tệ, gắn kết chặt chẽ với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cần khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp với các khoản vay.

Sửa đổi, bổ sung chính sách về cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi, thời gian áp dụng tùy vào tình hình dịch.

Có cơ chế, chính sách hỗ trợ tín dụng giúp các hãng hàng không giải quyết thanh khoản, đảm bảo nguồn lực để duy trì và phát triển.

Xem xét miễn nộp phí công đoàn cũng như giảm đóng kinh phí công đoàn trong năm 2021 - 2022, có giải pháp hỗ trợ thiết thực cho người lao động. Có giải pháp để tạo thuận lợi về lao động, chuyên gia trong cấp giấy phép lao động, đẩy nhanh đàm phán, công nhận lẫn nhau về thực hiện hộ chiếu vắc xin…

Chính phủ chỉ đạo các địa phương áp dụng thống nhất quy định cách ly y tế tập trung đối với người nhập cảnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngoài ra, nghiên cứu giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp tại địa phương thu hút lực lượng lao động quay trở lại làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, các cơ sở sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; chủ động xây dựng phương án hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động từ các địa phương khác trở về, góp phần đảm bảo an sinh cho người lao động và trật tự an toàn, xã hội.