'Chấm điểm' cơ quan nhà nước

09/12/2022 10:01 daidoanket.vn

Bộ Nội vụ mới ban hành văn bản về việc tổ chức triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Qua việc “chấm điểm”, người dân có thể bày tỏ hài lòng hay không hài lòng. Tuy nhiên, để có được kết quả khách quan thì còn nhiều việc phải làm.

Khảo sát sự hài lòng của người dân với cơ quan nhà nước đã được triển khai từ khá sớm, nhưng có thể nói kết quả không như mong đợi, vẫn gợn lên những băn khoăn khi kết quả rất tích cực, trong khi người dân, doanh nghiệp vẫn chưa hết than phiền. Nếu kết quả khảo sát “mỹ mãn” thì có lẽ Đảng, Nhà nước đã không phải đôn đốc thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính. Và cũng chính vì thế mà lần này Bộ Nội vụ yêu cầu các cơ quan, đơn vị, công chức liên quan ở địa phương tuyệt đối không được định hướng, can thiệp, xem xét công việc phát phiếu khảo sát của điều tra viên; tuyệt đối không định hướng, can thiệp, xem xét việc trả lời phiếu khảo sát của người dân. Đồng thời phải thông tin đầy đủ, chính xác về mục đích, nội dung và yêu cầu của việc “chấm điểm” đến với người dân.

Cải cách thủ tục hành chính nêu cao đạo đức công vụ phục vụ nhân dân là điều hệ trọng nhưng cũng không dễ dàng. Ngày 19/10/2022, tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: "Cải cách hành chính là công việc nặng nề, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, nhưng khó mấy cũng phải làm để tháo gỡ khó khăn, vượt qua các thách thức, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Không để lãng phí thời gian, công sức vì thủ tục hành chính, tắc trách và quan liêu của người thi hành công vụ".

Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, bao gồm việc người dân, doanh nghiệp (DN) tiếp cận dịch vụ công; thủ tục hành chính; thái độ của công chức trực tiếp giải quyết công việc; việc tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị và kết quả dịch vụ. Nội dung đo lường sự hài lòng của người dân cũng chính là nhận xét, mức độ hài lòng/không hài lòng và sự mong đợi của người dân.

Ở đây, thái độ, tinh thần trách nhiệm, kỹ năng giải quyết công việc của cán bộ nổi lên hàng đầu.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng công tác cán bộ, Người căn dặn “cán bộ là gốc của mọi công việc”. Vì thế, Người yêu cầu phải thường xuyên đánh giá cán bộ để bố trí cán bộ cho đúng. Khi đánh giá phải khách quan, toàn diện, phải chú ý đến năng lực, hiệu quả công việc; phải chú trọng đến phẩm chất đạo đức. Người chỉ rõ: “Ai mà hay khoe công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích người khác, hay tự tâng bốc mình. Những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải cán bộ tốt” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2011, tr.318).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc đánh giá cán bộ cần phải dựa vào nhân dân, phát huy dân chủ và nắm bắt được dư luận xã hội mới bảo đảm thực chất và hiệu quả.

Việc đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cũng chính là “chấm điểm” cán bộ, xem người đó làm việc thế nào, có vì dân, vì DN hay ngược lại làm khó dân, làm khó DN để trục lợi cá nhân. Có quyền hành, có vị trí công tác trong tay lại không phục vụ dân, phục vụ DN thì đó là cán bộ xấu. Cơ quan, đơn vị, địa phương để tồn tại, dung dưỡng những cán bộ như vậy thì cũng không hoàn thành nhiệm vụ.

Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ phải là công bộc của dân, chịu sự giám sát của dân. Tại mục 2, Điều 8 Luật Cán bộ, công chức có ghi: “Tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân”.

Trở lại với việc “chấm điểm” lần này, mấu chốt phải là sự minh bạch, dân chủ; cũng có nghĩa là không được can thiệp vào công việc khảo sát, không định hướng và không được làm sai lệch kết quả của cuộc khảo sát. Tất nhiên, ai cũng muốn cơ quan, đơn vị, địa phương mình nhận được nhiều lời khen của dân. Nhưng rất quan trọng hơn là thẳng thắn, dũng cảm thừa nhận kết quả khách quan thì mới biết mình mạnh gì, yếu gì, sai sót ở đâu từ đó có hướng khắc phục.

Muốn có kết quả khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân, DN đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước một cách đúng đắn, thì việc giám sát là hết sức quan trọng. Giám sát để bảo đảm không bị tác động làm cho sai lệch. Còn nếu chỉ tổ chức một cách hình thức thì với kết quả “quá đẹp” như vẫn thấy sẽ không giúp gì cho việc cải cách hành chính, xây dựng đạo đức công vụ một cách thực chất.