'Cát tặc' vẫn lộng hành

14/04/2024 06:00 daidoanket.vn

Chỉ trong thời gian ngắn, Công an TPHCM phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, bắt và xử lý gần 50 vụ việc khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát không có nguồn gốc.

Thủ đoạn tinh vi

Trong đường dây “cát tặc” do Trương Văn Chinh (SN 1985, trú tỉnh Lâm Đồng) cầm đầu cùng 22 đối tượng liên quan vừa được Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an TPHCM hoàn tất kết luận điều tra, Chinh đã chỉ đạo các thành viên liên lạc với nhau bằng ám hiệu nhắn tin với nội dung “đi nhậu” (đi hút cát), “tắt đèn” hoặc “nghỉ nhậu” (không đi hút cát). Do đó, đường dây “cát tặc” do Chinh cầm đầu đã hoạt động suốt thời gian dài.

Theo cơ quan điều tra, tính tại thời điểm triệt phá đường dây “cát tặc” quy mô lớn này, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an và Công an TPHCM phối hợp tuần tra khu vực Cồn Ngựa ven biển thuộc huyện Cần Giờ (TPHCM) phát hiện, kiểm tra 12 tàu có lắp thiết bị hút cát có tải trọng từ 591 đến gần 1.800 tấn. Công an cũng tiếp tục kiểm tra các sà lan đang neo đậu tại khu vực ngã ba sông Vàm Tuần thuộc huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An, giáp ranh TPHCM) để xác minh việc vận chuyển số lượng cát lớn không rõ nguồn gốc kể trên.

Tại cơ quan điều tra, Trương Văn Chinh khai nhận, đã cầm đầu tổ chức, điều hành đường dây khai thác cát trái phép tại khu vực biển Cồn Ngựa (huyện Cần Giờ), đầu tư 9 tàu hút cát có ký hiệu đăng ký tại các tỉnh, thành khác để phục vụ cho khai thác cát khu vực ven biển Cần Giờ (TPHCM) giáp ranh với tỉnh Long An. Chinh móc nối, nhờ Trương Văn Thắng, đối tượng môi giới, giới thiệu với các chủ tàu để điều hành đường dây khai thác cát trái phép. Đồng thời, Chinh lập nhóm nhắn tin riêng của đường dây, để trao đổi, chỉ đạo các thuyền trưởng cho tàu đi hút cát hoặc “ám hiệu” để các tàu “qua mặt” cơ quan chức năng tuần tra, kiểm soát.

Theo đại diện Phòng Tham mưu, Công an TPHCM, thủ đoạn của đường dây “cát tặc này là sẽ ám hiệu việc đi hút cát bằng cách nhắn tin nội dung “đi nhậu”, “tắt đèn” hoặc hôm nào không đi hút cát sẽ được ám hiệu nhắn tin với nội dung “nghỉ nhậu”. Để tránh việc bị phát hiện, các đối tượng cũng thực hiện hoạt động khai thác và tiêu thụ cát trong khung giờ buổi tối đến rạng sáng ngày hôm sau để tránh lực lượng chức năng.

Quyết liệt tuần tra, xử lý

Theo thống kê của Công an TPHCM và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, từ đầu năm 2023 đến nay, các đơn vị chức năng đã bắt và xử lý gần 50 trường hợp khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát không có nguồn gốc hợp pháp, với hơn 100 phương tiện bị thu giữ, chờ xử lý. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 2,7 tỷ đồng, thu giữ gần 12.500m3 cát.

Ngoài đường dây khai thác cát trái phép khu vực biển Cần Giờ giáp ranh với tỉnh Long An, Công an TPHCM cũng đã triệt phá một đường dây “cát tặc” khác hoạt động trên khu vực sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh giữa TP Thủ Đức và TP Biên Hòa (Đồng Nai). Hiện nay, Công an TPHCM đã khởi tố vụ án, khởi tố 6 bị can và đang tiếp tục điều tra mở rộng để làm rõ vụ việc.

Mới đây, khi tổng kết Đề án “Phòng - chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ”, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, các cơ quan chức năng của thành phố đã bắt và xử lý nhiều vụ việc, tịch thu hơn 200 phương tiện, thu giữ gần 65.000m3 cát, xử phạt khoảng 6 tỷ đồng. Trong đó, tình trạng khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát không rõ nguồn gốc diễn biến phức tạp trên các tuyến sông thuộc các xã Tam Thôn Hiệp, Long Hòa, Lý Nhơn,… thuộc huyện Cần Giờ. Ngoài khu vực này, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 cũng tuần tra, xử lý nhiều vụ vận chuyển hàng nghìn mét khối cát lậu trên vùng biển giáp ranh giữa TPHCM và các tỉnh Tiền Giang, Bà rịa - Vũng Tàu. Hầu hết các vụ bắt giữ đều không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa theo quy định của pháp luật. Các đối tượng “cát tặc” và buôn lậu thường lợi dụng địa bàn giáp ranh, đêm tối, đoạn sông (biển) vắng người để đưa phương tiện gắn máy bơm hút cát có công suất lớn bơm hút cát trái phép. Sau đó, các tàu hút cát chọn thời điểm rạng sáng để san số cát khai thác trái phép sang các ghe nhỏ lẻ để vận chuyển đi tiêu thụ tại một số quận, huyện ở TPHCM và các tỉnh, thành lân cận.

Công an TPHCM cho biết, đang phối hợp với các sở, ban, ngành tiếp tục chủ động triển khai các nhiệm vụ thực hiện Đề án Phòng - chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và các vùng giáp ranh giữa TPHCM với các tỉnh giai đoạn 2023 - 2026. Chủ động tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát và thực hiện các biện pháp phòng, chống kinh doanh, vận chuyển cát không có nguồn gốc hợp pháp vào thành phố tiêu thụ.

 

Link gốc