Cần xem xét quy định cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai

22/02/2023 12:00 daidoanket.vn

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) diễn ra chiều 21/2, các đại biểu cho rằng các quy định trong dự thảo Luật cần thể hiện được tính đồng bộ, thống nhất và hài hòa với quy định liên quan của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu. Ảnh: Quang Vinh.

Tại Hội nghị, ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ sự tán thành với nhiều nội dung quy định của dự thảo luật. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần tham khảo, cân nhắc thêm về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Cụ thể, khoản 2 Điều 225 quy định “Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc do Trọng tài thương mại giải quyết theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại”.

Tuy nhiên, trong điều kiện thực tiễn hiện nay ở Việt Nam mà dự thảo Luật Đất đai lần này chỉ giao cho Tòa án nhân dân, Trọng tài thương mại giải quyết các tranh chấp đất đai, mà không giao cho UBND giải quyết như trước, là không phù hợp, không khả thi và sẽ kéo dài thời gian giải quyết, mất nhiều thời gian, kinh phí cho các bên tham gia giải quyết. Vì vậy, ông Luyến kiến nghị nên quy định cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai theo hướng là khi có tranh chấp thì UBND cấp xã nơi có tranh chấp tổ chức hòa giải, nếu hòa giải không thành thì tùy theo tính chất, mức độ tranh chấp mà giao cho UBND cấp có thẩm quyền giải quyết; trường hợp các bên không đồng ý với quyết định giải quyết của UBND, thì có thể đề nghị UBND cấp trên trực tiếp giải quyết (lần 2) hoặc khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân để giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Bên cạnh đó, ông Luyến cũng đề nghị cơ quan soạn thảo sửa lại Điều 226 của dự thảo Luật nhằm bảo đảm quyền khiếu nại của công dân, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với Luật Khiếu nại; do quy định nêu trên của dự thảo Luật là làm hạn chế quyền công dân, không được khiếu nại lần 2 lên cấp trên của người giải quyết khiếu nại lần đầu và quy định này không thống nhất với quy định của Luật Khiếu nại.

TS Nguyễn Thế Dũng, chuyên gia độc lập Dự án quản trị đất đai sông Mê Kông phát biểu. Ảnh: Quang Vinh.

TS Nguyễn Thế Dũng, chuyên gia độc lập Dự án quản trị đất đai sông Mê Kông phát biểu. Ảnh: Quang Vinh.

Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), TS Nguyễn Thế Dũng, chuyên gia độc lập Dự án quản trị đất đai sông Mê Kông cho rằng, dự thảo Luật còn một số khoảng trống như chưa thừa nhận quyền hưởng dụng đất và thực hành theo tập tục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như một nhóm hoặc cộng đồng để giao đất, cho phép tiếp cận để quản lý, sử dụng và hưởng lợi từ đất; thiếu quan tâm đến sự đồng thuận của người dân và cộng đồng trong các hoạt động quản lý đất đai quan trọng, đặc biệt là những hoạt động có khả năng ảnh hưởng đến sinh kế hoặc không gian sống của hộ sản xuất nhỏ và đồng bào DTTS.

Ông Dũng đề xuất, dự thảo Luật cần hài hòa hóa dự thảo Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp 2017, trong đó cần làm rõ định nghĩa về cộng đồng người sử dụng đất; bổ sung một khoản vào Điều 23 để khẳng định cam kết tôn trọng không gian sống, quyền hưởng dụng đất theo phong tục của đồng bào DTTS, ưu tiên giao đất giao rừng cho cộng đồng và hộ dân DTTS; công nhận các nhóm và cộng đồng DTTS là những người sử dụng đất đủ điều kiện được giao đất; cung cấp cơ chế rõ ràng để giao đất và giao lại đất.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng nên mở rộng quy trình bắt buộc lấy ý kiến nhân dân trước khi quyết định quy hoạch và kế hoạch đất đai đối với các kế hoạch giao đất, thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, định giá đền bù, tích tụ đất đai; lồng ghép sự đồng thuận của cộng đồng như một yêu cầu bắt buộc vào quá trình thu hồi đất bắt buộc, tái định cư, bồi thường và tái định cư, tích tụ đất đai; lồng ghép các cơ chế giải quyết khiếu nại, xung đột và trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu, nhất là trong quá trình thu hồi, bồi thường và tái định cư, tích tụ đất đai.