Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Công nghệ thời 4.0 là phải rẻ nhất có thể

19/11/2020 06:25 toquoc.vn

 

 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Công nghệ thông tin, công nghệ số phải rẻ như không khí" - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Công nghệ thông tin, công nghệ số đã, đang và sẽ thâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, trở thành không khí thở của chúng ta. Và vì thế, nó phải rẻ như không khí. Và cách để đạt được điều đó là công nghệ mở". 

Theo Bộ trưởng, công nghệ mở ngày nay không còn chỉ là mã nguồn mở nữa, mà còn là kiến trúc mở và chuẩn mở. Và đi cùng công nghệ mở là văn hóa mở. Tất cả chúng ta cùng đóng góp phát triển công nghệ, cùng chia sẻ sử dụng công nghệ. Và vì thế mà giá công nghệ sẽ rẻ đi.

Công nghệ mở là để các quốc gia có thể làm chủ công nghệ mà mình sử dụng. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã tuyên bố chỉ mua công nghệ khi công nghệ là mở, nhất là khi các công nghệ đó dùng để xây dựng các hạ tầng nền tảng quốc gia. Việt Nam phát triển công nghệ 5G dựa trên chuẩn mở "Open RAN". 

"Không một công ty nào, một tập đoàn đa quốc gia nào, dù quy mô to đến đâu, có thể giải quyết mọi bài toán, đáp ứng mọi nhu cầu thay đổi. Không ai có thể hiểu bài toán, vấn đề của mình hơn chính mình và vì thế, chúng ta sẽ là người tốt nhất để giải bài toán của mình. Sự sáng tạo toàn dân chỉ có thể xảy ra khi công nghệ là mở. Công nghệ mở sẽ khai phóng năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh. 

Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông chia sẻ thêm, đại dịch covid-19, rất nhiều ứng dụng số Việt Nam, trong đó có Bluezone, CoMeet, đã được mở mã nguồn hoặc phát triển rất nhanh trên nền nguồn mở, đáp ứng các nhu cầu rất Việt Nam, góp phần chống dịch và đưa cuộc sống lên trạng thái bình thường mới.

Cho rằng "Dữ liệu là dầu mỏ", Bộ trưởng dự báo trong tương lai, hầu hết các giá trị sẽ được tạo ra từ dữ liệu. Càng nhiều dữ liệu, nhất là càng nhiều loại dữ liệu khác nhau thì cơ hội tạo ra giá trị mới càng lớn. 

Cũng theo Bộ trưởng, với một nước đi sau như Việt Nam muốn đi trước thì phải đứng trên vai những người khác. Việc lựa chọn phát triển công nghệ mở, lựa chọn phát triển phần mềm nguồn mở, lựa chọn mở dữ liệu để các cá nhân, doanh nghiệp tham gia sáng tạo giá trị mới là định hướng của chúng ta. 

"Với định hướng này, Việt Nam sẽ phát triển thành quốc gia công nghệ, dựa trên và thừa hưởng tri thức nhân loại nhưng cũng đóng góp cho tri thức nhân loại" - Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng đề nghị mỗi cơ quan, doanh nghiệp hãy nhận lấy cho mình một sứ mệnh, một bài toán và cam kết hành động. Cơ quan nhà nước hãy hành động để xây dựng chính sách, chiến lược. Doanh nghiệp hãy hành động để phát triển các nền tảng. Các cơ sở đào tạo hãy hành động để nuôi dưỡng và phát triển cộng đồng. 

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành quốc gia số vào năm 2030. Năm 2020 được coi là điểm khởi đầu cho Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, khởi động cho một giai đoạn mới đưa công nghệ số vào mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội.

Trong khuôn khổ các hoạt động thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT thực hiện sáng kiến Mở (Open) để phát triển và làm chủ công nghệ số. Sáng kiến được tổ chức thành Diễn đàn Công nghệ mở (Vietnam Open Summit) với khẩu hiệu hành động "Phát triển và làm chủ công nghệ số".

Tại Diễn đàn Công nghệ mở Việt Nam 2020 Phát triển và làm chủ công nghệ số, các cơ quan nhà nước, đại diện một số doanh nghiệp đã có phát biểu, trình bày định hướng phát triển công nghệ mở Việt Nam, các xu hướng phát triển công nghệ theo cách tiếp cận mở để làm chủ công nghệ.

Trong đó, điển hình như nền tảng mở cho phát triển Camera, mạng truy cập vô tuyến 5G mở, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu mở, cùng cách tiếp cận văn hóa mở, phát triển phần mềm dựa trên dữ liệu mở,…

Thông qua Diễn đàn này, nhiều bài toán thúc đẩy chuyển đổi số được các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đưa ra, thảo luận cùng nhau thống nhất chương trình hành động cho năm tới. Đại diện Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tuyên bố Chương trình hành động năm 2021 của Diễn đàn Công nghệ mở Việt Nam. Đây chính là cam kết của cộng đồng mở Việt Nam cùng chung tay phát triển và làm chủ công nghệ số, góp phần thúc đẩy Chuyển đổi số quốc gia./.

 

Thế Công