Bangladesh đang tiến tới một cuộc khủng hoảng như Sri Lanka?

22/05/2022 06:10 congluan.vn

Rủi ro từ những dự án "voi trắng"

Sri Lanka đã sa lầy vào tình trạng bất ổn kinh tế trong vài tháng qua, với việc thiếu hụt nghiêm trọng các mặt hàng thiết yếu và cạn kiệt xăng dầu, thuốc men và dự trữ ngoại hối.

Kết quả là sự phẫn nộ của công chúng nhắm vào chính phủ đã gây ra các cuộc biểu tình lớn trên đường phố và biến động chính trị, buộc Thủ tướng Mahinda Rajapaksa và Nội các của ông phải từ chức, đồng thời bổ nhiệm một Thủ tướng mới.

Nhiều người ở Bangladesh lo sợ rằng đất nước của họ có thể gặp phải tình huống tương tự, do thâm hụt thương mại gia tăng và gánh nặng từ việc vay nợ nước ngoài.

Bangladesh đã nhập khẩu hàng hóa trị giá 61,52 tỷ USD (58,48 tỷ euro) trong 9 tháng đầu năm tài chính 2021-2022, tăng 43,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, xuất khẩu tăng 32,9% trong khi lượng kiều hối từ những người Bangladesh sống ở nước ngoài giảm khoảng 20% ​​trong 4 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 7 tỷ USD.

Ông Muinul Islam, một nhà kinh tế học người Bangladesh và là cựu giáo sư tại Đại học Chittagong, lo ngại rằng thâm hụt thương mại có thể tăng lên trong những năm tới do nhập khẩu đang tăng với tốc độ nhanh hơn xuất khẩu.

"Nhập khẩu của chúng tôi dự kiến ​​đạt 85 tỷ USD vào năm nay, trong khi xuất khẩu sẽ không quá 50 tỷ USD. Thâm hụt thương mại 35 tỷ USD sẽ không thể được cân bằng chỉ bằng lượng kiều hối. Chúng tôi sẽ phải sống với khoản thiếu hụt khoảng 10 tỷ USD trong năm nay", ông Islam nói. 

Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng dự trữ ngoại hối của Bangladesh đã giảm từ 48 tỷ USD xuống còn 42 tỷ USD trong 8 tháng qua. Ông lo lắng rằng chúng có thể giảm thêm 4 tỷ USD trong những tháng tới.

"Nếu xu hướng nhập khẩu cao hơn so với xuất khẩu tiếp tục và chúng ta không thể giảm thiểu chênh lệch với lượng kiều hối, dự trữ ngoại hối của chúng ta sẽ giảm xuống mức nguy hiểm trong ba đến bốn năm tới", ông nhấn mạnh rằng điều này sẽ dẫn đến phá giá đáng kể tiền tệ của đất nước so với đồng USD.

Bangladesh, giống như Sri Lanka, cũng đã vay nước ngoài trong những năm gần đây để tài trợ cho cái mà các nhà phê bình gọi là các dự án "voi trắng", vốn tốn kém nhưng hoàn toàn không có lãi. Theo ông Islam, những "dự án không cần thiết" này có thể gây ra rắc rối khi đến thời điểm trả nợ.

"Chúng tôi đã vay 12 tỷ USD từ Nga cho một nhà máy điện hạt nhân có công suất sản xuất chỉ 2.400 MW. Chúng tôi có thể trả nợ trong 20 năm nhưng số tiền trả nợ sẽ là 565 triệu USD mỗi năm từ năm 2025", ông nói.

Tổng cộng, quốc gia này có thể sẽ phải trả 4 tỷ USD mỗi năm kể từ năm 2024, theo ước tính từ các khoản vay nước ngoài. Ông nhấn mạnh: “Tôi lo rằng Bangladesh sẽ không thể trả các khoản vay đó vào thời điểm đó vì thiếu hụt thu nhập từ các dự án lớn".

Bà Nazneen Ahmed, nhà kinh tế học Bangladesh tại Văn phòng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) ở Dhaka, nói rằng chính phủ phải đảm bảo các dự án được hoàn thành mà không có thêm chi phí và sự chậm trễ.

"Chúng tôi phải hoàn thành các dự án lớn một cách cẩn thận. Không có chỗ cho sự cẩu thả và tham nhũng. Những dự án đó không được trì hoãn cũng như không tăng ngân sách hiện có. Nếu chúng tôi có thể hoàn thành chúng đúng hạn, thì chúng tôi có thể hoàn trả các khoản vay", bà nói.

Tác động từ những bất ổn trên thế giới

Cuộc xung đột Ukraine cũng đã làm gia tăng áp lực lạm phát. Bangladesh đặc biệt dễ bị tổn thương do nước này nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa như dầu ăn, lúa mì và các mặt hàng thực phẩm khác, cũng như nhiên liệu.

Bà Ahmed cho biết những người nghèo đang chịu thiệt hại nặng nề nhất vì giá các mặt hàng này tăng chóng mặt. "Chính phủ phải cung cấp hàng hóa trợ cấp cho người nghèo, cũng như hỗ trợ tài chính bổ sung theo hệ thống an sinh xã hội", bà lưu ý.

Tuy nhiên, chuyên gia này vẫn lạc quan về triển vọng của quốc gia Nam Á, cho rằng các chỉ số kinh tế hiện tại có thể cải thiện khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra.

"Chúng tôi đã quan sát lạm phát trên toàn thế giới trong giai đoạn phục hồi sau Covid-19.  Cuộc xung đột Ukraine đã gây thêm bất ổn. Những trong vòng vài năm tới, nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi trở lại", bà nhận định.

Chính phủ của Thủ tướng Sheikh Hasina đã thực hiện một số bước để cắt giảm chi tiêu và tiết kiệm dự trữ ngoại tệ. Họ đã quyết định đình chỉ các chuyến công du nước ngoài của các quan chức và hoãn một số dự án ít quan trọng hơn cần nhập khẩu từ các nước khác.

Bà Hasina cũng đã kêu gọi người dân thắt lưng buộc bụng và cẩn thận trong các quyết định chi tiêu. "Thủ tướng trước đó đã đưa ra một số chỉ thị cho các quan chức chính phủ về việc thực hành thắt lưng buộc bụng. Hôm nay bà kêu gọi khu vực tư nhân và người dân tiết kiệm", Bộ trưởng Kế hoạch Bangladesh MA Mannan cho biết trong cuộc họp báo ở Dhaka.

Ông Islam cho rằng chính phủ cần hết sức thận trọng trong việc quản lý kinh tế trước tình trạng giá cả tăng vọt, vì có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng chính trị vốn đã cao ở quốc gia theo đạo Hồi này. "Cuộc bầu cử vừa qua của Bangladesh diễn ra không tốt đẹp. Vì vậy, tình hình chính trị dù sao đi nữa sẽ vẫn căng thẳng. Sự bất ổn kinh tế có thể làm leo thang căng thẳng", ông nhận định.

Mặc dù các chuyên gia không nhận thấy bất kỳ cuộc khủng hoảng kinh tế nào sắp xảy ra, nhưng họ tin rằng cần có quản trị và quản lý tài chính tốt để đảm bảo Bangladesh không phải đối mặt với tình huống mà Sri Lanka hiện đang lâm vào.