Bạn muốn giàu có ư? Đây là câu trả lời của 21 tỷ phú tự thân

31/07/2021 07:15 Hiếu Kỳ/Inc

Nếu thành công về tài chính là mục tiêu của bạn - và trong định nghĩa của hầu hết mỗi chúng ta về thành công đều bao hàm một mức độ giàu có nhất định - thì tính cách của bạn chắc chắn đóng một vai trò cốt yếu. (Theo một nghiên cứu vào năm 2018, những người giàu thường sở hữu 5 đặc điểm tính cách).

Nhưng cách bạn trả lời một câu hỏi đơn giản cũng nói lên nhiều điều.

Rafael Badziag đã phỏng vấn 21 vị tỷ phú tự thân khi viết cuốn “Bí mật tỷ đô: 20 nguyên tắc đằng sau sự giàu có và thành công của các tỷ phú”.

Có người nhấn mạnh thái độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro một cách khôn ngoan. Một số đề cao tinh thần tự quyết: "Liệu giấc mơ có thành hiện thực hay không, điều đó tùy thuộc vào tôi."

Những người khác chỉ ra quá trình cải thiện bản thân không ngừng, khả năng bỏ ngoài tai những lời chỉ trích, và khát khao làm việc miệt mài.

Nhưng điểm chung của tất cả bọn họ là gì? Họ đều trả lời một câu hỏi theo cùng một cách.

"Bạn thích gì hơn: kiếm tiền, hay tiêu tiền?"

Theo Badziag, "Sự khác biệt giữa những người thành công về tài chính (triệu phú) và những người siêu thành công về tài chính (tỷ phú) bắt nguồn từ thực tế là nhóm người thứ nhất thích kiếm tiền nhưng không thích tiêu tiền."

Tất nhiên cũng có ngoại lệ. Ví dụ như Mukesh Ambani, người có "ngôi nhà" 27 tầng, rộng gần 4 héc ta ở Mumbai, trị giá ước tính 1,2 tỷ USD.

Rõ ràng, Ambani sẵn sàng chi một ít tiền. Nhưng hãy nhớ rằng ông có khối tài sản ước tính 87,4 tỷ USD, vì vậy điều đó cũng chẳng quá khó hiểu. (Tôi chỉ ước ngôi nhà của mình chiếm đến 1,4% tổng giá trị tài sản ròng của tôi.)

Ở chiều ngược lại có Warren Buffett, người vẫn sống trong ngôi nhà ông mua từ những năm 1950 với giá khoảng 250.000 USD tính theo đô la ngày nay.

Hiện giờ căn nhà trị giá khoảng 650.000 USD, có nghĩa là nó chiếm 0,000007 phần trăm giá trị tài sản ròng của ông, nói một cách đơn giản hơn là chưa đến 1 phần trăm của 1 phần trăm.)

Vào năm 2011, Mark Zuckerberg đã trả 7 triệu USD cho ngôi nhà của mình ở Palo Alto, California - đó là 0,0005 tài sản ròng của anh ta.

Người sáng lập Snap là Evan Spiegel thì chi 12 triệu đô la cho ngôi nhà ở Los Angeles của mình, chiếm 0,001 phần trăm tài sản ròng. (So với Buffett và Zuckerberg, Spiegel rõ ràng là một kẻ ăn chơi hoang phí.)

Bạn hiểu ý tôi rồi đấy.

Theo Sarah Stanley Fallaw, tác giả của cuốn sách bán chạy hàng đầu “Vị triệu phú hàng xóm tiếp theo”, đại đa số những người giàu có mà cô nghiên cứu đều sống trong những ngôi nhà rẻ hơn nhiều so với mức mà họ “có thể chi trả".

Và, theo nghĩa rộng hơn, là sống dưới tiềm lực tài chính của họ - điều này cho phép họ tiết kiệm, đầu tư và tạo dựng sự giàu có theo thời gian. (Không kể các triệu phú Bitcoin thì việc tích lũy khối tài sản đáng kể thường mất hàng thập kỷ).

Điều này đưa chúng ta trở lại câu hỏi trên.

Nếu bạn kiếm tiền để tiêu tiền - nếu việc tiêu tiền vui hơn việc kiếm tiền - thì bạn có thể sẽ không bao giờ trở nên giàu có, ít nhất là về mặt tài chính.

Nếu bạn vay tiền mà không có xu hướng tạo ra lợi nhuận, bạn có thể sẽ không bao giờ trở nên giàu có.

Với tín dụng tốt và thu nhập đủ, bạn có thể vay 100.000 USD và mua một chiếc xe Porsche.

Nếu bạn không có tín dụng cũng như thu nhập, bạn có thể vay 200.000 USD để vào học một trường đại học/cao đẳng tư và “mua” một tấm bằng.

Vấn đề là, bạn rồi sẽ phải trả lại tất cả số tiền đó. Bốn năm kể từ bây giờ, chiếc Porsche của bạn không còn là "Ôi chúa ơi, tôi có một chiếc Porsche!" Nó chỉ là chiếc xe của bạn - chiếc xe bạn vẫn đang phải trả góp.

Mười năm nữa, nếu việc thanh toán khoản vay cho sinh viên vẫn là một gánh nặng tài chính nặng nề, thì việc đầu tư vào giáo dục có thể không còn đem lại cảm giác tuyệt vời đến thế.

Tất nhiên bạn đã có được bằng cấp, nhưng với chi phí dài hạn là bao nhiêu? Một nền tảng giáo dục nên được xem như một khoản đầu tư - một khoản đầu tư tạo ra lợi tức hợp lý.

Cũng giống với bất kỳ khoản tiền nào bạn chi tiêu, dù là cho mục đích cá nhân hay kinh doanh.

Cuối cùng, mọi công việc kinh doanh cần phải tạo ra lợi nhuận. Doanh thu cần phải lớn hơn chi phí.

Nếu không, việc kinh doanh đó chỉ là một thú vui tốn kém.

Đó là lý do tại sao các doanh nhân thành đạt, đặc biệt là những người xây dựng doanh nghiệp phát đạt và bền vững, có xu hướng tiêu xài dưới mức doanh thu của họ.

Đó là lý do tại sao những người giàu có, hoặc ít nhất là những người luôn duy trì được sự giàu có, thường sống dưới mức thu nhập của họ.

Và đó là lý do tại sao các tỷ phú thích kiếm tiền hơn là thích tiêu tiền.

Như Frank Hasenfratz, người sáng lập công ty sản xuất phụ tùng ô tô Linamar lớn thứ hai Canada, nói với Badziag, "Có một cách để làm điều đó: Tiêu ít hơn số tiền bạn kiếm được. Nếu bạn chi tiêu ít đi đồng thời tích lũy, bạn sẽ trở nên giàu có".

Giống như hầu hết các sự thật giản đơn, chi tiêu ít hơn số tiền bạn kiếm được, chứ chưa nói tới chi tiêu ít hơn đáng kể thu nhập, là một chiến lược hiển nhiên. Nhưng nó cũng có thể cực kỳ khó khăn.

Trừ khi bạn tìm ra cách để thích kiếm tiền hơn là thích tiêu tiền.

Bởi vì khi đó sự tập trung của bạn sẽ không dồn vào những gì bạn không có. Mà bạn sẽ tập trung vào những gì bạn có thể làm.