50% doanh nghiệp chưa có kế hoạch thưởng Tết cho người lao động

04/02/2021 11:44 daidoanket.vn

Đáng chú ý, theo báo cáo, hiện mới chỉ có khoảng 50% doanh nghiệp trong số gần 63.000 doanh nghiệp có báo cáo cho biết đã có kế hoạch thưởng Tết. Còn lại 50% doanh nghiệp vẫn chưa có kế hoạch thưởng Tết (tính đến thời điểm cuối tháng 12/2020).

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tình hình lương, thưởng Tết năm 2020 đều giảm so với năm trước.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tình hình lương, thưởng Tết năm 2020 đều giảm so với năm trước.

Thưởng giảm so với 2019

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, kết quả tổng hợp nhanh của 63 tỉnh, thành phố tại 62.640 doanh nghiệp trên cả nước cho thấy, khoảng 55,6% trong tổng số 62.640 doanh nghiệp báo cáo có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán năm 2021.

Trong đó, mức thưởng bình quân gần bằng 1 tháng lương khoảng 6,36 triệu đồng/người, bằng 95% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán 2020 (6,69 triệu đồng/người). Mức thưởng cao nhất dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 là 1,07 tỷ đồng tại một doanh nghiệp dân doanh ở thành phố Hồ Chí Minh.

Một số doanh nghiệp khác tại các địa phương cũng có mức thưởng cao như Hà Nội là 400 triệu đồng (doanh nghiệp dân doanh), tại Đà Nẵng là 127 triệu đồng (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), tại Đồng Nai là 600 triệu đồng (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), tại Bình Dương là 497 triệu đồng (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

Mức thưởng cao nhất dịp Tết Dương lịch năm 2021 là 990 triệu đồng tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại thành phố Hồ Chí Minh. Một số mức thưởng cao của doanh nghiệp khác tại các địa phương như: Hà Nội là 68 triệu đồng (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), tại Đà Nẵng là 83,43 triệu đồng (doanh nghiệp có vốn đầu tư  nước ngoài), tại Bình Dương là 350 triệu đồng (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tình hình lao động, việc làm và tiền lương, tiền thưởng của người lao động giảm so với năm 2019. Đến thời điểm khảo sát vẫn còn khoảng 50% doanh nghiệp chưa có kế hoạch thưởng Tết cho người lao động.

Cũng theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ngoài tiền thưởng Tết cho người lao động, các doanh nghiệp còn có nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực khác như tặng quà Tết, phiếu mua hàng, lì xì, hỗ trợ tiền tàu xe...

Tiền lương năm 2020: Cao nhất 516 triệu đồng/tháng

Liên quan đến tiền lương, báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tiền lương bình quân năm 2020 ước đạt 7,54 triệu đồng/tháng, giảm khoảng 3% so với năm 2019 (7,77 triệu đồng/tháng). Ở hầu hết các loại hình doanh nghiệp, tiền lương bình quân đều giảm so với năm 2019.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có mức lương bình quân cao nhất với 9,1 triệu đồng/tháng, giảm 2,5% so với năm 2019 (9,34 triệu đồng/tháng). Tiếp theo là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 8,12 triệu đồng/tháng, giảm 4% so với năm 2019 (8,46 triệu đồng/tháng); công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước là 8,08 triệu đồng/tháng, giảm 1,7% so với năm 2019 (8,18 triệu đồng/tháng); doanh nghiệp dân doanh là 7,13 triệu đồng/tháng, giảm 1,7% so với năm 2019 (7,25 triệu đồng/tháng).

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức lương cao nhất năm 2020 là hơn 516 triệu đồng của người quản lý tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất đồ điện gia dụng ở thành phố Hồ Chí Minh. Một số doanh nghiệp tại các địa phương khác cũng có mức lương cao như: Hà Nội là 185,14 triệu đồng/tháng (công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước), tại Đà Nẵng là 263,45 triệu đồng/tháng (doanh nghiệp dân doanh), tại Đồng Nai là 155,05 triệu đồng/tháng (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), tại Bình Dương là 497 triệu đồng/tháng (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

“Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tình hình lao động, việc làm và tiền lương của người lao động giảm so với năm 2019. Mức tiền lương cao chủ yếu tập trung vào các ngành có lợi thế, ít chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như tài chính - ngân hàng, hóa mỹ phẩm, điện tử - công nghệ thông tin, y tế...Bên cạnh các doanh nghiệp có kết quả sản xuất, kinh doanh tốt, có điều kiện chăm lo đời sống cho người lao động, còn có một số ít doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn dẫn đến nợ lương của người lao động”, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết.